15/01/2018 08:03 GMT+7

Tôi chọn sống tiếp - Bài 1: Tôi tin bác sĩ và không ngừng hy vọng

PHƯƠNG TRƯƠNG
PHƯƠNG TRƯƠNG

TTO - “Khi bác sĩ báo tôi có khối u ở đại tràng, tôi đã sẵn sàng chiến đấu với bệnh tật bởi tôi tin vào bác sĩ và không ngừng hy vọng…”, ông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về thời khắc khó quên trong cuộc đời mình.

Quan điểm khác nhau về sinh - tử làm nên tính cách và hành động của mỗi người. Từ người khỏe mạnh sang bệnh tật, không ai tránh khỏi cảm giác thất vọng, bi quan. 

Sau tất cả, có người chọn cách buông xuôi mặc kệ sinh mệnh hoặc sống vật vờ qua ngày, nhưng có người dù đối đầu cửa tử vẫn can đảm mạnh mẽ, giữ chặt từng tia hi vọng và tin tưởng đến cùng vào y học. 

Động lực sâu thẳm trong mỗi người mang những hình hài khác nhau nhưng đều có điểm chung là dám nói lên quyết định "Tôi chọn sống tiếp". Loạt bài sau đây chính là những câu chuyện đầy cảm hứng của những con người như thế.

Ông Hải (Q.4, TP.HCM) vốn là chủ tịch HĐQT một công ty hóa dầu khá nổi tiếng và đã chạm ngưỡng 70 tuổi. Nhiều năm qua, ông chưa từng ốm đau, bệnh tật gì nặng, cơ thể trẻ trung so với tuổi.

Tôi chọn sống tiếp - Bài 1: Tôi tin bác sĩ và không ngừng hy vọng - Ảnh 1.

Sau cơn bệnh sinh tử cách đây một năm, hiện giờ sức khỏe ông Nguyễn Thanh Hải khá tốt, luôn tràn đầy năng lượng cho công việc

Bất ngờ và lo lắng…

Trong lần đi tầm soát bệnh định kỳ gần đây, bác sĩ bảo ở đại tràng ông có khối u rất to, kích thước lên đến 4x7cm, tương đương một quả cà tím, mà chưa biết lành, ác thế nào.

Khi nhận được "hung tin", ông rất lo lắng và hoang mang. Ông chưa bao giờ hình dung một người đang khỏe mạnh như ông, có cuộc sống bao người mơ ước lại phải đối mặt sinh tử vào lúc này. Ung thư đại tràng khó phát hiện nhưng thường có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, bản lĩnh của người đàn ông từng trải khiến ông dần bình tĩnh lại.

Ông nghĩ: "Nếu chẳng may u ác thì chắc mình cũng chưa chết ngay đâu. Phẫu thuật xong thì cũng kéo thêm được một thời gian. Mình phải sống tốt và có ích cho đời hơn thôi, cái gì chưa làm được thì làm ngay!".

Trước khi lên bàn mổ, ông đã suy ngẫm hướng sắp xếp lại cuộc sống, gia đình, công ty nếu chẳng may mình "ra đi" sớm. Thậm chí, ông đã làm công tác tư tưởng để người vợ trẻ của mình có thể mạnh dạn… đi thêm bước.

Tự tin lựa chọn nơi tốt nhất

Trước khi quyết định mổ để lấy khối u đại tràng, ông đã lên mạng tìm hiểu tất cả những thông tin về căn bệnh, nơi nào có thể điều trị tốt nhất. Người thân khuyên ông nên về Hà Nội để làm phẫu thuật vì có bác sĩ quen.

"Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu các bệnh viện, tiếp xúc với những bệnh nhân mổ u đại tràng trước đây và đặc biệt khi tiếp cận phương án xử lý khối u của các bác sĩ ở bệnh viện FV, tôi đã chọn nơi này để mổ" - ông Hải chia sẻ.

Ông được ê-kíp y bác sĩ bệnh viện FV phẫu thuật thành công.

Do đoạn ruột thừa có khối u to, chèn dính vào ruột non gần với đoạn chữ T nên các bác sĩ đã cắt một đoạn dài trong ruột non, đại tràng. Vì khối lượng bệnh phẩm lớn, không thể lấy ra qua ngã nội soi nên các bác sĩ đã mổ thêm một đường ở rốn để đưa ra an toàn.

Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng thời gian 7-10 ngày sau mổ, ông bỗng dưng lo lắng tột độ, cảm giác như bị tra tấn. "4-5 ngày đầu không hiểu tại sao tôi không trung tiện được. Mẫu bệnh phẩm thì được chuyển sang Thái Lan kiểm tra, chưa biết lành dữ thế nào", ông nhớ lại.

Đứng trước sinh tử, ông cũng như bao người, cũng có nỗi sợ.

Nhưng cũng giống như lúc trước khi mổ, ông hít thở sâu và tự làm tư tưởng cho mình. Ông viết ra những dòng cảm nghĩ khi đứng giữa sự sống và cái chết. Ông còn làm thơ, một cách dí dỏm và hài hước về những gì xung quanh mình để giải tỏa căng thẳng. 

Kết quả kiểm tra là u nhầy, song cũng đã có dấu hiệu của sự phát triển lên u ác. Các bác sĩ Thái Lan nhận định: Việc cắt một đoạn dài như trên là tốt cho bệnh nhân, chặn đứng được mầm mống u ác.

Phải lạc quan…

Trong suốt tiến trình điều trị bệnh, ông cho biết hy vọng là điều quan trọng nhất giúp ông vững vàng chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm.

"Nếu ta không còn hy vọng nghĩa là ta sẽ buông tay, chấp nhận cái chết. Nhưng nếu còn hy vọng thì ta còn cố gắng bơi vào bờ, chạy đi để thoát", ông chia sẻ.

Với một người chưa từng nghỉ phép trong mấy chục năm công tác, điều đầu tiên ông làm sau khi khỏi bệnh là đưa vợ về quê thăm hỏi bà con, họ hàng, cảm ơn bố mẹ vợ. Giờ đây, mỗi ngày ông chỉ cầu mong: "Bếp luôn luôn đỏ, tim luôn luôn nồng, việc luôn luôn thuận, đời luôn luôn hồng".

Ông cười sảng khoái chia sẻ: "Qua lằn ranh sinh tử, tôi nghĩ cần sống sao cho mỗi ngày trong cuộc đời đều là một ngày ý nghĩa".

Kỳ tới: Hai lần nhập viện, hai lần sốc của… người Mỹ xa nhà

PHƯƠNG TRƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên