Phóng to |
"Don Kihôte" - tranh của Picasso |
Năm 2005, thế giới sẽ tổ chức kỷ niệm tròn 400 năm ngày tác phẩm bất hủ này lần đầu tiên được xuất bản.
Truyện một anh chàng hão huyền
Truyện Đôn Kihôtê kể về Alonzo Quixano, 50 tuổi, gầy gò và cao lênh khênh, sống ở xứ La Man cha, một người tử tế nhưng thất thế khi về già. Thích đọc truyện hiệp sĩ và bị ám ảnh bởi các cuộc so tài, bởi các thiếu nữ bị người tình bỏ rơi, lại có máu mạo hiểm, Alonzo quyết định mình sẽ làm sống lại tinh thần thượng võ và tính hào hiệp quý tộc bằng cuộc đời một hiệp sĩ lang bạt nhằm chống lại những điều bất công, ngang trái trong xã hội.
Giống như Homer của người Hy Lạp, Dante của người Italy, Shakespeare của người Anh hoặc Goethe của người Đức..., Miguel De Cervantes là tác giả văn học kiệt xuất của người Tây Ban Nha. Chỉ có điều tác phẩm của Cervantes chói sáng tới mức làm cho chính ông bị lu mờ, khiến người ta đôi khi chỉ biết tới Đôn Kihôtê (Don Quixote) - cái tên đã trở thành khái niệm chỉ một trong những "căn bệnh kinh niên" của loài người là bệnh lãng mạn ảo tưởng - mà quên mất người cha đẻ ra nhân vật này. |
Sau khi đổi tên thành Ngài Kihôtê xứ Mantra, Alonzo mặc bộ áo giáp cũ đã gỉ sét của cụ nội ngày xưa và cưỡi con ngựa già gầy còm tên là Rosinante bước vào cuộc phiêu lưu hiệp sĩ của mình, cùng gã Xantrô Panza (Sancho Panza) quê mùa. Hoàn toàn ngược lại với Đôn Kihôtê, Xantrô bụng phệ, thấp lùn, sống thực tế, nhưng bị Đôn Kihôtê thuyết phục đi theo làm "người hầu" với lời hứa sẽ phong anh ta làm chúa tể một hòn đảo. Đôn Kihôtê còn chọn một cô thôn nữ đậm người, hay đổ mồ hôi, chỉ biết làm thịt ướp muối, làm thần tượng tình yêu, một người để chàng thầm yêu trộm nhớ và dâng tặng những "chiến tích anh hùng" của mình, gọi nàng với cái tên mỹ miều Dulcinea Del Toboso.
Chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê cùng anh hầu Xantrô - một ông già gầy còm, mang giáo và gươm, cưỡi con ngựa xương xẩu, cùng một tay béo lùn đeo túi vải và bình nước bằng da, ngồi trên lưng con lừa Dapple - oai hùng lao vào hết trận chiến này đến cuộc đọ sức khác để đấu với những kẻ thù tự mình tưởng tượng ra.
Đầu tiên họ gặp một chiếc cối xay gió trên cánh đồng Montiel, một biểu tượng của sự phát triển kỹ thuật mà họ chưa từng thấy. Vì lầm tưởng đây là những tên khổng lồ, Đôn Kihôtê chĩa mũi giáo, thúc ngựa phóng tới, đâm vào "kẻ địch", nhưng một trong các cánh quạt của cối xay đã móc vào quần áo chàng hiệp sĩ và nhấc bổng chàng khỏi yên ngựa rồi ném đi xa. Khi được Xantrô Panza nâng dậy, Đôn Kihôtê cắt nghĩa rằng bọn phù thủy đã biến đổi những tên khổng lồ thành các cối xay gió!
Sau đó, gặp hai nhà tu cùng với một mệnh phụ xứ Basque đi theo một đoàn người cưỡi ngựa, Đôn Kihôtê tưởng tượng ngay đó là một công chúa đã bị bắt cóc nên lao vào giải cứu nàng và lấy làm hãnh diện khi đánh một nhà tu ngã khỏi yên ngựa. Trên đường đi, gặp một đám bụi lớn bay tới do hai đàn cừu qua đường gây ra, Đôn Kihôtê cho rằng đây là hai đoàn quân thời Trung cổ đang giáp chiến nên xông vào can ngăn, kết quả là chàng bị những người chăn cừu nện cho một trận tơi bời; rồi khi gặp một đám ma, Đôn Kihôtê lại cho rằng đây là một đoàn quỷ dữ, bèn xông vào tấn công...
Không đang tâm để Đôn Kihôtê lao vào những cuộc phiêu lưu điên rồ, hai người bạn cũ là tu sĩ Pedro Perez và thợ cắt tóc Nicholas cố gắng đưa chàng hiệp sĩ trở về nhà, bằng cách dùng một cô gái tên là Dorothea giả dạng làm công chúa Micomicona, nài nỉ Đôn Kihôtê qua vương quốc của nàng diệt trừ một con quái vật...
Mặc dù trở lại quê hương, Đôn Kihôtê vẫn không hết khỏi bệnh ảo tưởng và rốt cuộc lại rủ Xantrô Panza lao vào những cuộc phiêu lưu mới, qua đó họ đã gặp ông bà bá tước. Hai người này mời họ về lâu đài nhà mình để mua vui nhưng Đôn Kihôtê lại tưởng mình được mời với tư cách là một hiệp sĩ lừng danh. Họ đã phong cho Xantrô làm chúa một hòn đảo. Nhưng sau đó Xantrô xin rút lui vì nghe tin có một đạo binh của quân thù đang tiến tới.
Phải nhờ đến chàng sinh viên Sampson Carrasco, Đôn Kihôtê mới từ bỏ được cuộc phiêu lưu của mình. Với niềm mong muốn chữa trị Đôn Kihôtê khỏi bệnh ảo tưởng, Carrasco cải trang thành Hiệp sĩ Trăng tròn thách đấu với Đôn Kihôtê với điều kiện nếu anh thắng trận, ông ta phải trở về nhà. Thua trong trận thách đấu này, "quân tử nhất ngôn", Đôn Kihôtê buộc phải trở về quê hương, và cuối cùng đã chữa được bệnh ảo tưởng trước khi qua đời.
Sức mạnh của Đôn Kihôtê
Mặc dù Cervantes nói rằng ông viết Đôn Kihôtê là để giễu cợt thứ văn chương kiếm hiệp rẻ tiền đương thời bằng một tác phẩm hài hước với những nhân vật hoang đường, nhưng thực ra đây là một tiểu thuyết mẫu mực của văn học hiện thực phê phán, mô tả đầy trung thực xã hội Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung vào cuối thời đại Hiệp sĩ để bước sang thời kỳ Phục hưng.
Tuy nhiên, Đôn Kihôtê không chỉ là lời cáo chung sống động nhất cho một thời đại phong kiến đang suy tàn, mà còn mang những giá trị nhân văn vĩnh hằng, bởi với Đôn Kihôtê, Cervantes đã xây dựng cho văn học thế giới nhân vật điển hình nhất của mẫu người sống với những ảo tưởng tốt đẹp nhưng không hợp thời, "như Đôn Kihôtê chống lại cối xay gió", nhưng qua đó thể hiện khát vọng mãnh liệt về sự công bằng và bác ái. Cũng vì thế truyện Đôn Kihôtê được lưu truyền qua hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Câu chuyện về chàng hiệp sĩ lang thang Đôn Kihôtê khá quen thuộc với độc giả VN (tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt lần đầu cách đây 40 năm và được xuất bản lần gần đây nhất vào năm 2000, dưới đầu đề Đôn Kihôtê - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra , NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh). Câu chuyện về chàng hiệp sĩ đa tình này cũng là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ nổi tiếng như nhà văn Pháp G.Flaubert, nhà soạn nhạc Đức R.Wagner và nhiều họa sĩ, trong đó có danh họa Tây Ban Nha P.Picasso.
Cuộc thi vẽ tranh theo tác phẩm Đôn Kihôtê Nhân kỷ niệm 400 năm xuất bản cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê -nhà quý tộc tài ba xứ Mantra của văn hào Miguel De Cervantes, Đại sứ quán Tây Ban Nha phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Tây Ban Nha và báo Thể thao & Văn hóa tổ chức cuộc thi vẽ tranh về Đôn Kihôtê, Xantrô hoặc một nhân vật nào đó trong cuốn tiểu thuyết này. Tranh dự thi có thể vẽ bằng chất liệu sơn dầu, màu nước hoặc chì than, kích cỡ tiêu chuẩn (ví dụ 30x50cm hoặc 40x60cm). Thời hạn cuối cùng nhận tranh: ngày 31-12-2004 (các bài dự thi sẽ không được trả lại). Sẽ có 3 giải thưởng Nhất-Nhì-Ba do Đại sứ quán Tây Ban Nha trao tặng và 4 giải khuyến khích do báo TT&VH trao tặng. Các tác phẩm nhận giải sẽ được trưng bày trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức tại Hà Nội. Mời tất cả các bạn yêu mến tác phẩm của Cervantes tham gia cuộc thi. Bài dự thi xin gửi về: Tòa soạn Thể thao & Văn hóa 33 Lê Thánh Tông - Hà Nội * Ghi chú: Bài dự thi xin ghi tên tác giả, tuổi, nghề nghiệp, số điện thoại và địa chỉ liên hệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận