16/03/2017 14:30 GMT+7

Jack of the Red Hearts: Vì chúng ta cũng có một phần tổn thương…

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Một buổi chiều giữa tháng 3, khán phòng ở Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM) là một rạp chiếu bóng mini, ở đó, nhiều người - trong đó có nhiều khuôn mặt trẻ - đang chăm chú xem bộ phim Jack of the Red Hearts (Jack trái tim đỏ).

Hai nhân vật Glory và Jack trong phim Jack of the Red Hearts - Ảnh: Facebook của phimTừng giành nhiều giải thưởng uy tín, Jack of the Red Hearts kể về cô gái mồ côi nổi loạn 18 tuổi tên Jack. Vì muốn kiếm tiền để giành được quyền nuôi em, Jack đánh liều đóng giả làm người chuyên chăm sóc trẻ đến nhận việc ở nhà Kay Adams - người mẹ có con gái 11 tuổi mắc chứng tự kỷ.

Không một chút kiến thức lận lưng về trẻ tự kỷ, cũng không thấu hiểu hay cảm thông, Jack gặp kha khá rắc rối với cô bé Glory cùng người mẹ bảo bọc con quá mức. Tuy nhiên, dần dà giữa Jack, Kay, Glory và các thành viên khác trong gia đình hình thành nên mối gắn kết đặc biệt giữa những người tổn thương, tìm thấy và chữa lành cho nhau.

Kết thúc bộ phim dài 1 tiếng 50 phút, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt từ hàng ghế khán giả, đâu đó vài đôi mắt đỏ hoe vì xúc động, nhiều người cảm ơn đạo diễn Janet Grillo vì đã làm ra “một bộ phim tuyệt vời”.

Đạo diễn người Mỹ Janet Grillo giao lưu với khán giả tại buổi chiếu phim Jack of the red hearts ngày 14-3 ở TP.HCM - Ảnh: Ngọc Đông
Đạo diễn Janet Grillo giao lưu với khán giả tại buổi chiếu phim ngày 14-3 ở TP.HCM - Ảnh: Ngọc Đông

“Bởi vì tất cả chúng ta ai cũng có phần nào tổn thương, đó là lý lẽ tự nhiên của con người - nữ đạo diễn từng đoạt giải Emmy chia sẻ - Khi hiểu, chấp nhận, cảm thấu và yêu thương nhau, chúng ta sẽ cùng vượt qua, như cách Jack dần yêu thương Glory và như tình yêu thương của gia đình Glory cảm hóa Jack”.

Jack of the Red Hearts là bộ phim xuất phát từ trái tim người mẹ, vì bản thân đạo diễn Janet Grillo cũng có con tự kỷ và biên kịch bộ phim cũng có một người cháu mắc bệnh tự kỷ. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn Janet ví Jack như một chiếc cầu nối từ thế giới bên ngoài vào trong thế giới của những người hằng ngày sống với bệnh tự kỷ.

Cảnh trong phim Jack of the Red Hearts - Ảnh: IMDb
Cảnh trong phim Jack of the Red Hearts - Ảnh: IMDb

Gia đình Kay Adams trong phim có một người mẹ lúc nào cũng lo lắng bảo vệ con mình thái quá, một người cha mệt mỏi và mất niềm tin rằng con mình có thể hồi phục sau gần 10 năm cố gắng mà không được gì, rồi vợ chồng cãi nhau, nợ nần ngập đầu vì tiền trang trải điều trị…

Đó là hoàn cảnh có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, theo đạo diễn Janet. “Chúng ta không được từ bỏ hi vọng, bây giờ đã có nhiều tiến bộ giúp cải thiện việc điều trị cho trẻ tự kỷ hơn cách đây 20 năm, khi con trai tôi được chẩn đoán mắc bệnh” - nữ đạo diễn đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ có con tự kỷ.

“Một điều nữa là các bạn hãy nhớ lấy việc con bạn bị bệnh không phải là lỗi của bạn, cũng không phải là lỗi của con, hãy học cách chấp nhận, chung sống, thấu hiểu, yêu thương và tiến hành điều trị sớm nhất có thể” - cô nói tiếp. Suốt buổi nói chuyện, cô nhắc đi nhắc lại tình yêu thương là chìa khóa trong việc nuôi dạy bất cứ đứa trẻ nào, dù khỏe mạnh hay có bệnh.

Tại buổi chiếu phim, ông Tim Liston - phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM - đồng tình con số trẻ em được chẩn đoán tự kỷ đang tăng cao tại Việt Nam, tuy nhiên cộng đồng vẫn chưa hiểu hết về tự kỷ.

Đồng thời nhiều phụ huynh không được tiếp cận với các kênh thông tin cần thiết, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả.

Theo đạo diễn Janet Grillo, tự kỷ thật sự là vấn đề cần phải được xã hội quan tâm đúng mức, bởi đó là hội chứng kéo dài cả đời.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên