Bà Nguyễn Thị Dung - người tố cáo thẩm phán Trần Thanh Toàn có hành vi vòi vĩnh tiền của đương sự - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngày 2-11, bà Nguyễn Thị Dung (em gái ông Nguyễn Văn Đức, đương sự trong phiên tòa giải quyết ly hôn) cho biết đại diện TAND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã gặp bà để xác minh các thông tin tố cáo thẩm phán Trần Thanh Toàn vòi tiền mà báo Tuổi Trẻ đã đăng.
Theo bà Dung, trong hai cán bộ đến làm việc có phó chánh án TAND huyện. Buổi làm việc có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Ngoài việc ghi nhận cụ thể câu chuyện gia đình bị thẩm phán Toàn vòi tiền, cán bộ TAND huyện Trần Văn Thời yêu cầu bà cung cấp các tin nhắn, đoạn ghi âm cuộc gọi vòi tiền của thẩm phán Trần Thanh Toàn với gia đình.
Tại buổi làm việc, cán bộ TAND huyện Trần Văn Thời cũng cấp giấy xác nhận trường hợp mất tích của vợ đương sự để gia đình bổ túc hồ sơ mồ côi cho hai cháu. Cán bộ tòa còn hỏi nguyện vọng của gia đình trong việc xử lý vụ việc sai phạm của ông Toàn.
Trả lời câu hỏi này, bà Dung nói: "Tôi cũng không muốn làm to chuyện, chỉ mong thẩm phán làm việc công tâm, giải quyết nhanh chóng việc của người dân. Hi vọng sai phạm của thẩm phán Toàn sẽ được xác minh và xử lý nghiêm túc".
Chiều cùng ngày, ông Hà Thanh Hùng, chánh án TAND tỉnh Cà Mau, cho biết đã chỉ đạo xác minh xử lý việc thẩm phán Trần Thanh Toàn vòi tiền đương sự.
Đại tá Trương Ngọc Danh - phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau - cho biết có nghe báo cáo thông tin vụ việc thẩm phán vòi tiền đương sự.
"Từ tin tố giác trên báo, tôi có chỉ đạo cho cơ quan điều tra công an huyện xác minh, nhưng vụ việc này bên tòa án đã cử cán bộ đi gặp gia đình đương sự. Hiện bên tòa đang làm nên công an huyện chưa thụ lý, nếu gia đình đương sự có gửi đơn, cung cấp chứng cứ yêu cầu thì chúng tôi sẽ tham gia" - đại tá Danh nói.
Một trong những tin nhắn vòi tiền của thẩm phán Trần Thanh Toàn - Ảnh: H.LỘC
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM, hành vi vòi tiền của thẩm phán Trần Thanh Toàn vi phạm cả về đạo đức nghề nghiệp lẫn pháp luật.
Luật sư Trạch cho rằng hơn ai hết, thẩm phán là người thi hành pháp luật cần phải nêu cao gương "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư". Nói cách khác là phục vụ vô điều kiện đối với việc công, gìn giữ bảo vệ pháp luật, công lý.
"Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, hành vi của thẩm phán Toàn không thể chấp nhận được, không xứng đáng khoác trên mình tấm áo của ngành, cần phải loại trừ ra khỏi hàng ngũ chấp pháp" - luật sư Trạch nhận định.
Luật sư Trạch khẳng định hành vi của thẩm phán Toàn có đầy đủ các dấu hiệu của tội "nhận hối lộ" theo khoản 1 điều 279 Bộ luật hình sự.
Luật sư Trạch cũng nói hiện tượng vòi vĩnh, sách nhiễu của thẩm phán hiện nay là có. Kẽ hở nào để thẩm phán làm việc này?
Luật sư Trạch phân tích: "Có rất nhiều nguyên nhân, có thể xuất phát từ thu nhập về lương quá thấp so với trách nhiệm, công việc được giao. Nhưng quan trọng hơn cả là một bộ phận thẩm phán thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và có lối sống thực dụng.
Trong khi đó, các lãnh đạo nơi này nơi khác có sự buông lỏng quản lý, không sâu sát quan tâm đến đời sống tinh thần, công việc của các thẩm phán. Trong nhiều trường hợp còn có nguyên nhân xuất phát từ chính các đương sự gợi ý chung chi, thúc đẩy các thẩm phán nhúng chàm".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thẩm phán tòa án cấp cao tại Hà Nội cũng tỏ ra rất bức xúc trước việc thẩm phán vòi tiền đương sự.
"Trường hợp vòi tiền của thẩm phán này liên quan đến tư chất, đạo đức nghề nghiệp. Đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành" - thẩm phán tòa cấp cao nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận