Đạo diễn Đặng Thái Huyền muốn đi đến tận cùng cảm xúc với nhân vật để có thể diễn đạt lại cho diễn viên tại phim trường - Ảnh: ĐPCC |
Nhưng mãi đến Người trở về dấu ấn Đặng Thái Huyền mới thực sự đậm nét trong lòng khán giả.
14 năm theo nghề đóng đinh tên tuổi ở dòng phim chiến tranh, thì giờ đây khán giả có dịp truyền tai nhau chuyện nữ đạo diễn này đi làm phim kinh dị!
* Từng chia sẻ mê dòng phim kinh dị, đặc biệt phim tâm lý kinh dị của Alfred Hitchcock, nhưng tại sao khởi nghiệp chị chọn dòng phim chiến tranh và khi có được thành công ở dòng phim này chị lại quay về “mối tình đầu” - phim kinh dị?
- Ngày mới ra trường, tôi theo thầy NSND Khắc Lợi làm phim Tiếng cồng định mệnh. Nhờ thành công của phim này mà tôi được mời về xưởng phim truyện thuộc Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày đó làm phim là nhiệm vụ nhưng dần dần đã nhen nhóm trong tôi tình yêu.
Đề tài chiến tranh có thể khô khan với những đồng nghiệp khác, nhưng là đạo diễn của Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, bên cạnh nhiệm vụ tôi phải biết cách uyển chuyển, làm mềm hóa những vấn đề gai góc ở dòng phim này, để chuyển tải gần gũi đến khán giả.
Tuy vậy tôi cũng muốn vẫy vùng trong những mảng đề tài khác nhau để khám phá mình, khám phá cuộc sống.
Phim tâm lý kinh dị là một trong những dòng phim tôi đã yêu thích từ hồi sinh viên, và có những bài tập nho nhỏ.
Vì thế tôi ấp ủ mảng đề tài này rất lâu, nhưng ngặt nỗi người ta cứ gắn mác nữ đạo diễn phim chiến tranh nên các đơn vị sản xuất cũng hơi dè chừng khi giao kịch bản phim kinh dị cho tôi.
Dù thế, cái hay trong nghệ thuật ấy là cơ duyên.
Thiếu tá Đặng Thái Huyền hiện là Trưởng phòng phim truyện của Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ảnh: ĐPCC |
* Có ý kiến rằng ở dòng phim chiến tranh, Đặng Thái Huyền đã bão hòa ý tưởng chăng. Như tại tuần lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ vừa qua thì Mắt Biển - phim về đề tài chiến tranh mới nhất của Đặng Thái Huyền - ra rạp miễn phí như số phận của các phim lễ lạt khác...?
- Tàn dư chiến tranh chưa bao giờ nguội cả. Khi cuộc chiến đi qua, ngày trở về con người ta phải rũ bỏ lớp hào quang của một vị anh hùng để hòa mình với cuộc sống bình thường.
Họ đã sống trong tận cùng nỗi khổ. Nỗi ám ảnh, sự khát khao, những dằn vặt…! Tôi chẳng bao giờ cạn kiệt ý tưởng ở đề tài chiến tranh, chỉ là cơ duyên đến mỗi lúc mỗi khác.
Tôi chỉ có thể nói tôi là nhà làm phim, tôi là một đạo diễn và việc hoàn thành sứ mệnh của mình là làm phim tử tế.
Xem phim mình làm mà tôi không thấy xấu hổ vì bộ phim mà mình đã làm ra bằng đồng tiền của quân đội thì đã là thành công rồi.
Còn phát ở đâu, phát ra sao, phát cho ai xem thì không thuộc thẩm quyền của tôi.
Nếu nói có tủi thân không? Có.
Có buồn không? Có chứ.
Bởi đó là công sức của không chỉ cá nhân tôi, mà của cả một tập thể, ê-kip đã lăn lộn dấn thân làm phim.
Tất nhiên đối với người làm nghệ thuật ai cũng mong muốn tác phẩm của mình sẽ đi càng dài càng rộng càng xa đến công chúng.
* Khi phim chiến tranh khán giả không mấy mặn mà thì Đặng Thái Huyền lao vào làm, bây giờ, khi phim kinh dị khán giả đã xem “chán chê mê mỏi” đã “bắt” được mánh của nhà làm phim thì Đặng Thái Huyền “nhảy” vào... Chị đang làm khó mình sao?
- Ở mỗi dòng phim tôi đều đi đến tận cùng của cảm xúc. Như ở phim chiến tranh, vào thời khắc giữa lằn ranh sinh - tử con người ta mới bộc lộ rõ nhất bản năng. Những lúc đó, tôi thấy như mình được sống thêm những số phận khác vậy.
Trong phim tâm lý kinh dị, tôi khai thác góc bản năng thiện - ác của con người. Tôi lồng ghép thông điệp về tình yêu cuộc sống, vay trả luân hồi vào phim.
Nếu chỉ để hù ma, gây sợ thì khán giả đã quá quen thuộc với các phim kinh dị bom tấn nước ngoài rồi, tôi nghĩ khó mà hù ma được khán giả.
Mỗi bộ phim tác nghiệp ở một vùng đất khác nhau là hàng tá những câu chuyện, khó khăn khác nhau như vỡ bối cảnh, thời tiết không thuận lợi, diễn viên gặp sự cố sức khỏe...
Tôi phải thật bình tĩnh, giải quyết từng vấn đề một và luôn tự nhủ rằng không gì là không thể, mình nhất định sẽ vượt qua.
Mỗi lần 'đi phim' tôi có cảm giác như đang bắt đầu một hành trình mới và không thể lường hết được điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước: lo lắng, hồi hộp, chênh vênh… nhưng cũng rất phấn khích.
Làm đạo diễn thì áp lực vì phải chịu trách nhiệm với nhà sản xuất, toàn bộ ê-kíp nhưng nó đã rèn cho mình một bản lĩnh sống vững vàng.
Đặng Thái Huyền theo nghề đạo diễn 14 năm đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả ở dòng phim chiến tranh - Ảnh: ĐPCC |
* Vậy khó khăn nhất khi làm phim kinh dị, cụ thể là Lời nguyền gia tộc là gì?
- Ở Lời nguyền gia tộc khó khăn nhất là thuyết phục diễn viên đóng cảnh “nóng” và giúp họ hiểu rằng tôi không dùng cảnh nóng như một chiêu trò để kéo khán giả tới rạp, vì chiêu đó đã quá cũ rồi.
Tôi ít làm cảnh nóng trong phim. Cảnh nóng ở Việt Nam rất khó làm. Khó ở chỗ giải phóng hình thể của diễn viên không được đẹp, không được phóng thoáng, không được tự do.
Bởi văn hóa Á Đông, xúc cảm tâm lý người Việt còn ngại ngùng. Chỉ khi cảnh nóng đó là mạch chảy không thể đứt đoạn của phim thì tôi mới thực hiện.
* Tại sao Đặng Thái Huyền làm vài phim truyền hình lại xen kẽ phim điện ảnh?
- Khi làm phim tôi đặt ra những giới hạn, kỹ thuật khác nhau giữa hai thể loại phim này. Người trong nghề thường nói, phim điện ảnh giống như thánh đường của người làm phim còn phim truyền hình là để mưu sinh.
Mưu sinh thì ai cũng mưu sinh cả. Một năm tôi chắt lọc những kịch bản ưng ý nhất để làm 1-2 phim truyền hình.
Quan trọng nhất vẫn là làm phim khán giả xem xong thấy được điều tích cực, đâu đó bóng dáng của mình và học những cách xử lý phù hợp trong cuộc sống của họ.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ rằng dù ở phim truyền hình hay điện ảnh chị luôn chắt lọc những kịch bản ưng ý nhất mới quyết định bấm máy - Ảnh: ĐPCC |
Đặng Thái Huyền sinh năm 1980, tốt nghiệp thủ khoa đạo diễn điện ảnh năm 2003 và thạc sỹ chuyên ngành Nghệ thuật điện ảnh và truyền hình năm 2009 tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Đặng Thái Huyền để lại dấu ấn qua các phim: Người trở về, Mười ba bến nước, Bánh đúc có xương,… Thiếu tá Đặng Thái Huyền hiện là trưởng phòng phim truyện của Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lời nguyền gia tộc là phim tâm lý kinh dị đầu tiên của Đặng Thái Huyền, sẽ ra rạp từ 18-8. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận