26/11/2018 11:35 GMT+7

Tôn vinh phở theo những cách riêng

N.BÌNH  -  HỮU DUYÊN
N.BÌNH - HỮU DUYÊN

TTO - Sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn đọc cho thấy tình yêu với phở Việt luôn bất tận, đa dạng màu sắc, đầy ước vọng đưa phở bay xa, đi khắp năm châu.

Từ hơn 1.000 bài viết, sáng kiến gửi về báo Tuổi Trẻ tham gia hai cuộc thi cho Ngày của phở, ban tổ chức đã chọn 39 tác phẩm vào vòng chung khảo. Cuối cùng 18 tác phẩm được trao thưởng.

Tôn vinh phở theo những cách riêng - Ảnh 1.

Phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phở - ký ức của no đủ

TS Nguyễn Nhã - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt nam, trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới, thành viên ban giám khảo - cẩn thận lựa những bài viết chia sẻ về ký ức với phở. Ông xúc động khi đọc những bài viết của những người như ông yêu phở từ khi còn tấm bé, gắn với những gánh phở ở làng quê xa xưa.

"Một ký ức về phở hay, trước hết phải có giá trị về lịch sử của một quán phở hay về phở nói chung trong một thời kỳ nào đó, với những chi tiết rất đặc biệt, có thể trở thành tài liệu quý. Ngoài ra, tôi cũng rất trân trọng những cảm xúc hay, những hình ảnh cụ thể, sinh động" - TS Nhã chia sẻ khi chọn những tác phẩm xuất sắc của cuộc thi.

Những ký ức về phở là những thước phim quý giá cho thấy chiều dài lịch sử của phở Việt, gắn với bao cuộc sống của con người Việt. Đó là câu chuyện phở không người lái, vẫn rất quyến rũ dân nghèo dù chỉ có bánh và nước dùng, không có thịt bò hay gà trong thời kỳ khó khăn của chiến tranh. Rồi phở Tư Lùn, thương hiệu phở Hà thành, đã đi vào rất nhiều văn chương và ký ức người yêu phở, hay phở Mụ Liếc, một cách gọi trứ danh của các mệ, o miền Trung với món ăn họ tự hào.

Theo ông Đặng Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, điều thú vị là các ký ức về phở gửi về đều chia sẻ những kỷ niệm của phở với cha của mình. "Đó phải chăng cũng nói lên một đặc thù lịch sử tiêu biểu của thời kỳ kinh tế khó khăn: muốn ăn phở phải đi ra quán ăn, cửa hiệu, không dễ nấu được món phở ở nhà, nhất là trong điều kiện nguyên liệu nấu phở khá tốn kém" - ông Đặng Dũng nhận xét.

Các tác phẩm về ký ức phở không chỉ là hoài niệm của một lớp người với tình cảm gia đình, quê hương trong một bối cảnh lịch sử nhất định mà còn cho thấy món phở đã đóng một vai trò ẩm thực quan trọng trong đời sống gia đình Việt Nam. Có lẽ vì thế, phở - được xem là món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc - đã tạo được cảm xúc cho nhiều người, từ nhà văn, nhà thơ lẫn cây bút không chuyên cùng gửi bài viết chia sẻ.

Tôn vinh phở theo những cách riêng - Ảnh 2.

Phở Phú Vương trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Hiến kế cho phở bay xa

Với những hiến kế, ấp ủ trong cuộc thi viết Hiến kế phát triển Ngày của phở, các giám khảo cũng đã có tranh luận sôi nổi xoay quanh 18 tác phẩm được chọn. Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cho biết bà đánh giá cao những tác phẩm có tính khả thi cao khi đưa vào thực tế, những phát kiến có thể giúp lan tỏa hoạt động Ngày của phở rộng hơn, xa hơn, hướng đến thế giới thay vì chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước.

"Tôi đặc biệt tâm đắc với ý tưởng đưa phở vào điện ảnh, vì đây là công cụ có thể truyền tải những câu chuyện cảm động, đầy màu sắc và hương vị của phở Việt Nam đến với bạn bè quốc tế" - bà Vân chia sẻ. Hầu hết ban giám khảo đều bày tỏ sự thích thú đối với các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo với những ý tưởng vừa đa dạng, sáng tạo vừa mang đậm tính nhân văn.

Chuyên gia Đỗ Hòa, thành viên ban giám khảo, cũng cho rằng các bài hiến kế của độc giả khiến hội đồng chấm giải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có tác phẩm hiến kế vừa mang tính kịch bản phác thảo được một ý tưởng hay, vừa chứa đựng tình cảm, tính nhân văn của bát phở Việt trong cuộc sống người Việt như câu chuyện Phố phở hàng rong đong đầy hương sắc Việt.

Các giám khảo khẳng định những hiến kế dự thi phần lớn rất tiềm năng, bám sát thực tiễn và hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là những hiến kế đoạt giải nhất, nhì.

Ban tổ chức cũng kỳ vọng những ý tưởng, hành động từ cuộc thi lần này sẽ không chỉ dừng lại trên giấy bút mà thực sự được đưa vào cuộc sống, góp phần lan tỏa, quảng bá hoạt động Ngày của phở, từ đó mang ẩm thực Việt Nam đi xa hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Tôn vinh hương vị Việt trong Ngày của phở 2018

Sự kiện "Ngày của phở" 2018 dự kiến được tổ chức vào ngày 12-12 tại AEON Mall (Hà Nội) với nhiều hoạt động triển lãm, văn hóa thú vị, nhằm phát triển giá trị độc đáo cho phở; tôn vinh và góp phần xây dựng, truyền bá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

"Ngày của phở" là sự kiện do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2017, với sự đồng hành của Acecook Việt Nam, được tổ chức lần đầu tiên tại TP.HCM, nhằm tôn vinh nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam và tạo cơ hội cho những người yêu phở cùng chia sẻ, thưởng thức và tìm hiểu về "món ăn quốc hồn quốc túy" này của dân tộc.

Ban tổ chức sự kiện cho biết rất kỳ vọng sự kiện này được đông đảo công chúng đón nhận và ngày 12-12 có thể trở thành một hoạt động du lịch, văn hóa cộng đồng thường niên của phở.

MINH HUỲNH

Tôn vinh phở theo những cách riêng - Ảnh 4.
Tăng số lượng giải thưởng cho hai cuộc thi về Ngày của phở Tăng số lượng giải thưởng cho hai cuộc thi về Ngày của phở

TTO - Với số lượng bài chất lượng cao, ban giám khảo hai cuộc thi về phở do báo Tuổi Trẻ khởi xướng đã phải "cân não" và quyết định tăng số lượng giải thưởng lên so với dự kiến ban đầu.

N.BÌNH - HỮU DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên