30/10/2018 14:22 GMT+7

Trung Quốc nới lỏng quy định về sừng tê, cao hổ

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Chính quyền Bắc Kinh vừa có thông tư được cho là cởi trói đôi chút với việc sử dụng sừng tê, cao hổ sau 25 năm cấm đoán triệt để.

Trung Quốc nới lỏng quy định về sừng tê, cao hổ - Ảnh 1.

Bảo vệ tê giác ở Nam Phi trước nạn săn trộm lấy sừng - Ảnh: YOUTUBE

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, thông tư mới ban hành của Quốc vụ viện do Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt bút ký yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng sừng tê và thịt, xương hổ nấu cao làm thuốc. Quyết định có hiệu lực thi hành ngay sau khi được công bố.

Theo đó, mọi hành vi liên quan đến việc sử dụng, mua bán tê giác, hổ và các thành phần chế biến từ hai loài trên đều bị cấm đoán, trừ những trường hợp được luật cho phép; các sản phẩm hàng hóa mà thông tin thành phần sản phẩm có thành tố làm từ tê giác hoặc hổ cũng bị xem là sản phẩm vi phạm quy định của nhà nước.

Chính phần cho phép dùng sừng tê và cao hổ chữa bệnh với "giấy phép đặc biệt" từ những người được chỉ định ghi toa này đã gây một số phản ứng từ các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã với lý do sẽ kích thích các tay săn bắn lậu tìm cách đưa thêm hàng vào Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sừng tê và cao hổ hàng đầu thế giới.

Một điều tra có tựa đề "Rhino Dollars" (tạm dịch Tiền máu từ tê giác) của Đài truyền hình Arte của Pháp và Đức vừa trình chiếu hôm 16-10 đã cho thấy thị trường tiêu thụ sừng tê từ Trung Quốc và Việt Nam đã khiến giới buôn lậu sục sôi khi giá lên đến gần 35.000 USD mỗi kilô.

Thông tư mới ban hành của Quốc vụ viện Trung Quốc được cho là "cởi trói" một chút so với quyết định cấm đoán triệt để vào năm 1993 đối với sản phẩm từ tê giác và hổ.

Quyết định mới cũng cho phép sử dụng các thành phần của tê giác và hổ trong nghiên cứu khoa học và tác phẩm nghệ thuật. Theo đó, các bộ Di sản và Du lịch sẽ được phép quyết định về việc "trao đổi văn hóa tạm thời" các tác phẩm nghệ thuật có thành phần tê giác và hổ trong đó.

Thông tư mới có hiệu lực cũng xác định các sản phẩm xuất xứ từ thành phần tê giác và hổ còn lưu trữ hoặc nằm trong các bộ sưu tập cá nhân phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Những sản phẩm không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị tịch thu.

Thậm chí các sản phẩm chứng minh được nguồn gốc (xuất xứ từ những quốc gia cho phép săn bắn tê giác, hổ…) cũng phải được bảo vệ kỹ càng (nhằm tránh khả năng buôn bán rồi thông báo bị mất cắp) và không được dùng đem trao đổi hoặc buôn bán vì mục đích kiếm tiền.

Thông tư cũng yêu cầu bảo vệ tốt hơn tê giác và hổ ở Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến việc tuyên truyền trong dân chúng. Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ giúp người dân hiểu việc mua bán và vận chuyển những sản phẩm từ tê giác và hổ từ nước ngoài về là phạm pháp.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên