11/10/2018 09:26 GMT+7

Trắng đêm ở bệnh viện nhi

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI

TTO - 22h30, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn không ngớt tiếng khóc của trẻ, xen lẫn đó là tiếng bước chân vội vã của nhân viên y tế cùng tiếng xe cứu thương liên tục chở bệnh nhân đến.

Trắng đêm ở bệnh viện nhi - Ảnh 1.

Một bé 2 tuổi bị bệnh tay chân miệng nặng, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) phải cho thở máy, theo dõi liên tục - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Con có thấy run không? Con thở có mệt lắm không? Con ngoan ngồi yên, cầm cái này để cô kiểm tra nhé" - không khí ngột ngạt, âm thanh xô bồ trong khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khiến bác sĩ Nguyễn Thanh Trang phải ghé sát tai bé Huỳnh Tấn Lộc (3 tuổi, quê Vĩnh Long) thăm khám.

Với các triệu chứng nóng sốt, giật mình thường xuyên, cộng thêm việc quan sát bé đi lại, bác sĩ Trang quay qua nhắc cha bé: "Bây giờ bé còn hơi sốt, anh vắt khăn ấm lau nách, bẹn cho bé. Theo dõi tiếp nếu bé có biểu hiện nóng sốt cao, run, gồng mình co giật, tím môi... thì nhanh chóng đưa lên phòng cấp cứu để bác sĩ kiểm tra nhé".

Kế bên, một bé gái 4 tuổi ôm ghì chặt lấy cổ cha khóc mếu máo: "Đi về, ba ơi đi về, đi về đi mà...".

Phập phồng cùng con suốt đêm

Phòng hành chính, 20h ngày 9-10. Các nhân viên y tế vẫn phải quay như chong chóng tiếp nhận thăm khám, lập hồ sơ cho các bé vừa được cha mẹ bồng bế vào viện mỗi lúc một đông. Từng hành động đều rất khẩn trương, không có một giây phút nào nghỉ ngơi đúng nghĩa. Một "thế giới" khác như hiện ra khi chúng tôi đặt chân vào phòng cấp cứu.

Phòng cấp cứu như nóng hơn khi tiếng trẻ con la khóc, hòa lẫn vào tiếng kêu "tít, tít" của máy móc y tế làm cho không khí càng trở nên ngột ngạt. Căn phòng rộng khoảng 60m2 được kê 13 giường, các bé phần lớn phải cởi trần hạ sốt. Các bé nằm la liệt đủ tư thế sấp, ngửa, nghiêng... quanh người đủ thứ dây nhợ truyền thuốc, nước khoáng. Kế bên là một phòng dành cho những bé bị bệnh sởi với cảnh báo: "Phòng cách ly, hạn chế mở cửa".

Cẩn thận vén khăn kê đầu cho con, chốc chốc chị Lâm Thị Phượng (25 tuổi, quê Tân Châu, Tây Ninh) lại vắt khăn ấm lau các bộ phận bẹn, nách, trán cho con trai Lại Đăng Khôi vừa tròn 16 tháng tuổi.

Bé Khôi bị bệnh tay chân miệng độ III và đang phải thở oxy. "Con nhập viện bao nhiêu ngày là từng ấy thời gian tôi lo âu thức trắng, mọi việc ăn uống sinh hoạt đều qua loa, chỉ mong sao con nhanh chóng khỏi bệnh để về" - chị Phượng tâm sự.

Những phận người trong dịch bệnh

Dịch bệnh không buông tha ai và không phải gia đình nào cũng "đủ sức" để chống chọi bệnh dịch. Trong mùa dịch, nhiều câu chuyện về phận người cũng rất bi đát.

Bệnh viện Nhi Đồng 1, 21h30 đêm 9-10, một người phụ nữ dáng vẻ lem luốc một tay xách balô đồ lỉnh kỉnh, tay kia bế theo con gái tên Thảo My (1 tuổi) vào cấp cứu. Đi theo phía sau, con gái lớn của chị, tên Kiều Tiên (4 tuổi). Người phụ nữ này là Nguyễn Thị Chi (23 tuổi, quê Phú Yên) vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số 3 tháng nay.

Chị Chi nói như muốn khóc: "Cháu nằm điều trị tại khoa tiêu hóa gần nửa tháng nay, vừa xuất viện nay lại phải nhập viện vì bị bệnh sởi". Từ ngày nhập viện, việc bán vé số tạm dừng. Không còn tiền, mọi chi phí điều trị đều nhờ cậy vào số tiền hỗ trợ của phòng công tác xã hội của bệnh viện.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, 22h tối 9-10, một phụ nữ với thân hình gầy gò đang ngồi co rúm ở dãy ghế đá, hai tay vòng qua đầu gối rồi nắm chặt lấy nhau. Đó là bà Trịnh Thị Chín (64 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) đang nhìn về phía phòng cấp cứu - nơi cháu ngoại Trần Bảo Thư (4 tuổi) của bà đang nằm điều trị bệnh tay chân miệng, với biến chứng viêm não đã hơn một tuần qua.

Quê ở An Giang, từ thế hệ của bà đến con cái đều phải đi làm thuê làm mướn kiếm tiền sống qua ngày. Một tuần trước, bé lên cơn sốt cao gần 40 độ C nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành (An Giang) điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình của Thư lại diễn tiến xấu buộc gia đình phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM).

22h30, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn không ngớt tiếng khóc của trẻ, xen lẫn đó là tiếng bước chân vội vã của nhân viên y tế cùng tiếng xe cứu thương liên tục chở bệnh nhân đến.

Một chiếc xe cấp cứu lại đỗ xịch trước phòng cấp cứu khoa nhiễm. Tích tắc, cánh cửa xe vội mở, một thân hình bé tí nằm gọn trên giường được đẩy xuống, tiếng bước chân thình thịch của nhân viên y tế cùng với khuôn mặt lo lắng của phụ huynh.

Không kịp ăn, thay ca chợp mắt

0h ngày 10-10. Khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1. Khi lượng bệnh nhân thưa dần đó là lúc êkip trực mới có khoảng thời gian hiếm hoi để... thở. Thức ăn nhờ người mua lúc chiều để trong phòng vẫn còn đó, không ai kịp ăn lót dạ trước áp lực công việc liên tục như những ngày qua.

Mỗi êkip trực khoảng 8 người (trong đó có 5 điều dưỡng, 2 bác sĩ, 1 hộ lý). Phải làm việc trong môi trường đủ thứ bệnh dịch truyền nhiễm, áp lực cao... mối lo lớn nhất của các nhân viên y tế là nguy cơ lây bệnh cho người thân.

3h sáng 10-10, bệnh viện vẫn vang vọng tiếng khóc trẻ thơ, tiếng máy kêu "tít tít" hòa lẫn vào tiếng quạt trần quay vù vù... Chẳng khi nào, đêm lại dài đến thế...

"Mọi khâu vệ sinh có thể rất thận trọng nhưng không phải lúc nào cũng tránh được lây nhiễm" - một bác sĩ chia sẻ.

Khi mọi công việc bắt đầu giảm bớt, các nhân viên y tế ai cũng mệt đừ, họ thay nhau chợp mắt ít phút để lấy sức tiếp tục hành trình chăm sóc bệnh nhi, chiến đấu với dịch bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở các tỉnh thành phía Nam Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở các tỉnh thành phía Nam

TTO - Một số tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Nha Trang, Đà Nẵng... có số ca bệnh tăng đột biến trong 2 tháng gần đây.

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên