15/11/2015 16:15 GMT+7

Giải thưởng văn học: Nên cảm ơn hơn là hoài nghi

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Chương trình Book Talk (trò chuyện về sách) lần 8 do công ty Nhã Nam tổ chức sáng 15-11 tại TPHCM một lần nữa trở lại chủ đề “Tại sao giải thưởng văn học”.

Từ trai qua: nhà văn Minh Moon, dịch giả Lâm Vũ Thao và dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng tại tọa đàm Tại sao giải thưởng văn học sáng 15-11 ở Nhã Nam thư quán, TP.HCM. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng ngoài giải thưởng, chúng ta còn cần một nền phê bình tương xứng -  Ảnh: L.Điền

Chủ đề Tại sao giải thưởng văn học trước đó cũng từng được tổ chức một lần tại Hà Nội, trong kỳ Book Talk thứ 5.

Cuộc trò chuyện tại TP.HCM lần này có sự tham gia của ba diễn giả là dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, dịch giả Lâm Vũ Thao và nhà văn Minh Moon (giải 3 Văn học tuổi 20 lần V). Cả ba đã cùng bạn đọc Sài Gòn chia sẻ những suy nghĩ về giải thưởng văn học và cách nhìn nhận tác động của giải thưởng văn học với sự nghiệp viết lách của nhà văn nói chung.

Giải thưởng và công chúng, nhà văn chọn ai?

Trước vấn đề nếu chọn viết để đoạt giải thưởng cao quý nào đó nhưng không có mấy độc giả tìm đọc với việc viết cho quảng đại quần chúng tìm đọc, nhà văn Minh Moon cho biết cô luôn chọn độc giả, bởi “nếu tác phẩm đoạt giải thưởng cao quý mà không đến được với bạn đọc, không được bạn yêu chuộng thì cũng không có tác dụng gì với đời sống”.

Dịch giả Lâm Vũ Thao cho rằng luôn có độ vênh nhất định giữa cách nhìn nhận đánh giá của ban giám khảo các giải văn học và quảng đại công chúng. Có thể kể ra nhiều sách đoạt giải nhưng công chúng không thích, và ngược lại, có sách công chúng rất thích thì lại không đoạt giải.

“Tác phẩm cân bằng được giữa giải thưởng và công chúng có thể kể ra ngay chính là Tên của đóa hồng của Umberto Eco”, Lâm Vũ Thao chia sẻ.

Và trong ý hướng xem các giải thưởng văn học như một kênh để người ta tìm đến các tác phẩm, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng ông cũng như mọi người bình thường khác, cũng quan tâm đến các giải văn học. Điều khá phổ biến là tâm trạng hoài nghi các giải thưởng này, kể cả giải Nobel. Trong khi đó, ông cũng thẳng thắn cho rằng lẽ ra nên có tâm lý ngược lại, tức là không nên hoài nghi mới đúng.

“Cá nhân tôi thì cảm ơn các giải văn học đã làm tôi biết đến các tên tuổi mà tôi chưa biết. Ta nên cảm ơn hơn là hoài nghi các giải văn học”
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

Trần Tiễn Cao Đăng dẫn lại ý kiến từ các diễn đàn mạng ở các nước cho thấy họ tiếp cận các giải văn chương rất cởi mở. Như khi Mạc Ngôn đoạt giải thưởng Nobel, có nhiều ý kiến hoài nghi, thì cũng có nhiều ý kiến khác vào bảo rằng các anh hãy đọc đi đã, giải thưởng mang lại những tên tuổi, và công chúng tốt nhất là hãy đọc để xem mình hiểu nhà văn ấy có giống như hội đồng trao giải đã hiểu không. Nếu không, cũng là điều bình thường.

Mở rộng hơn, nếu từ phía người đọc muốn nhận định một nhà văn, điều này cần nhiều thời gian hơn. Lâm Vũ Thao cho rằng thực ra chúng ta còn biết rất ít về các nhà văn, chúng ta biết nhiều về Murakami nên khi ông này không đoạt giải Nobel thì công chúng ồn ào sôi động lên, nhưng còn biết bao nhà văn nổi tiếng khác, chúng ta hãy tìm đọc đi, chắc chắn họ cũng có cái gì hay chứ.

Tầm của giải hay tầm nhà văn?

Có một vấn đề đặt ra, là người ta thường hay kêu nhà văn nọ nhà văn kia không xứng tầm với giải này giải khác. Thực ra mỗi giải có hệ tiêu chí riêng, và thay vì nói tác giả không xứng tầm, thì nên nói tác giả ấy - tác phẩm ấy không hợp tiêu chí giải ấy, có đúng hơn không?

Ở điểm này, Minh Moon cho rằng tại sao gọi tác giả nào đấy là không xứng tầm với giải, trong khi lẽ ra nên đặt vấn đề hội đồng xét giải năm ấy đã không tìm ra người xứng tầm. Và cô nói thêm, với nhà văn thì có lẽ vấn đề chính là tác phẩm được bạn đọc đón nhận, như vậy mới lâu dài, chứ giải thưởng chỉ là vinh dự nhất thời, trừ những giải danh giá mang lại danh dự cao quý.

Như vậy, lại có một thực tế đặt ra: Đâu là điểm tựa của nhà văn và đâu là con đường để công chúng đi tìm tác phẩm tốt? Đây là vấn đề khó, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhìn lại hội đồng văn học Nobel với 16 vị “năm này qua năm khác đảm trách tuyển chọn các tác phẩm” và cho rằng, hẳn cũng sẽ có sự xơ cứng nhất định nào đấy trong cách nhìn.

Do vậy, ngày nay, người đọc có thể tự mình tìm đến tác phẩm bằng nhiều con đường, thông qua net và tiếng Anh. “Còn thì các giải thưởng cũng như chút trang sức lóng lánh khi mà văn chương của ai cũng đã là như vậy rồi”, Lâm Vũ Thao nhận định.

Tất nhiên, để một nền văn chương phát triển lành mạnh, công chúng không thế chỉ trông cậy vào thông tin về các giải văn học, mà còn cần một nền phê bình tương xứng. Ở điểm này, ông Cao Đăng mạnh dạn cho rằng Việt Nam chưa có một nền phê bình tương xứng với nền văn học.

Con đường của công chúng đến với tác phẩm hay con đường của tác phẩm đến với giải thưởng đều cần hoạt động nghiêm túc của phê bình. Mà điều này ở Việt Nam thì ta lại phải… chờ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên