Đào đường thi công lắp đặt cống thoát nước trên đường Cao Lỗ, Q.8, TP,HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vi phạm hành chính trong thi công trên đường bộ vẫn còn diễn ra thường xuyên, phức tạp, đặc biệt hành vi “không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong” qua các năm vẫn chiếm trên 50%, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông VÕ KHÁNH HƯNG
PV Tuổi Trẻ đã trao đổi câu hỏi này với ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ông cho biết:
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà thầu thi công đào đường bê bối. Khách quan là do phân bổ nguồn vốn cho các đơn vị có nhu cầu thi công công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.
Nhiều dự án trọng điểm có quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài và triển khai đồng loạt trên một số quận nội thành như: dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2...
Chủ quan là các đơn vị viện lý do đào ngầm có chi phí đắt hơn đào hở vì phải đầu tư (hoặc thuê) máy móc, thiết bị vật tư, công nghệ mới và khi bị vướng công trình ngầm thì khó xử lý. Đơn vị khảo sát lập dự án chưa tốt nên khi thi công bị vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, nước... dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài.
Các đơn vị chưa tuân thủ nghiêm quy trình thi công và nghiệm thu dẫn đến chất lượng tái lập mặt đường không đảm bảo, gây trồi, lún mặt đường. Một số chủ đầu tư, tư vấn giám sát buông lỏng công tác điều hành quản lý ngoài công trường, không có biện pháp xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm trong quá trình thi công...
Công nghệ mới nhiều ưu điểm
* Vì vậy mà mới đây UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về ứng dụng công nghệ mới khoan ngầm thay vì đào hở, việc này sẽ triển khai như thế nào, thưa ông?
- Trong năm 2018, Sở GTVT TP đã có tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định về thi công công trình thiết yếu trên phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, yêu cầu khi thi công lắp đặt công trình ngầm băng qua các tuyến quốc lộ, khu vực trung tâm TP, tuyến đường có mật độ giao thông cao, khu vực công cộng, đường phố chính phải thi công bằng công nghệ khoan ngầm, trường hợp không thể khoan ngầm mới sử dụng biện pháp đào hở.
Hiện nay, sở cũng đang tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện để đưa ra biện pháp xử lý và cũng đang phối hợp với các đơn vị xây dựng định mức thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm.
Đồng thời đã thông báo danh mục các tuyến đường, đoạn đường thi công trên địa bàn thành phố trong năm 2019 - 2020. Trên cơ sở danh mục các công trình đó, sở sẽ kiểm soát, yêu cầu các đơn vị phải thực hiện khoan kích ngầm, khoan kéo ống trong năm 2019 - 2020.
* Theo ông, việc áp dụng công nghệ mới về đào đường có lợi hơn so với đào hở ra sao?
- Việc đào đường hở và tái lập sau khi thi công sửa chữa, lắp đặt các công trình ngầm đã làm hư hại nghiêm trọng kết cấu đường, dẫn đến kết quả là làm cho cường độ chịu lực của mặt đường bị giảm rất nhiều, không thể hoàn trả như nguyên trạng.
Trong khi đó, sử dụng công nghệ khoan kích ngầm, khoan kéo ống có những ưu điểm thi công nhanh, giảm khối lượng đào, do đó giảm chi phí vận chuyển và khối lượng mặt đường phải tái lập, hạn chế kẹt xe, ít gây ô nhiễm môi trường và ít ảnh hưởng đến đời sống người dân, ít rủi ro về sụt lún tại khu vực thi công.
Tuy nhiên, việc khoan kích ngầm, khoan kéo ống cần phải có mặt bằng để bố trí thiết bị.
Đào đường ngầm hóa cáp điện trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
88 tuyến đường phải khoan ngầm
* Như vậy, từ năm 2019 trở đi Sở GTVT sẽ triển khai thi công khoan kích ngầm trên các tuyến đường TP?
- Sở GTVT TP.HCM đã ban hành văn bản quy định 88 tuyến đường có mật độ giao thông cao, khu vực công cộng, đường phố chính đô thị trên địa bàn TP.HCM phải thực hiện công nghệ khoan kích ngầm, khoan kéo ống.
Các công trình phải khoan kích ngầm, khoan kéo ống bao gồm: công trình điện, cấp nước, viễn thông lắp đặt dưới lòng đường của tuyến đường chính đô thị; băng sông, rạch; băng quốc lộ, đường dẫn cao tốc, đường sắt; lòng sông, lòng rạch có mặt cắt ngang đảm bảo đủ để bố trí công trình điện ngầm theo thiết kế.
* Sở GTVT sẽ kiểm tra giám sát và xử lý thế nào đối với chủ đầu tư dự án tránh né ứng dụng công nghệ mới?
- Sở GTVT đã hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện khoan kích ngầm, khoan kéo ống, trong đó có quy trách nhiệm của các bên. Cụ thể như chủ đầu tư có thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đường bộ đang khai thác phải tổ chức khảo sát và lập phương án khoan ngầm ở bước lập dự án để được xem xét thỏa thuận.
Đồng thời liên hệ sở ngành liên quan, các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở GTVT và các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật để phối hợp bắt đầu từ bước lập dự án đầu tư đến bước triển khai thi công công trình, đảm bảo tính đồng bộ công trình của các ngành khác nhau.
Các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp phải xem xét báo cáo khảo sát của chủ đầu tư đối với các trường hợp không thể ứng dụng công nghệ khoan ngầm trong thi công để tham mưu phương án thi công phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Sở GTVT là đơn vị phối hợp với các đơn vị từ khâu thỏa thuận hướng tuyến đến cấp phép thi công. Do đó, sở sẽ kiểm soát chặt việc yêu cầu các đơn vị phải thực hiện công tác áp dụng khoan kích ngầm đúng quy định.
Gần giao lộ Cao Lỗ -Tạ Quang Bửu (P.4, Q.8, TP.HCM) ngập trong nước với những ổ voi, ổ gà gây khó khăn cho người đi đường. Đoạn đường này thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ giai đoạn 2 - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Ông Nguyễn Văn Dung (phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở GTVT TP.HCM):
Đào đường hở gây nhiều thiệt hại cho xã hội
Hiện nay đa số các phui đào được tái lập lớp bêtông nhựa nóng không tuân thủ theo quy định.
Cụ thể, đơn vị thi công chỉ tái lập một lớp nhựa hạt trung dày 12cm, không thực hiện tái lập theo quy định gồm hai lớp, một lớp nhựa hạt trung 7cm và lớp nhựa hạt mịn dày 5cm mới bảo đảm chất lượng mặt đường.
Một số công trình trong quá trình thi công đào đường không có biện pháp gia cố vách mương đào nên xảy ra tình trạng làn phui đào bị sạt lở gây ảnh hưởng đến mặt đường.
Một số công trình đào đường lập rào chắn cố định trong thời gian dài gây cản trở giao thông làm phát sinh chi phí xã hội rất lớn, mà chi phí này có thể lớn hơn chi phí đầu tư công trình.
Có thể nói việc thi công khoan ngầm sẽ khắc phục các tồn tại nêu trên.
Thực tế đã có một số đơn vị sử dụng công nghệ khoan kích ngầm hoặc khoan định hướng để thi công lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật như tuyến cống bao Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các tuyến cáp điện ngầm...
Thế nhưng công nghệ trên chưa được áp dụng rộng rãi.
3 công nghệ khoan ngầm phổ biến
1. Công nghệ khoan Robot kéo ống HDD của Mỹ. HDD là chữ viết tắt của Horizontal Directional Drilling với thời gian thi công nhanh, chi phí phù hợp.
Sự vượt trội của công nghệ này chính là mũi khoan có thể điều chỉnh sang trái, sang phải, đi lên, đi xuống nhịp nhàng, vì vậy dễ dàng né tránh các công trình ngầm hiện hữu.
2. Công nghệ khoan kích ngầm Pipe Jacking (thực hiện kích ống thoát nước có đường kính lớn, chi phí rất cao) đã được áp dụng ở dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 1.
3. Công nghệ khoan ngầm TBM (chữ viết tắt của Term Boring Machine) đã được thực hiện ở các công trình như tàu điện ngầm, tuyến metro số 1 Bến Thành - Ba Son...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận