04/05/2004 06:00 GMT+7

Nơi "chuyên trị" phim kinh điển thế giới

PHAN XI NÊ
PHAN XI NÊ

TT - Ngang qua Trung tâm thương mại Tràng Tiền, tôi rẽ vào một ngõ nhỏ trông cũ kỹ, bình thường. Không gian khác hẳn: một sân gạch lớn, một cây sấu cổ thụ rợp bóng mát, một quán cà phê nhỏ và một rạp chiếu bóng chuyên chiếu những phim kinh điển thế giới...

tQeVNLy3.jpgPhóng to
Khuôn viên rạp khá thơ mộng
TT - Ngang qua Trung tâm thương mại Tràng Tiền, tôi rẽ vào một ngõ nhỏ trông cũ kỹ, bình thường. Không gian khác hẳn: một sân gạch lớn, một cây sấu cổ thụ rợp bóng mát, một quán cà phê nhỏ và một rạp chiếu bóng chuyên chiếu những phim kinh điển thế giới...

Trong mấy ngày tháng tư vừa qua, Hà Nội Cinémathèque (22A Hai Bà Trưng - Hà Nội) chiếu Cây vĩ cầm vàng, có khi đến ba suất một ngày. Điều này bình thường với nhiều rạp chiếu bóng khác, nhưng bất thường với tiêu chí của rạp này. Hà Nội Cinémathèque là rạp duy nhất ở Hà Nội (có lẽ cũng duy nhất ở VN) chuyên chiếu những bộ phim kinh điển thế giới từ trước năm 1980.

Gerry Herman, sống ở VN hơn 11 năm, từng làm trong ngành quảng cáo ở TP.HCM, sau đó ra Hà Nội và chuẩn bị cho dự án này suốt năm năm trời. “Tôi mất năm năm để chuẩn bị, bao gồm việc thương lượng về tác quyền, dịch phim, tìm rạp chiếu bóng và rất nhiều việc khác. Các hãng phim đồng ý cho tôi chiếu các bộ phim kinh điển với thỏa thuận đây là một hoạt động phi lợi nhuận. Chính vì thế chỉ có thành viên của câu lạc bộ mới được xem phim. Dĩ nhiên, tôi cũng phải thu một khoản chi phí để trang trải tiền thiết bị, điện, nước, nhân viên phục vụ...” - Gerry nói.

Hà Nội Cinémathèque được trang bị khá hiện đại, với màn ảnh có thể điều chỉnh khung hình phù hợp từng phim, có tai đeo nghe thuyết minh để hạn chế những bất lợi khi có một người thuyết minh chung, ghế ngồi có gắn bàn để tiện cho việc sử dụng rạp kết hợp việc giảng dạy... (chỉ tiếc rằng rạp không có âm thanh surround vì Gerry không thích, ông nói rằng phim thì hai chiều mà âm thanh ba chiều chẳng hợp chút nào).

“Mục đích của tôi là có một điểm chiếu phim giới thiệu những tác phẩm kinh điển của thế giới đến với những nhà làm phim VN, những sinh viên đang học trường điện ảnh và tất cả những ai yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy này. Tôi quen nhiều nhà làm phim VN và thấy họ rất có tài. Điều đáng tiếc là họ lại không có một nền tảng về điện ảnh kinh điển thế giới. Họ không xem phim nổi tiếng thế giới lẫn phim nổi tiếng của VN vì không biết xem ở đâu, hoặc không có thời gian xem. Hơn nữa, tôi quan niệm rằng xem phim bằng tivi giống như bạn thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh trong một tấm bưu ảnh, nghe dàn nhạc giao hưởng chơi qua radio vậy. Ở VN không có rạp nào chiếu phim kinh điển thế giới. Tôi hi vọng Hà Nội Cinémathèque là cơ hội để mọi người tiếp cận điện ảnh kinh điển thế giới”.

Io4hgXN1.jpgPhóng to
Gerry Herman
Không chỉ chiếu những phim nổi tiếng thế giới từ các nước Mỹ, Nga, Pháp, Ý..., Hà Nội Cinémathèque còn chiếu cả những phim VN kinh điển được chuyển sang DVD với phụ đề tiếng Anh như Thương nhớ đồng quê, Gánh xiếc rong, Bao giờ cho đến tháng mười...

Không có nhiều thời gian, tôi chỉ xem được ở đây hai phim, Những đêm của Cabiria và Gánh xiếc rong. Trong buổi chiếu phim Những đêm của Cabiria - phim nổi tiếng của Ý về thế giới gái điếm - tôi đếm được chỉ có sáu khán giả người Việt (và họ cười khúc khích khi phát hiện trong phim này có đoạn cô gái điếm được một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng đưa về nhà sau khi bạn gái anh ta đi vắng, “giống hệt” phim Lọ Lem hè phố), còn lại đều là khách nước ngoài.

Buổi chiếu Gánh xiếc rong của đạo diễn Việt Linh chỉ có hai người Việt trong số khá đông khán giả nước ngoài đến xem. Xem phim xong, nhiều khách ra ngồi tại quán cà phê trong sân để bàn tán về bộ phim. Hầu hết là người nước ngoài và đều đã lớn tuổi...

Nhiều bạn trẻ Hà Nội ngơ ngác khi nghe nói có một rạp chiếu phim như thế. Có bạn biết nhưng lắc đầu: “Xem phim ở rạp khác mới hơn”. Hỏi vài bạn sinh viên trường điện ảnh, họ nói hằng tháng vẫn có chương trình vừa chiếu phim, vừa có buổi trò chuyện của đạo diễn Đặng Nhật Minh, chờ đến bữa đó hẵng đi xem. Tôi hỏi Gerry có bao nhiêu người đã đăng ký làm thẻ hội viên câu lạc bộ, ông nói chừng 300.

“Nhưng ít người VN đến xem, thấy toàn khách nước ngoài, tôi cũng hơi buồn”. “Sao ông lại chọn Hà Nội trong khi ông đã sống ở Sài Gòn khá lâu trước đó?”. Gerry cười: “Vì tôi nghĩ Sài Gòn thích tốc độ, thích cái mới hơn. Khán giả ở Hà Nội thì trầm lặng và sâu sắc”...

Tối cuối cùng ở khách sạn (nằm trong khuôn viên rạp), nhìn xuống lầu tôi thấy Gerry vẫn ngồi hàn huyên với vài ba khán giả nước ngoài đến xem. Rạp vắng. Hành trình đem điện ảnh kinh điển thế giới đến khán giả VN có lẽ sẽ còn dài và nhiều khó khăn...

PHAN XI NÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên