22/01/2007 19:27 GMT+7

Triển vọng văn học dịch 2007: Có hay chưa một lớp dịch giả mới?

Theo Lan Ngọc – Thể thao & Văn hóa
Theo Lan Ngọc – Thể thao & Văn hóa

2006 có thể coi là năm sôi động của văn học dịch. Sôi động, trước hết, về số lượng bản dịch (theo thống kê chưa đầy đủ của Cục xuất bản thì số tác phẩm văn học dịch có xu hướng áp đảo văn học nội!).

1VOEZssc.jpgPhóng to
Dịch giả Dương Tường: "Cao Việt Dũng (ảnh) có thể tiến xa"
2006 có thể coi là năm sôi động của văn học dịch. Sôi động, trước hết, về số lượng bản dịch (theo thống kê chưa đầy đủ của Cục xuất bản thì số tác phẩm văn học dịch có xu hướng áp đảo văn học nội!).

Sôi động với hàng chục tác giả - tác phẩm tên tuổi lần đầu tiên có mặt tại VN, như Bernhard Schlink (Người đọc), Elfriede Jelinek (Tình ơi là tình, Cô gái chơi dương cầm), Banana Yoshimoto (Kitchen, N.P), Michel Houellebecq (Hạt cơ bản), Daniel Pennac (Mắt sói), Laurent Gaudé (Mặt trời nhà Scorta)… Sôi động trên các diễn đàn, từ bàn hội thảo đến mặt báo, về chất lượng dịch phẩm và cả những “thảm họa dịch thuật” (chữ dùng của Trần Tiễn Cao Đăng)…

Tuy nhiên, đáng chú ý là sự xuất hiện của những tên tuổi mới, trẻ về tuổi đời và tuổi nghề trong hàng ngũ dịch giả, như Cao Việt Dũng, Lương Việt Dzũng… hoặc trẻ về tuổi nghề, nhưng không trẻ về tuổi đời như Lê Quang, Trần Tiễn Cao Đăng… Có hay không một lớp dịch giả mới?

Dịch giả Lê Quang: "Viết cho tử tế tiếng mẹ đẻ"

* Với người dịch, giữ được tinh thần, hồn cốt nguyên tác đã khó, giữ được văn phong lại càng chật vật hơn. Trong khi đó, Bernhrd Schlink và Elfiede Jelinek vốn không phải là những tác giả “dễ chịu” khi chuyển ngữ. Ông - một dịch giả “tay ngang” - có nghĩ là mình “mạo hiểm” không? Ông đã xoay xở thế nào với Người đọc và Tình ơi là tình?

- Tôi chỉ dịch được một tác giả khi tôi thích và nắm chắc được văn phong người đó, chứ may mắn không phải làm theo đơn đặt hàng. Nhìn như thế thì B. Schlink không khó lắm. E. Jelinek thì quả là “khó nhằn” hơn, nhưng bù lại làm xong việc tôi thấy thoả mãn hơn. Cũng phải thú nhận rằng thoạt tiên tôi chọn một đầu sách khác của Jelinek, song loay hoay thử dịch 50 trang đầu thấy không thỏa mãn nên bỏ. Ở tuổi tôi, đó không phải là lòng dũng cảm, mà là sự thận trọng cần thiết cộng với thái độ tôn trọng độc giả.

Tôi không ưa chữ “mạo hiểm” - nếu cảm thấy vất vả quá sức thì không nên bắt tay vào, bởi vì lực lượng biên tập có khá năng thẩm định được. Để dịch một cách vững tâm, cần phải biết rõ ngoại ngữ của bản gốc và những gì ẩn giữa hai dòng chữ - đó là vốn liếng từ cuộc sống mà ta thật sự lăn lóc trong đó. Về mặt này thì tôi không lo lắm sau khi sống vài chục năm ở nước ngoài. Còn một điều kiện tiên quyết nữa là viết cho tử tế tiếng mẹ đẻ; điều này thì chỉ độc giả có quyền nhận xét.

* Vậy, đâu là sự khác biệt giữa một dịch giả chuyên nghiệp và một dịch giả nghiệp dư? Ông đã thấy mình có thể chuyên nghiệp (hoặc tiến tới chuyên nghiệp) được chưa?

- Hiểu theo nghĩa hẹp, “dịch giả chuyên nghiệp” là không làm gì khác ngoài dịch và sống được ra hồn bằng nghề dịch, thì ở ta hơi khó, khi mỗi đầu sách trung bình chỉ in ra 1.000 - 2.000 cuốn.

Tôi nghĩ rằng không nên phân biệt dịch giả chuyên nghiệp và nghiệp dư, rốt cuộc chỉ có một thước đo là chất lượng, chứ người đọc khi giở sách ra có mấy ai quan tâm đến chuyện bếp núc hậu trường. Nên quan tâm hơn đến tính chuyên nghiệp của các nhà xuất bản. Chừng nào họ còn tận dụng vị trí “cổ chai” để sống chủ yếu bằng tiền bán giấy phép xuất bản và thậm chí còn đẩy cả công tác biên tập lên vai đối tác thì tình hình khó sáng sủa lên được.

* Lâu nay, trong dịch thuật, một số dịch giả vẫn trung thành với ba tiêu chí: tín - đạt - nhã. Ông thì sao?

- Tôi đã trao đổi với một số bậc đàn anh, thì thấy cách hiểu tín - đạt - nhã không thống nhất lắm. Theo thiển ý của tôi, “tín” là trung thành với với tác giả bản gốc, lột tả được nội dung nguyên bản - dịch tài liệu chuyên môn thì tiêu chí này quan trọng nhất; “đạt” là phải cao hơn “tín” đơn thuần, nghĩa là phản ánh được cả cá tính của ngòi bút và những hàm ý sâu xa trong câu văn, vậy thì đây là tiêu chí cần và đủ trong dịch văn học. Làm được như thế thì người dịch có thể bằng lòng với chính mình rồi. Tính tôi hơi cầu toàn, trong phạm vi có thể thì tôi giữ nguyên cả vị trí dấu chấm phẩy.

Nhiều khi tôi gặp những câu nguyên bản trúc trắc và tối nghĩa, xem bản dịch lại thấy nuột nà và trong sáng, và người dịch giải thích đó là “nhã”, nếu quả vậy thì tôi sợ chữ “nhã” lắm.

Dịch giả Quang Chiến: “Người dịch chưa có mối liên hệ với tác giả”

Năm qua đã có một hội thảo của Hội Nhà văn VN, và nhiều bài báo cảnh tỉnh giới dịch thuật. Tuy nhiên, “cảnh tỉnh” được đến đâu, tác động được đến mức nào lại là chuyện khác. Hơn nữa, thị trường sách dịch mông lung quá, nên tôi cũng không có điều kiện đọc hết. Nhưng, có những bản dịch mà người đọc phải tìm đến, dư luận phải xôn xao như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Bên cạnh cái đáng mừng đó lại còn vô số cái đáng buồn khác. Mà cái đáng buồn muôn thuở vẫn là thù lao cho người dịch văn học nước ngoài quá thấp, không tương xứng với sức lao động bỏ ra, vô hình trung lại khuyến khích thói làm bừa, làm ẩu! Đi vào lĩnh vực văn học dịch là sự mạo hiểm lớn. Không chỉ ở VN, mà ở nước ngoài, dịch giả cũng bị coi là “những con ngựa ghẻ còm nhom của các nền văn hoá”.

Một trong số những nguyên nhân khiến bản dịch kém chất lượng là người dịch chưa có mối liên hệ với tác giả (trực tiếp hay gián tiếp), nhất là ở mảng văn học đương đại. Trong khi ở nước ngoài, khi dịch các tác phẩm văn học đương đại, người dịch thường phải quan hệ mật thiết với các nhà văn để hiểu họ, hiểu cả những phương ngữ, thổ ngữ, tập quán, thói quen…của họ thì mới có thể hiểu đúng tác phẩm để dịch chính xác.

Về đội ngũ dịch thuật, người dịch ít nhiều có chỗ đứng giờ đều già yếu. Riêng về văn học Đức, số người dịch lại càng ít. Năm ngoái, có thêm một số người dịch mới như Lê Quang, Ngọc Cầm Dương (thế hệ 8X)… Có thể coi là một bước tiến, bổ sung thêm cho đội ngũ dịch thuật nước nhà. Song tôi cũng không dám khẳng định họ có tiến xa được hay không, mà mới chỉ hy vọng thôi.

Dịch giả Dương Tường: “Đã có một vài tín hiệu…”

* Cái được và chưa được của văn học dịch năm qua, theo góc nhìn của ông?

- Văn học dịch có nhúc nhích một chút, đã có một vài tín hiệu, có một số bản dịch tốt, có một số tác giả nước ngoài đáng được giới thiệu thì cũng đã xuất hiện ở VN và có một số người dịch có triển vọng. Còn cái chưa được thì nhiều lắm… Nói ra cũng dài dòng… Mà tôi chỉ muốn góp ý riêng với một số người dịch ở hậu trường, chứ không muốn đưa lên mặt báo để họ tự ái.

* Vậy thì, nếu xét ở góc độ tích cực, có thể hy vọng gì vào những cái tên Cao Việt Dũng (với bản dịch Hạt cơ bản - Michel Houellecbecq), Lương Việt Dũng (với Kitchen - Banana Yoshimoto, Trần Tiễn Cao Đăng (Biên niên ký chim vặn giây cót - Haruki Murakami), Lê Quang…? Liệu đã có tiền đề nào cho sự xuất hiện một lớp dịch giả mới chưa, thưa ông?

- Tôi chưa đọc Banana Yoshimoto, cũng chưa đọc Jelinek, nên không dám bình luận gì. Trong số các dịch giả mới vào nghề, tôi chỉ thấy Cao Việt Dũng có thể tiến xa. Dũng chăm chỉ, chịu khó, có phông văn hóa tốt. Ngoài Dũng, tôi chưa tìm được gương mặt nào. Vì thế, vẫn chưa thể có một lớp dịch giả mới thay thế lớp già!

Những cuốn sách sẽ ngấm dần vào tâm thức xã hộiẤn tượng văn học 2006Một góc nhìn văn học

Theo Lan Ngọc – Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên