12/05/2017 15:11 GMT+7

​Vì sao phim võ hiệp Kim Dung chiếm ưu thế hơn Cổ Long?

THỤC NGHI
THỤC NGHI

TTO - Tác phẩm Cổ Long và Kim Dung đều có phong cách riêng, nhưng nếu nói về sức ảnh hưởng của tiểu thuyết đối với xã hội thì Kim Dung chiếm ưu thế hơn.

Tác phẩm của nhà văn Kim Dung và nhà văn quá cố Cổ Long đều có phong cách riêng, nên không thể mang ra so sánh - Ảnh: ifeng
Nhà văn Kim Dung (trái) và nhà văn quá cố Cổ Long - Ảnh: ifeng

Thật khó để so sánh cái hay và dở của tác phẩm Cổ Long và Kim Dung, vì tiểu thuyết võ hiệp của họ tiêu biểu cho từng thời kỳ khác nhau, nhưng xét về mặt nghệ thuật văn học mà nói tác phẩm Cổ Long được độc giả đánh giá cao hơn, trong khi tiểu thuyết Kim Dung lại chiếm lĩnh ưu thế về tính thương mại.

Thập niên 1970, tiểu thuyết Cổ Long liên tục được Hãng Shaw Brothers (Thiệu Thị) dựng thành phim điện ảnh, từ đó danh tiếng của Cổ Long đình đám khắp Châu Á.

Đến thập niên1980, Đài truyền hình TVB liên tục khai thác và chuyển thể tiểu thuyết của Kim Dung lên màn ảnh nhỏ, thậm chí còn dựng thêm các bản phim mới hơn. Những năm 2000, nhà sản xuất Trương Kỷ Trung bắt tay vào việc đưa tiểu thuyết Kim Dung lên màn ảnh nhỏ Trung Quốc.

Nhìn chung, Cổ Long và Kim Dung đều ngang tài ngang sức, nhưng tại sao phim võ hiệp Kim Dung lại được ưa chuộng hơn Cổ Long? Đó là dấu chấm hỏi mà nhiều người quan tâm.

Tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu của Kim Dung được chọn chuyển thể nhiều nhất, tổng cộng có 11 phiên bản truyền hình, phiên bản mới nhất 2017 do Tưởng Gia Tuấn làm đạo diễn - Ảnh Sina
Tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu của Kim Dung được chọn chuyển thể nhiều nhất - Ảnh Sina

Tiểu thuyết Cổ Long khó diễn đạt bằng hình ảnh

Nhà sản xuất Trương Kỷ Trung là người đi đầu trong việc chuyển thể tiểu thuyết võ hiệp lên màn ảnh nhỏ Trung Quốc, trong suốt 30 năm bôn ba trên các phim trường với vai trò nhà sản xuất, Trương Kỷ Trung chỉ nghiên cứu duy nhất tác phẩm của nhà văn Kim Dung, không hề nghiềm ngẫm trang tiểu thuyết nào của Cổ Long.

Trương Kỷ Trung cho rằng: “Trước mắt tiểu thuyết của Cổ Long chưa được chuyển thể nhiều là vì các nhà làm phim rất khó thể hiện được “cái thần” trong tác phẩm của ông”.

Các nhân vật dưới ngòi bút Cổ Long đều có tính cách mâu thuẫn, phức tạp, luôn giằng xé và đấu tranh nội tâm. Cổ Long mượn các thủ pháp của chủ nghĩa hiện đại Phương Tây, tạo nên sự phản kháng đối với triết học cố hữu của Trung Quốc như: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

Thông qua sự sáng tạo về văn phong và những tư tưởng mới, Cổ Long đã phá vỡ những gò bó truyền thống của tiểu thuyết võ hiệp, mở rộng ra một kỷ nguyên mới cho thế giới võ hiệp kỳ tình. 

Tiểu thuyết của Cổ Long giúp độc giả phản tỉnh cuộc sống con người, nhân tình thế thái, đó là giá trị nhân văn hiện đại, và cũng là thành tựu lớn nhất của ông trong những năm chấp bút sáng tác.

Tuy nhiên, khi tác phẩm của Cổ Long chuyển thể thành phim đã không diễn đạt được đặc điểm này.

Đọc tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long, phải lấy tâm hồn ra mà cảm nhận, chứ không thể diễn đạt bằng lời hay phim ảnh.  Vì thế đọc tiểu thuyết của Cổ Long luôn hấp dẫn hơn là xem phim được chuyển thể.

Đạo diễn Hong Kong Cúc Giác Lượng - người từng chuyển thể các tiểu thuyết Cổ Long và Kim Dung
Tiểu thuyết của Cổ Long thích hợp làm phim điện ảnh, điển hình là năm ngoái đạo diễn Nhĩ Đông Thăng đã cho ra mắt bộ phim Thần kiếm được chuyển thể từ Bảo kiếm Tam thiếu gia của Cổ Long - Ảnh Sina
Tiểu thuyết của Cổ Long thích hợp làm phim điện ảnh, điển hình là năm ngoái đạo diễn Nhĩ Đông Thăng đã cho ra mắt bộ phim Thần kiếm được chuyển thể từ Bảo kiếm Tam thiếu gia của Cổ Long - Ảnh Sina

Sự khác biệt của phim võ hiệp Cổ Long và Kim Dung

Nhiều khán giả cho rằng, tiểu thuyết Cổ Long có rất nhiều chi tiết gay cấn, hấp dẫn, nhưng khi chuyển đổi thành phim lại thiếu logic, khiến khán giả thất vọng.

Ngược lại, trong những bộ phim được dựng từ tiểu thuyết Kim Dung, họ thường bắt gặp “hình bóng” của mình ở các nhân vật.

Điều này có thể do nhà văn Cổ Long khắc họa nhân vật, tình tiết câu chuyện mang đậm tính truyền kỳ, mà người đọc chỉ có thể cảm thụ và ngưỡng mộ, chứ không tìm được sự gần gũi.

Trong khi đó tiểu thuyết của Kim Dung cũng có nhiều nhân vật huyền thoại, nhưng rất cụ thể và đời thường.

Trên một phương diện nào đó, hầu như các tác phẩm của Kim Dung đều nói về giai đoạn trưởng thành của một anh hùng, khiến đọc giả có cảm giác như mình đang lớn lên cùng nhân vật.

Điều này có thể lý giải vì sao phần lớn các bạn trẻ đều thích đọc tiểu thuyết và xem phim võ hiệp của Kim Dung, nó không đơn giản là một bộ phim hấp dẫn, mà thông qua tiểu thuyết và phim, khiến người ta nuôi ước mơ mình cũng có thể viết nên một trang sử hào hùng, đó là điểm mà nhà văn Kim Dung khác Cổ Long.

Tiểu thuyết Kim Dung liên tục được các đài truyền hình Trung – Cảng – Đài đưa lên màn ảnh nhỏ - Ảnh Sina
Tiểu thuyết Kim Dung liên tục được các đài truyền hình Trung – Cảng – Đài đưa lên màn ảnh nhỏ - Ảnh Sina

Giới chuyên môn nhận định, tiểu thuyết Cổ Long phổ biến từ phong trào chuyển thể tiểu thuyết võ hiệp thành phim điện ảnh, còn Kim Dung thì vang danh nhờ phim truyền hình.

Điều này xuất phát từ việc họ có phong cách khác nhau.

Tác phẩm của Cổ Long chủ yếu nhấn mạnh đến tư tưởng hiện đại, tình tiết câu chuyện diễn tiến nhanh nhưng tạo được sự gay cấn, hồi hộp cho người đọc, do đó rất thích hợp chuyển thể lên màn ảnh rộng.

Còn tiểu thuyết Kim Dung nhấn mạnh đến bối cảnh lịch sử, văn hóa, nhân vật mang tính kế thừa, truyền từ đời này sang đời khác.

Trong khi đó phim điện ảnh có thời lượng ngắn, khó có thể diễn đạt được những nét đặc sắc trong tiểu thuyết Kim Dung, do đó tác phẩm của ông chỉ thích hợp dựng thành phim truyền hình.

Những năm 1980, TVB liên tục khai thác và chuyển thể tiểu thuyết của Kim Dung lên màn ảnh nhỏ, như Anh hùng xạ điêu, Ỷ thiên đồ long ký (Ảnh), Thần điêu đại hiệp… - Ảnh: TVB
Những năm 1980, TVB liên tục khai thác và chuyển thể tiểu thuyết của Kim Dung lên màn ảnh nhỏ, như Anh hùng xạ điêu, Ỷ thiên đồ long ký (Ảnh), Thần điêu đại hiệp… - Ảnh: TVB
Tiểu thuyết Kim Dung có sức ảnh hưởng đối với xã hội và chiếm lĩnh ưu thế về tính thương mại, nên thường xuất hiện trong các cuộc triển lãm sách - Ảnh: Standnew
Tiểu thuyết Kim Dung có sức ảnh hưởng đối với xã hội và chiếm lĩnh ưu thế về tính thương mại, nên thường xuất hiện trong các cuộc triển lãm sách - Ảnh: Standnew
THỤC NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên