20/08/2018 14:20 GMT+7

Tòa dinh thự họ Vương: sổ đỏ thuộc về ai?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một lá đơn đã được gửi đến Thủ tướng để “kêu cứu” về việc tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương, được công nhận là di tích quốc gia, nhưng sổ đỏ đang thuộc về phòng văn hóa - thông tin địa phương.

Tòa dinh thự họ Vương: sổ đỏ thuộc về ai? - Ảnh 1.

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia khu nhà Vương - Ảnh: PHẠM HOÀI THANH

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VH-TT&DL báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo đối với di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia khu nhà Vương (còn gọi là tòa dinh thự họ Vương), xã Sà Phin, huyện Đồng Văn, Hà Giang, báo cáo Thủ tướng trước ngày 31-8.

Trước đó ngày 21-7, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương. 

Trong đơn ông Bảo cho biết khi gia đình họ Vương có nhu cầu làm sổ đỏ cho tòa dinh thự thì mới biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng văn hóa - thông tin huyện Đồng Văn đối với khu đất hơn 8.000m2 này từ năm 2012. 

Ông Bảo khẩn thiết mong Thủ tướng sớm giải quyết sự việc để trả lại quyền sử dụng khu đất cho họ Vương.

Trong khi đó ngày 24-7, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Hà Giang trong văn bản trả lời Sở VH-TT&DL đã khẳng định việc cấp sổ đỏ dinh thự này cho Phòng văn hóa - thông tin huyện Đồng Văn là đúng pháp luật. Sở Tài nguyên - môi trường Hà Giang dẫn ra các căn cứ gồm: một là quyết định của bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin về việc công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương năm 1993; hai là quyết định năm 2006 của UBND tỉnh Hà Giang về việc quản lý di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Đặc biệt, điều 98 Luật đất đai năm 2003 quy định: "Đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, hoặc được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt"; khoản 1, điều 54 nghị định số 181/2004/NĐ-CP về việc thi hành Luật đất đai quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: "Đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh".

Trả lời Tuổi Trẻ, chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình nói "sẽ có câu trả lời chính thức sau khi các bộ phận chức năng của bộ đi kiểm tra thực tế và có kết luận cụ thể". 

Ông Bình cũng cho biết đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu dự kiến về làm việc với tỉnh Hà Giang, tuy nhiên do mưa bão nên chuyến đi được hoãn lại vào tuần này.

Đây không phải là lần đầu gia đình họ Vương "kêu cứu" đối với quyền sử dụng tòa dinh thự. 

Năm 2002, đại diện gia đình họ Vương từng gửi đơn "kêu cứu" khi nhà chức trách Hà Giang đưa những người đang sống trong dinh thự ra ngoài để trùng tu làm bảo tàng, bởi tòa dinh thự họ Vương được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993 mà gia đình không hay biết. 

Sau lá đơn đó, Bộ Văn hóa - thông tin đã có văn bản kết luận: quyết định không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.

Ông Bảo cũng cho hay năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết làm anh em với vua Mèo Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) - ông nội của ông Bảo.

Đìu hiu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản Đìu hiu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản

TTO - Ở Ba Tri, Bến Tre có hai khu di tích xếp hạng quốc gia là khu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản, nơi thờ hai danh nhân tiêu biểu cho đạo học Nam Bộ, nhưng cả hai đều vắng vẻ, sơ sài, thiếu nội dung học thuật.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên