13/01/2010 07:00 GMT+7

Lịch sử có khi là cái bát hoa nâu

VIỆT QUÊ thực hiện
VIỆT QUÊ thực hiện

TT - Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long là bộ phim truyền hình cổ trang VN vừa bấm máy tại trường quay Hoành Điếm (Chiết Giang, Trung Quốc) vào ngày 9-1.

CrhJeTEu.jpgPhóng to
Bối cảnh nông thôn VN tại trường quay Hoành Điếm - Ảnh: Phan Cẩm Thượng

Từ đây bối cảnh quay sẽ diễn ra xuyên suốt tại các trường quay Trung Quốc. Không chỉ bối cảnh mà biên kịch (Kha Chương Hòa) và đạo diễn (Cận Đức Mậu) cũng là người Trung Quốc. Tham gia đoàn làm phim trong vai trò chuyên gia tư vấn lịch sử, họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã trao đổi qua email với Tuổi Trẻ.

* Thưa ông, một bộ phim đề tài lịch sử VN nhưng chỉ có diễn viên VN, còn lại đều do Trung Quốc đảm trách. Với tư cách cá nhân, ông có băn khoăn gì không?

- Năm 2007, Xưởng phim truyện VN có ý định làm bộ phim về Lý Công Uẩn và cũng đi tìm trường quay tại Trung Quốc. Họ đã nghiên cứu trường quay Vô Tích, Hoành Điếm và Đại Lý (nơi tôi được đến cùng đoàn). Lúc đó tôi cũng có băn khoăn, nhưng khi sang Trung Quốc và căn cứ vào những gì chúng ta có, có thể nói việc chọn quay phim cổ trang tại Trung Quốc là phương án tối ưu.

PhimLý Công Uẩn dựa trên một giai đoạn lịch sử bản lề của xã hội VN cuối thế kỷ 10 đầu thế kỷ 11, với sự chuyển tiếp của hai triều đại Đinh và Tiền Lê sang Lý, với sự kiện trọng đại dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Vấn đề lịch sử đòi hỏi một bộ phim công phu, đó là lý do mà các đoàn làm phim có ý định quay ở Trung Quốc, dù đi xa như vậy rất tốn kém vất vả.

Tôi cũng trao đổi vấn đề này với ông Trịnh Văn Sơn, giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành, người khởi xướng và viết kịch bản cho bộ phim. Ông muốn làm một bộ phim không chỉ chiếu ở VN, mà còn muốn qua điện ảnh giới thiệu lịch sử VN ra thế giới, không chỉ dừng lại ở việc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mà để lại một dấu ấn văn hóa lâu dài. Khi nhờ phía Trung Quốc giúp đỡ thì có cả vấn đề phát hành phim ra thế giới mà hiện chúng ta chưa làm được.

m6jpbn2s.jpgPhóng to
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại trường quay Hoành Điếm - Ảnh nhân vật cung cấp

Phim Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long do Công ty truyền thông Trường Thành (Hà Nội) đầu tư kinh phí, dài 12 tập, sau đó chuyển thành phim nhựa một tập. Thành phần diễn viên chính gồm: Phạm Tiến Lộc (vai Lý Công Uẩn), Nguyễn Thụy Vân (vai Thanh Liên), Hoàng Thanh Hải (vai Lê Hoàn), Nguyễn Khôi Nguyên (vai Lý Khánh Văn)...

Đạo diễn Cận Đức Mậu chính là đạo diễn phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên và nhiều bộ phim nổi tiếng khác. Để làm phim này, ông cũng đã sang VN đến đền Đô thắp hương các vua nhà Lý, đi thăm Hoa Lư để cảm nhận cảnh vật, di tích và văn hóa truyền thống VN.

* Với vai trò tham vấn cho đoàn làm phim, ông có thể nói cụ thể hơn công việc của mình cũng như các chuyên gia văn hóa đến từ VN?

- Lúc đầu tôi được mời làm cố vấn văn hóa mỹ thuật cho bộ phim. Tôi phải trả lời tất cả vấn đề về văn hóa vật chất và những hoạt động tinh thần nếu có thể. Trước khi sang Trung Quốc, tôi cùng đoàn làm phim của công ty đã gặp các chuyên gia Trung Quốc.

Họ tìm hiểu về ăn mặc, đi lại, phong tục, kiến trúc giai đoạn Đinh - Lê - Lý như thế nào, những đặc điểm lớn về văn hóa còn mang nhiều nét phương nam và Phật giáo (chưa có Nho giáo ở giai đoạn đó), cái gì ảnh hưởng Trung Quốc (văn hóa Hán Đường), cái gì là gốc rễ Đại Việt.

Khi sang đến đây, do thiếu các chuyên gia khác về nhiều lĩnh vực, nên tôi cùng anh em VN cung cấp những gì mình hiểu biết về văn hóa VN để dựng bối cảnh, chọn đạo cụ cho phù hợp. Nhất là họa sĩ phục trang Đoàn Thị Tình do tuổi cao không đi được, tôi cũng thay bà trả lời về trang phục.

Việc trả lời thế nào không khó, mà điều chỉnh những bối cảnh, đạo cụ từ Trung Quốc thành VN mới quan trọng và cũng cần phù hợp với khoản tiền đầu tư, nếu không cái gì cũng phải chế tạo mới sẽ rất tốn kém và mất thời gian.

Với người Trung Quốc, không thể nói mà phải vẽ ra, chú thích được bằng Hán tự cổ, cũng may đó là chuyên môn của tôi, chẳng hạn cách gọi tên màu sắc xưa, viết theo tiếng Hán là chu sa (đỏ son), đằng hoàng (vàng nghệ), chu tiêu (cá vàng)... trên cơ sở đó mới làm chính xác được. Vũ đạo cũng là vấn đề nan giải, ví dụ theo các chạm khắc mỹ thuật, thời đó có đoàn múa Champa chỉ mặc bằng trang sức, liệu có làm được không. Múa Việt cần có băng chứ đưa vài bức ảnh ra họ không muốn xem.

Tóm lại, chúng tôi vừa làm vừa học, vừa tìm kiếm về một thời đại đã qua 1.000 năm. Khác với Trung Quốc họ có toàn bộ di vật, thể thức, văn hóa các thời đại, luôn sẵn sàng cho các đoàn phim lịch sử và cổ trang. Người Trung Quốc cũng hiểu khó khăn của ta và họ cũng hết sức tôn trọng ý kiến của chúng tôi.

* Có hay không sự tranh luận về những vấn đề lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, tất nhiên ở đây là trên góc độ chuyên môn?

- Đương nhiên là có. Và khi làm việc thì nhiều vấn đề nảy sinh. Ví dụ sinh hoạt thường ngày, ma chay, cưới xin... thường diễn ra trên sông nước, nay phần lớn phải chuyển lên bộ; người nông dân Việt cho đến thế kỷ 19 vẫn cởi trần đóng khố, nay không thể như vậy trong phim, nhất là trong thời tiết từ 0OC đến -4OC ở Hoành Điếm.

Đinh Tiên Hoàng có đến năm hoàng hậu nhưng chỉ có thể xuất hiện một. Đoàn VN phải đem sang đây cả vải sô làm tang ma, trầu cau, lá dong gói bánh, chè lam, bánh khảo, vải nhung làm khăn vuông mỏ quạ, ít đồ mây tre đan... Người Trung Quốc kiếm cho ta rơm rạ, đồ gỗ mộc, đóng giường tre, may yếm thắm, yếm sồi...

Sự khác biệt về văn hóa, tập quán hiện ra từ từng chi tiết nhỏ, mà mỗi lần yêu cầu cho đúng hồn Việt là mỗi lần tốn tiền, vì những thứ đó không có. Diễn viên Đỗ Thị Cử tự tay làm lấy mấy khăn vấn tóc và tôi cũng phải liều mạng cắt một cái yếm để chuyên gia phục trang Trung Quốc ướm ngay. Chúng tôi học hỏi được nhiều điều hơn là những tranh luận. Lịch sử đối với bạn có thể là một trận đánh, nhưng đối với tôi có khi chỉ là cái bát hoa nâu.

* Với nguồn vốn từ trong nước, vì sao nhà sản xuất phải thuê người Trung Quốc làm phim lịch sử VN, sự tốn kém ở đây là đã rõ, nhưng phải chăng đội ngũ làm phim trong nước không đáp ứng được?

- Bộ phim này được làm bằng nguồn vốn xã hội hóa nên người đầu tư có quyền lựa chọn đối tác. Việc lựa chọn phía bạn giúp đỡ là vì phía bạn có kinh nghiệm làm phim lịch sử và cổ trang cùng những cơ sở phim ảnh chuyên nghiệp.

Ở Trung Quốc có hơn 1.000 đài truyền hình, nếu chỉ phát hành ở Trung Quốc thì cả mặt giới thiệu văn hóa và nguồn thu cũng có hiệu quả lớn. Tuy nhiên đoàn làm phim trước tiên muốn làm tốt một bộ phim lịch sử nước nhà, sau đó được giới thiệu ra thế giới.

VIỆT QUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên