26/03/2017 22:58 GMT+7

'Văn tôi như xe đò, tải gì được là tải...'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Trong buổi gặp gỡ bạn đọc Sài Gòn hôm nay 26-3, nhà văn Kiệt Tấn nhân khi nhắc đến quan niệm văn dĩ tải đạo của người xưa, ông cho rằng văn ông như chiếc xe đò, tải gạo hay tải cái gì được là tải...

Nhiều bạn đọc nhân dịp gặp gỡ đến xin chữ ký Kiệt Tấn trên sách in tại Việt Nam - Ảnh: L.Điền
Nhiều bạn đọc nhân dịp gặp gỡ đến xin chữ ký Kiệt Tấn trên sách in tại Việt Nam - Ảnh: L.Điền

Đây là lần hội ngộ đầu tiên của nhà văn Kiệt Tấn với đông đảo bạn đọc Sài Gòn sau hơn bốn chục năm sống và viết tại hải ngoại.

Không gian cà phê sách Kafka chật kín bạn đọc hâm mộ, với cách nói chuyện rủ rỉ như bày tỏ, tâm tình, người nghe có cảm giác ông đang nói một cách chân thành về cuộc sống, quê hương và con đường viết văn mà ông tham gia từ những năm 1960.

Lưu giữ văn chương tiếng Việt

Quê ở Bạc Liêu, Kiệt Tấn học tú tài ở Sài Gòn và từng du học Canada vào năm 1959. Ông bước chân vào làng văn năm 1966 với tập thơ Điệp khúc tình yêu và trái phá do Sáng Tạo in.

Tuy nhiên, sự nghiệp ông cho đến nay vẫn là văn xuôi với hai tuyến chủ đề nổi bật là viết về quê hương và tình yêu mọi loại cung bậc.

Nhắc đến văn chương tiếng Việt ở hải ngoại, Kiệt Tấn cho rằng có một mảng lớn những tác phẩm được viết ra do hoài niệm. “Bản thân tôi cũng viết vì hoài niệm, tôi cố gắng sống chân thành và tôn trọng độc giả”, ông chia sẻ.

Ông thẳng thắn cho rằng văn chương tiếng Việt ở hải ngoại nếu muốn duy trì thì phải có bạn đọc trong nước, vì các thế hệ người Việt hải ngoại về sau không viết văn nữa, cũng không đọc văn chương tiếng Việt nữa.

“Nơi lưu giữ văn chương tiếng Việt tốt nhất vẫn là tại Việt Nam, vì nước ngoài không có mấy người biết đến”, với 7 đầu sách in ở nước ngoài và 4 đầu sách in tại Việt Nam, nhận định trên đây của nhà văn Kiệt Tấn hẳn không phải là cách nói của người không trách nhiệm.

Từng theo dõi kỹ các tác phẩm của Kiệt Tấn, nhà báo Hiền Hòa nhắc lại một đặc điểm trong văn chương ông là hàm lượng từ ngữ nam bộ rất đậm đặc, “anh như một bảo tàng từ ngữ, giữ được rất nhiều từ Nam bộ xưa; cảm giác như những từ ngữ thời Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trần Kim Trắc rồi đến Kiệt Tấn như một sự tiếp nối. Sống và viết ở hải ngoại, anh giữ ngôn ngữ Nam bộ như vậy bằng cách nào?”.

Hóa ra câu trả lời của Kiệt Tấn rất nhẹ tênh: Gia đình tôi vốn ở thôn quê, ba má tôi là người lao động, từ ngữ đó là của tôi. Và tôi có chủ ý gì đâu, đến khi viết thì tự nhiên nó tuôn ra thôi.

Nói thêm về ngôn ngữ và giọng văn, Kiệt Tấn thừa nhận một thực tế là người nam bộ thường không có văn chương chải chuốt, “tôi may mắn học được cái chải chuốt trong văn chương Pháp”

Nhà văn Kiệt Tấn tự nhận mình viết văn
Nhà văn Kiệt Tấn tự nhận mình viết văn "không uốn éo" - Ảnh: L.Điền

Không uốn éo

Ở tuổi 77, Kiệt Tấn vẫn viết tay và “hiện đang thiếu người giúp đánh máy”. “Tôi nhiều khi sửa câu văn tới lui dai dẳng nhiều lần, vì đặt mình trong vai người đọc: đọc câu văn như vậy có khoái không. May mà cũng có người nói rằng đọc văn Kiệt Tấn thấy đã”.

Tâm sự về nghề, Kiệt Tấn cho hay “có khi tôi viết 1 giờ rồi nghỉ 3-4 giờ vì muốn giữ cho cách viết được tự nhiên chứ không uốn éo gì”.

Một bạn thân của Kiệt Tấn là nhà văn Lữ Kiều cũng đến buổi giao lưu và chia sẻ với mọi người về một Kiệt Tấn không chỉ viết văn đầy nhân ái bao dung mà còn là một người đọc nhiều có kiến thức sâu rộng.

Lữ Kiều kể chuyện ông được Kiệt Tấn đưa sách cho đọc. “Sách Kiệt Tấn đọc qua đều có ghi chú ở lề và gạch, đánh dấu đầy ở những chỗ quan trọng, tôi nhờ đó mà dễ dàng đọc và thưởng thức”.

Một số bạn đọc trẻ chú ý đề tài tình cảm và tình dục trong văn Kiệt Tấn. Còn cô giáo Hoàng Kim Oanh thì cho rằng chính sự thành thật hiếm thấy trong văn Kiệt Tấn đã làm chị chú ý đến nhà văn này.

“Sau khi đọc ông, tư duy của tôi đã thay đổi, tôi thấy vấn đề đáng kể là “con người nên như thế nào để sống đúng với chính mình” mới là chủ đề quan trọng trong văn chương Kiệt Tấn”.

Hoàng Kim Oanh còn nhận thấy một Kiệt Tấn khác với sự sắc sảo của kiến thức và tư tưởng trong các bài tiểu luận, cụ thể như khi ông viết về Thanh Tâm Tuyền hay Nguyễn Ngọc Tư...

Những chia sẻ của Hoàng Kim Oanh như khơi dòng cảm xúc cho Kiệt Tấn. Ông để mình trôi lạc vào hoài niệm, tâm sự rằng trong văn chương của ông, chữ “thương” là quan trọng nhất. “Chữ thương tổng quát lắm chớ không như chữ yêu.

Có người hỏi tôi yêu như thế nào, tôi bảo tôi cũng yêu tự nhiên và không hoa hòe hoa sói. Đối với tôi, cái khôn của tâm trí tôi vứt từ năm 15 tuổi rồi, vì nó nhiều khi bịa đặt và dẫn dụ mình lắm”.

4 đầu sách của Kiệt Tấn xuất bản tại Việt Nam - Ảnh: L.Điền
4 đầu sách của Kiệt Tấn xuất bản tại Việt Nam - Ảnh: L.Điền

Kiệt Tấn (tên đầy đủ: Lê Tấn Kiệt) sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Học tiểu học đến 10 tuổi thì rời Bạc Liêu, theo trung học tại Vĩnh Long, Mỹ Tho (tú tài 1) và Sài Gòn (tú tài 2).

Năm 19 tuổi, xuất ngoại du học tại Canada, đại học Laval, Québec. Từ Canada trở về nước năm 1963, phục vụ tại Sài Gòn với tư cách chuyên viên (kỹ sư) Bộ Kinh Tế. Tháng Ba năm 1975 xuất ngoại công tác tại Paris, rồi định cư ở Pháp đến nay.

Kiệt Tấn có 4 đầu sách in tại Việt Nam: Em điên xõa tóc (tập truyện), NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2009; Người em Xóm Học (tập truyện), NXB Thời Đại, 2011; Lớp lớp phù sa (truyện dài), NXB Văn hóa Văn nghệ, 2012; Đêm cỏ Tuyết (tập truyện), NXB Hội Nhà Văn, 2014.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác từng nhận định về Kiệt Tấn: “Mỗi người cầm bút thường chỉ có sở trường về một loại đề tài, một loại khung cảnh sống hoặc một loại nhân vật. Rất ít có người dám xông xáo vào nhiều lãnh vực, vì thấy trước sự thất bại.

Trường hợp Kiệt Tấn khác hẳn. Anh viết về đủ đề tài, nhân vật, khung cảnh, thay đổi, từ một cô gái quê cho tới một cô tình nhân bụi đời ở kinh đô ánh sáng, từ những kinh rạch bán khai chằng chịt ở quê hương cho tới cảnh đô hội nơi đất khách… ở đâu Kiệt Tấn cũng xông xáo thông thạo như một “thổ công”.

Vì sao vậy? Theo tôi, câu trả lời khá đơn giản: Kiệt Tấn đã sống hết mình, và viết hết mình. Khi sự chân thành đã đến độ giống như tự khỏa thân trước cuộc đời, thì cái Tâm Thành đó cộng với Tài Ba phải thành Nghệ Thuật”.

 

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên