11/03/2017 10:54 GMT+7

Tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM bất ngờ quà của Thừa Thiên - Huế

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Trong một bữa tiệc mừng bà Mary Tarnowka - tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM - vừa nhậm chức, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã tặng một tấm thiệp đặc biệt.

Bạn Lê Ngọc Tuấn Anh và mô hình Ngọ Môn gấp giấy do chính mình làm ra - Ảnh: Nhật Linh
Bạn Lê Ngọc Tuấn Anh và mô hình Ngọ Môn gấp giấy do chính mình làm ra - Ảnh: Nhật Linh

Chúng tôi đã tạo điều kiện để sản phẩm này tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư lớn và tin rằng sản phẩm sẽ trở thành một trong những món quà lưu niệm bán chạy

Ông PHAN THIÊN ĐỊNH (giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Khi tấm thiệp được mở ra, bà Mary Tarnowka rất bất ngờ, bởi trước mắt là một mô hình Ngọ Môn được xếp bằng giấy rất tinh xảo.

Sản phẩm này do Công ty TayTa của kiến trúc sư trẻ ở Huế Lê Ngọc Tuấn Anh thực hiện. Đây cũng là sản phẩm của ý tưởng khởi nghiệp giành giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Huế năm 2016 do Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên - Huế tổ chức.

Bằng những dụng cụ thủ công như kéo, dao, nhíp cùng sự tập trung cao độ, anh Tuấn Anh tỉ mỉ lắp lắp, tháo tháo từng chi tiết nhỏ sao cho đúng với các thông số kỹ thuật được vẽ ra từ trước đó. Hình ảnh Ngọ Môn sáng lung linh về đêm giống hệt những bức ảnh nghệ thuật hiện lên trước mắt.

“Chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm không chỉ nhìn y như thật mà phải có hồn. Vì thế đòi hỏi các chi tiết này phải có tỉ lệ thu nhỏ khớp với những chi tiết của công trình thật” - Tuấn Anh nói.

Mặt bên trong tấm bìa được vẽ những chi tiết như bản đồ thu nhỏ nhằm giới thiệu các đặc điểm, lịch sử của công trình. Khi gấp tấm bìa lại, các chi tiết nhỏ mô hình cũng nhẹ nhàng thu gọn vào bên trong. Khi mở tấm bìa ra, một mô hình kiến trúc Ngọ Môn ba chiều lại được dựng lên.

Tuấn Anh cho biết khi ý tưởng hình thành, công đoạn tiếp theo là khảo sát thực địa công trình, đo đạc, phác họa bản vẽ kỹ thuật. Từ các thông số cụ thể, cần cân đối các chi tiết giữa bản vẽ thiết kế và bản vẽ cắt lớp trên máy tính sao cho giống với công trình thật.

Kế tiếp là cắt các chi tiết đó ra bằng thủ công và xếp lại với nhau sao cho khớp để có thể gấp lại được. Rồi đưa sản phẩm đi cắt laser để có độ tinh xảo và hoàn chỉnh.

“Chỉ một chi tiết nhỏ bị sai lệch thì phải tháo ra làm lại” - Tuấn Anh chia sẻ. Thời gian tạo ra một sản phẩm là khoảng một tháng.

Việc giữ được chất liệu giấy của mô hình không bị hủy hoại do khí hậu Việt Nam có độ ẩm cao, nhất là ở Huế cũng là một kỳ công khi sau nhiều lần lặn lội từ Bắc vào Nam, Tuấn Anh mới chọn loại giấy canson vân gỗ có tính đàn hồi tốt.

Hiện TayTa có 13 loại mô hình là các địa danh nổi tiếng ở Huế như Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, cầu ngói Thanh Toàn... được bày bán trên thị trường Việt Nam và một số quốc gia như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Canada... Không chỉ là công ty kinh doanh, TayTa còn là nơi để các bạn trẻ yêu thích môn nghệ thuật gấp giấy được thỏa đam mê và kiếm thêm thu nhập.

“Hiện TayTa đang duy trì đội ngũ khoảng 30 bạn cộng tác viên là sinh viên các trường đại học ở Huế. Chúng tôi luôn rộng cửa chào đón những người có cùng đam mê ghép giấy và khởi nghiệp đến” - Tuấn Anh nói.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên