20/01/2011 05:30 GMT+7

Một xã hội "nóng" qua hoạt hình

NGA LINH thực hiện
NGA LINH thực hiện

TT - Liên hoan phim hoạt hình Nhật Bản (từ ngày 14 đến 16-1 tại Hà Nội) với việc trình chiếu bộ phim Colorful (Sắc màu) không chỉ cho khán giả tiếp cận một trào lưu khác của phim hoạt hình mà còn gợi mở những ý tưởng cho người làm nghề Việt Nam.

oDyCP4eX.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Colorful - Ảnh: ban tổ chức cung cấp
yxmMmmfz.jpgPhóng to

Đạo diễn Hara Keiichi - Ảnh: Nga Linh

Colorful sản xuất năm 2010, được Tổ chức phân loại phim ảnh EIRIN (Nhật) xếp vào loại PG-12 (trẻ em dưới 12 tuổi cần có lời khuyên của cha mẹ trước khi xem). Câu chuyện về một linh hồn đã chết có cơ hội trở về cuộc sống trong thân xác một thiếu niên vừa tự vẫn đã đoạt giải bộ phim hoạt hình xuất sắc nhất Giải thưởng hàn lâm Nhật Bản lần 34. Đây là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Hara Keiichi, nổi tiếng với loạt phim Shin - cậu bé bút chì, Doraemon...

Trước khi trở về Nhật, đạo diễn Hara Keiichi có cuộc trò chuyện ngắn với Tuổi Trẻ về sự cuốn hút của một dòng phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ nhỏ.

* Xin chào đạo diễn Hara Keiichi. Đề cập những vấn đề: bạo lực học đường, tự tử, ngoại tình... trong phim hoạt hình có phải là một trào lưu đang phát triển mạnh?

- Tôi nhớ cách đây khoảng 40 năm, khi còn nhỏ đã được xem phim hoạt hình diễn đạt những thông điệp xã hội. Các tác phẩm như thế ăn sâu vào tâm trí tôi cho đến khi trưởng thành, thậm chí để lại trong lòng tôi những vết thương. Như Ultra man, bộ phim đề cập cả những bi kịch trong cuộc chiến chống Mỹ tại VN. Nhưng những tác phẩm chạm vào các vấn đề nóng hổi như thế không nhiều, phần lớn ồ ạt là dòng phim giải trí. Dù hoạt hình Nhật được biết đến trên thế giới, không thể nói toàn bộ các tác phẩm đều có chất lượng cao, trong đó dòng phim mà tôi theo đuổi - buộc khán giả phải tiếp tục suy nghĩ sau khi xem - rất ít đạo diễn làm được. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ khán giả không quan tâm đến hoạt hình hoặc họ chỉ xem những bộ phim của các đạo diễn nổi tiếng như Miyazaki Hayao. Nhiều người cho rằng phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con nên không đi xem.

* Được biết, Colorful là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng suốt 10 năm qua tại Nhật. Bộ phim này lại do chính một hãng phim chuyên làm hoạt hình về siêu nhân đặt hàng ông. Có một cơ chế hậu thuẫn thế nào dẫn đến sự thành công của dòng phim hoạt hình mà ông theo đuổi?

- Để giảm rủi ro, chúng tôi xã hội hóa từng bộ phim. Nhiều tổ chức như đài truyền hình, hãng phim hoạt hình, công ty quảng cáo, công ty phát hành phim, nhà xuất bản hay công ty âm nhạc... sẵn sàng bắt tay cùng làm phim hoạt hình. Ở trường hợp Colorful còn cho thấy hoạt hình Nhật Bản đang tồn tại xu hướng lấy một nguyên tác nhiều người biết, nhiều người ưa thích để chuyển thể thành phim hoạt hình, mặc nhiên bộ phim sẽ có một lượng khán giả hâm mộ cố định từ nguyên tác văn học.

* Với một nội dung gai góc, các nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản xử lý thế nào trong cách thể hiện?

- Bằng âm nhạc, hình ảnh, bộ phim phải làm sao để khán giả vẫn bị tác động mạnh bởi những câu chuyện nóng hổi nhưng đồng thời tâm lý xem phim cân bằng trở lại với những khung cảnh ấm áp, những câu chuyện nhân văn như tình người, tình bạn, tình mẹ con... Vì thế tại Nhật, phim của tôi đều xuất hiện ở các trường học cấp II, có cả khán giả là cấp I.

Đạo diễn Phạm Minh Trí (đạo diễn bộ phim hoạt hình 3D Người con của rồng):

Hoạt hình có khả năng lột tả mọi vấn đề

Các bộ phim Nhật Bản mang sang VN cho thấy về lý thuyết, ngôn ngữ phim hoạt hình không lùi bước trước bất kỳ vấn đề nào, có khả năng truyền tải mọi nội dung. Tuy nhiên, hoạt hình VN hướng tới khán giả mẫu giáo, tiểu học, đề cập những vấn đề có tính chất ngụ ngôn, đồng dao, không có điều kiện đi sâu, phát hiện tâm lý phức tạp của các lứa tuổi, đặc biệt các em mới lớn. Các đồng nghiệp Nhật Bản lại chọn những nội dung, đối tượng phức tạp để thể hiện lên phim hoạt hình. Họ miêu tả kỹ lưỡng sự cô đơn, trầm cảm, mặc cảm, nhỏ bé của con người trong một xã hội quá hiện đại. Dù vậy đôi khi cách thể hiện hơi nặng nề, nếu phim hoạt hình được thể hiện tươi sáng hơn, các khán giả nhí dễ tiếp nhận hơn.

Tôi cũng đặt ra câu hỏi khán giả VN có như khán giả Nhật, có muốn xem nhiều hơn dòng phim hoạt hình phản ánh hiện thực xã hội không? Vì rất nhiều các tác phẩm của Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, với một chút lãng mạn mơ tưởng của hội họa, hoàn toàn có thể chuyển thành phim hoạt hình để phản ánh những vấn đề trần trụi của chính giới trẻ.

NGA LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên