13/11/2018 10:43 GMT+7

Tô phở trong hầm tránh đạn

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Vào cuối những năm 1960, ở đầu đường Khải Định của thị xã P. có một quán phở không gắn bảng hiệu. Tôi đặt cho nó biệt danh "quán ngã bảy" vì gần đó là nơi giao nhau của bảy con đường, trong đó có đoạn quốc lộ 1 mang tên Gia Long.

Tô phở trong hầm tránh đạn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: HOÀNG ANH

Quán ngã bảy chỉ bán vào buổi sáng và mở cửa sớm. Mỗi lần đi ngang, lũ nhóc chuyên đi học sớm như chúng tôi đều thấy quán đang có khách. Sau này, khi nợ áo cơm dần đè nặng đôi vai, tôi hiểu được nỗi khổ của việc bán phở sớm vì phải chuẩn bị mọi thứ từ hôm trước và dậy lúc nửa đêm để nhóm lửa, nấu nước lèo, xắt thịt, lặt rau...

Khác với phần lớn trẻ em ngày nay ăn sáng tại tiệm và được người lớn chở đi học, lũ nhóc chúng tôi của gần nửa thế kỷ trước ăn sáng ở nhà rồi đi bộ đến trường. Mỗi khi bước ngang qua quán ngã bảy, đứa nào cũng ngửi được mùi phở và bụng hỏi dạ không biết món ăn này thế nào mà lại thơm đến vậy.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tự hỏi vu vơ thế thôi, chẳng đứa nào nghĩ đến việc vào quán nếm thử vì không có tiền dằn túi và còn bận học, bận chơi...

Một ngày chủ nhật, ba đạp xe chở tôi đi ăn quán ngã bảy. Ngần ấy năm đã phủ bụi lên ký ức khiến tôi gần như quên hết cách bài trí bên trong quán. Tôi chỉ nhớ lúc ấy quán không còn chỗ trống. Để khách không mất thời gian chờ đợi, chủ quán mời cha con tôi sử dụng bàn dự phòng trong hầm tránh đạn.

Sau sự kiện xuân Mậu Thân, nhiều nhà trong thị xã P. làm hầm tránh đạn dù địa phương đã im tiếng súng. Thông thường, người ta chọn một chỗ trống trong nhà, đào sâu xuống đất khoảng một mét, chất bao cát xung quanh cao lên một mét nữa và che phía trên bằng mấy tấm ván ngựa.

Loại hầm này không dùng để ẩn nấp vì ai cũng nhìn thấy, cũng không thể tránh bom vì quá sơ sài, chỉ giúp người dùng tránh bị lạc đạn khi có chiến sự.

Căn hầm nơi cha con tôi đang ngồi thuộc loại như vậy. Một bóng đèn tròn tỏa ánh vàng đủ soi sáng căn hầm rộng bốn mét vuông. Với một chú nhóc như tôi, việc sắp ăn phở trong một căn hầm tránh đạn mang lại cảm giác vừa thích thú, vừa hồi hộp.

Chủ quán nhanh chóng bưng đến hai tô phở đang bốc khói. Trái với tính hiếu động thường ngày, tôi ngồi yên trong khoảnh khắc để thưởng thức hương phở đầy mê hoặc nhưng quen thuộc qua mỗi lần đi ngang quán. Tôi gắp ba khoanh ớt và nhẹ nhàng đặt vào tô phở. Tôi không ăn những khoanh ớt ấy nhưng thích màu đỏ của ớt bên cạnh màu vàng trong của nước phở.

Tôi múc một muỗng nước phở đưa vào miệng và nhắm mắt lại để cảm nhận vị và hương của chất lỏng đang từ từ chảy trong thực quản. Nếu có thêm tiếng "khà" nữa, tôi đã bắt chước thành công cách ông ngoại mình thưởng thức trà ngon.

Sau đó, tôi bắt đầu ăn. Trái với cảm giác hồi hộp lúc đầu, dường như căn hầm chật chội và ánh sáng vàng vọt không ảnh hưởng xấu tới khẩu vị của tôi. Bánh phở, nước phở và thịt hòa quyện vào nhau tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời mà sau này, mỗi khi phiêu bạt giang hồ, tôi đều cố công tìm lại như một gã si tình hoài niệm về cái thuở ban đầu.

Trong ánh sáng vàng mờ của căn hầm, tôi bắt gặp ba đang nhìn tôi trìu mến. Qua khe hở của những bao cát quanh hầm, tôi nhìn thấy thực khách đang say sưa ăn phở. Trong chốc lát, tôi nảy ra ý định điên rồ và không tưởng nhất trên đời: chỉ ăn phở tại quán ngã bảy!

Gần 50 năm trôi qua. Quán ngã bảy ngày xưa không còn bán nữa. Chủ quán đã qua đời và hậu duệ của ông đang định cư ở nước ngoài. Ba tôi cũng đã giã từ cõi tạm. Tôi nhiều lần vi phạm "lời hứa" thời thơ ấu khi ăn phở tại quán khác, ở địa phương khác. Với tôi, phở vẫn ngon như ngày xưa, thậm chí ngon hơn; tiệm phở rộng và đẹp hơn, nhất là không còn hầm tránh đạn.

Nhưng tôi vẫn nhớ mãi ngày đầu tiên ăn phở với ba mình trong cái quán nhỏ không tên ấy. Đó không chỉ là sự kiện đã in sâu vào ký ức mà còn là một khoảnh khắc gợi mở nhiều suy tư, triết lý.

Tuần trước, khi lang thang trên một con đường của thị xã P. nay đã là thành phố, tôi chợt thấy người bán vé số ngồi hát nghêu ngao: "Hỡi cô bán phở ở đường Gia Long. Làm ơn cho tôi một tô hủ tiếu. Bỏ ớt cho cay, bỏ hành cho thơm".

Tôi nhận ra sự ngây ngô dễ thương trong lời bài hát của lũ nhóc chúng tôi thời ấy: đường Khải Định bị sửa thành Gia Long do ép vần, đến quán phở nhưng lại mua hủ tiếu...

Hóa ra bụi thời gian vẫn chưa phủ mờ bài hát và tôi tự hứa sẽ kể lại chuyện này cho con tôi để sau này cháu tôi không phải tốn công đi tìm một mảnh ghép nhỏ nhoi cho lịch sử vốn đã phong phú và huy hoàng của phở.

Tô phở trong hầm tránh đạn - Ảnh 2.

Ngày 12-11, cuộc thi viết Ký ức về phở đã hết hạn nhận bài. Cảm ơn độc giả đã chia sẻ đến Tuổi Trẻ những trang ký ức đáng nhớ, những tình cảm với món ăn đặc biệt này. Kết quả dự kiến sẽ công bố vào tháng 12-2018.

Trước đó, từ ngày 5 đến ngày 8-11, Tuổi Trẻ đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Tô Thị Ngọc Diễm, Phạm Thị Thanh Huệ, Nguyễn Minh Châu, Trần Lương Công Khanh, Đặng Thiên Thành, Trần Thị Kim Ngát, Lâm Minh Trang, Trần Văn Tường, Phạm Thị Minh Hạnh, Trần Viết Khắc, Nguyễn Nhật Anh, Nguyễn Giang Phong, Mai Đức Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Ngô Văn Lộc, Dương Phạm, Phan Thị Biển... Vì lượng bài dự thi khá nhiều, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải hộp thư trong các kỳ tới.

Thương lắm quán phở nhà Thương lắm quán phở nhà

TTO - Tiếng nói tiếng cười của cả nhà rôm rả, phủ trùm lên hết không gian đặc sệt hương vị của phở làm cuộc sống trong tôi bỗng tươi tắn lạ thường.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên