21/01/2018 11:58 GMT+7

Tình trong gian khó

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Mất mát một phần cơ thể ở tuổi thanh xuân, nhưng người đàn ông đó vẫn bước qua được đoạn đời gồ ghề ấy để làm điểm tựa vững chãi cho mái ấm của mình.

Tình trong gian khó - Ảnh 1.

Bằng ý chí và nghị lực, vợ chồng ông Trung đã bảo vệ tổ ấm của mình ngày càng bền chặt - Ảnh: M.TÂM

Đó là câu chuyện của ông Lê Quang Trung ở ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.

Bước đi trên đôi chân mất mát

19 tuổi, ông Lê Quang Trung tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Rồi trong một ngày định mệnh năm 1984, trên đường cùng đồng đội truy kích Pol Pot, chân ông đạp phải mìn của địch.

Ông chỉ nghe một tiếng nổ long trời rồi ngất lịm. Mở mắt ông thấy mình còn sống, nhưng chân phải đã cụt đến 1/3 đùi. 

Năm đó ông 21 tuổi. Ông phục viên với tỉ lệ thương tật 51%, xếp hạng thương binh 3/4. Sau đó là tháng ngày dài chìm lún trong đau đớn, chán nản. 

Thế rồi ông nghĩ tuy mất đi một phần cơ thể nhưng những phần thân thể khác vẫn còn, mình phải lạc quan đối diện với cuộc sống, chứ nếu ngâm mình trong bi quan, lo sợ cũng không giải quyết được vấn đề...

Ông quay trở lại với cuộc sống bằng cách tập sử dụng thạo hai tay chỏi trên hai chiếc tó để mỗi bước đi không mất thăng bằng, chúi ngã trên những đoạn gồ ghề, chênh vênh, cũng như biết cách điều khiển xuồng không bị lắc lư, chao ngã giữa sông nước mênh mông. 

Mất hơn một năm ròng, ông "đi" được như người thường, từ chỗ bằng phẳng đến chỗ mấp mô như bờ ruộng, mé sông... để sống được với nghề ruộng vườn, giăng câu.

Người cha nghiêm khắc

Ông lập gia đình ở tuổi 30. Vợ ông là cô hàng xóm Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Bà thương ông bởi thấy ông có ý chí, chịu khó làm ăn. Ông thương bà tính tình đằm thắm. Ông được cha mẹ cho 2 công đất vườn ra riêng. Ban ngày ông cùng vợ chăm sóc vườn cam, đêm ông vẫn tất bật mưu sinh.

Cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn nhưng lòng ông ngập tràn niềm vui bởi nhà rộn tiếng cười đùa của ba đứa con. Với con, vợ chồng ông có cách dạy mềm rắn khác nhau để con nên người. Như khi phát hiện thằng út có biểu hiện nghiện game online, dù con đã mười mấy tuổi, ông vẫn bắt con nằm giữa sân đánh đòn và bắt con hứa phải đoạn tuyệt game online. 

Cạnh đó, ông cho con xem những phim nếu dính vào game chỉ khiến tâm trí không sáng suốt, học hành sa sút và có thể rơi vào con đường phạm tội giết người, cướp của... hủy diệt cả tương lai.

Cách giáo dục nghiêm khắc cùng với lời phân tích thiệt hơn đã giúp con ông thay đổi. Còn con trai lớn, khi đang học lớp 11 đòi nghỉ học, vợ chồng ông khuyên dạy thế nào cũng không được. Cả hai vợ chồng giao cho con nuôi một đàn vịt gồm 30 con. Ngày ngày, vác những thân chuối dài to khiến mình mẩy con ê ẩm. Những ngón tay của con bắt đầu thâm đen, chai sạn từ việc xắt, bằm nhuyễn chuối.

Khi đó ông mới so sánh cho con thấy, nếu chịu khó học hành thì tương lai xán lạn hơn, bởi có cơ hội đi làm, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hơn là chỉ quanh quẩn bên chuồng vịt với thu nhập bấp bênh. 

Lần này đứa con hiểu ra, quay trở lại chăm chỉ học sau một năm gián đoạn. Nhờ cách giáo dục như vậy, ba đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn: đứa phục vụ trong quân ngũ, đứa đi học đại học. Cứ vậy, mấy chục năm qua, bằng ý chí, nghị lực, vợ chồng ông đã bảo vệ tổ ấm mình ngày càng bền chặt. Ở tuổi 55, ông mỉm cười mãn nguyện: gia đình an lành, hạnh phúc, cuộc sống thế là đủ...

Khéo vun vén

Con càng lớn, gánh nặng cơm áo càng nặng. Để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống cho vợ con, ông trồng thêm hoa màu, nuôi gà vịt. Và nhín thời gian ngủ của mình chỉ còn 4 tiếng. Cứ 5h chiều là ông bơi xuồng nương các mương đồng, kênh rạch đi giăng câu, soi ếch, bắt chuột... bán cho các chủ vựa, về nhà gần 4h sáng hôm sau.

Bài toán chi tiêu được vợ chồng ông tính toán rất khéo: tiền kiếm được từ giăng câu, soi ếch, bắt chuột dùng mua thức ăn hằng ngày. Thu nhập từ vườn cam, hoa màu, gà vịt dùng mua gạo quanh năm. Riêng tiền lương, thương binh ông lãnh dồn và đưa vợ cất giữ phòng khi cần thiết, chẳng hạn vào những dịp khai giảng năm học mới, tết, lễ lộc cần mua sắm quần áo, sách vở... cho con.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên