27/03/2019 15:34 GMT+7

Tơi tả vì tin giả về dịch tả heo châu Phi

HOÀNG CHINH
HOÀNG CHINH

TTO - Ngày 27-3, TTXVN đưa tin Sở Thông tin và truyền thông Đắk Nông đã quyết định xử phạt với facebooker đăng thông tin sai sự thật về việc hơn 800 con heo bị dịch bệnh được xử lý, chôn lấp, nhưng đã được đào lên để mổ thịt đem bán.

Tơi tả vì tin giả về dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Tình cảnh ế ẩm của các sạp thịt heo ở một khu chợ tại Q. Gò Vấp, TP.HCM sáng 25-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, gây hoang mang dư luận, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên heo đang diễn ra tại một số địa phương.

Tại quyết định số 02-QĐ-XPHC, ngày 27-3-2019, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Đắk Nông quyết định xử phạt đối với Trần Thị Thu Hồng, sinh năm 1990, ngụ phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, số tiền 10 triệu đồng. 

Trần Thị Thu Hồng là chủ tài khoản facebook mang tên "Trần Thu Hồng" đã có hành vi đăng thông tin sai sự thật về việc ngành chức năng phát hiện một ổ dịch hơn 800 con lợn ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Dù số lợn nêu trên đã được xử lý, chôn lấp, nhưng một số đối tượng vẫn đào lên để xẻ thịt bán cho người dân.

Thông tin này được Trần Thị Thu Hồng đăng lên trang cá nhân vào chiều 24-3 và ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở địa phương. Các ngành chức năng huyện Đắk Mil và tỉnh Đắk Nông ngay sau đó đã kiểm tra, xác minh nội dung, khẳng định thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật.

Mấy tuần nay thông tin dịch tả heo ở các tỉnh miền Bắc khiến dân tình lo ngại. Người trong Nam cũng lo sợ nên ngưng ăn thịt heo dù cơ quan chức năng cho biết đã kiểm soát chặt chẽ. Tự dưng thấy thương ngành chăn nuôi tơi tả vì tin thất thiệt.

Ngưng ăn vì nhiều người cũng ngưng

"Thôi đừng có kêu món đó, đang nhiễm sán rồi dịch tả tùm lum ghê lắm", cô bạn tôi nhắc khi tôi mở miệng gọi món thịt heo rang cháy cạnh trong một quán cơm trưa hương vị Bắc ở quận 1 (TP.HCM). Rồi cô ngồi giảng giải một hồi, dẫn không biết bao nhiêu trang Facebook có chia sẻ thông tin dịch tả và sán heo.

Dù tôi đã nắm rõ thông tin thịt heo trong Nam không bị ảnh hưởng gì nhưng để bữa trưa diễn ra nhanh chóng đặng còn nghỉ trưa, tôi đành tặc lưỡi gọi món cá. Không chỉ có tôi, bàn bên cạnh, rồi bàn phía sau cũng không gọi món liên quan thịt heo.

Chuyện cô bạn làm tôi nhớ sáng hôm qua mẹ tôi ở ngoại thành ghé nhà tôi chơi. Hai mẹ con ra chợ, đi ngang sạp thịt heo tôi định vô mua chân giò với sườn về hầm và rim, ai ngờ mẹ kéo tôi đi sượt qua phát một. "Thôi ăn món khác đi con, nghe tới nghe lui vụ heo bệnh hoài. Ngưng ăn cho chắc", mẹ nói. Và dù tôi cố giải thích là không sao cả thì mẹ vẫn không mua.

Tôi nghĩ nhiều người cũng gặp câu chuyện như tôi, đã biết rõ thịt heo hiện nay không nguy hiểm nhưng vì "dư luận" nên đành không mua. Đó là chưa kể nhiều người không chịu tìm hiểu thực hư, cứ khăng khăng cho rằng thịt heo có vấn đề. Rồi mấy phong trào tẩy chay thịt heo, đăng hình ảnh thịt heo nổi cục… gây tâm lý ghê sợ cho người dùng.

Điều đáng nói là những hình ảnh, phong trào đó lan đi rất nhanh. Trong số đó không ít những người có lượng theo dõi trên Facebook lớn, người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng. Tại sao họ lại chia sẻ và truyền tai nhau những điều chưa được xác thực, có thể gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng như vậy?

Tơi tả vì tin giả về dịch tả heo châu Phi - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch động vật xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) phun thuốc tiêu độc khử trùng một xe chở heo vào Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Đừng để ngành chăn nuôi lao đao

Tôi thật sự buồn vì thông tin các chuyên gia tính toán mỗi ngày ngành chăn nuôi bốc hơi hơn 100 tỉ đồng - tương đương thiệt hại 20.000 con heo bị tiêu hủy trong đợt dịch tả vừa qua, rồi chi phí nuôi heo tăng do đàn heo tới lứa mà không xuất chuồng được.

Tôi nghĩ tới mợ tôi ở Đồng Nai, tới những người nông dân cả năm trời trông cậy vào đàn heo, tới những người tần tảo ở sạp thịt các chợ… mà thấy chạnh lòng.

Chưa kể giá heo tiêu thụ cũng giảm mạnh, lượng tiêu thụ giảm mỗi ngày. Bếp ăn của một số doanh nghiệp, trường học… cũng ngưng sử dụng thịt heo. Tất cả là do tâm lý người dùng e ngại, trong khi thực tế nguồn thịt heo vẫn đảm bảo an toàn.

Dịch tả heo, tin giả về sán heo, ngành chăn nuôi heo thiệt hại nặng nề… đã được đo đếm bằng con số cụ thể (lượng heo tiêu thụ giảm 50%).

Đã đến lúc cơ quan chức năng, hiệp hội chăn nuôi cần có những tiếng nói mạnh mẽ để khẳng định với người dân chất lượng của thịt heo. Đừng để xảy ra cảnh người nông dân phải bỏ nghề, sạp thịt đìu hiu trong khi bữa ăn của người Việt thiếu vắng món thịt quen thuộc.

Và tính ra thịt heo là món thịt phổ biến, dễ nấu nướng, giá cả tương đối rẻ. Người Việt ngưng thịt heo cũng là tự gây thiệt hại cho kinh tế gia đình, bữa ăn mỗi ngày.

Cần có biện pháp đến từ các phương tiện truyền thông, thông báo, vận động của cơ quan chức năng để cải thiện tâm lý sợ thịt heo của người dân. Trước đây nạn heo lậu đã khiến heo sạch lao đao, giờ lại thêm khổ vì thật giả lẫn lộn, thậm chí đã được khẳng định sạch nhưng người ta vẫn sợ.

Đăng tin giả về thịt lợn nhiễm sán, chủ Facebook bị công an xử lý Đăng tin giả về thịt lợn nhiễm sán, chủ Facebook bị công an xử lý

TTO - Mạnh đã tải 2 hình ảnh thịt lợn nhiễm sán trên Internet rồi đăng tải lên Facebook cá nhân của Mạnh kèm theo status bịa đặt là 'Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán...'

HOÀNG CHINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên