24/02/2017 12:12 GMT+7

Không né tránh sự thật những khoảng khuất lịch sử

V.V.TUÂN - M.TỰ ghi
V.V.TUÂN - M.TỰ ghi

TTO - LTS: Bài viết “Xác lập quan điểm mới cho những khoảng trống lịch sử” đã thu hút đông đảo sự quan tâm và phản hồi của bạn đọc. Ý kiến của những người nghiên cứu sử học ra sao?

Toàn cảnh hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN” tại Thanh Hóa sáng 18-10-2008. Không chỉ có các nhà khoa học mà còn có các nhà chính trị: nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu, phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng... Và không chỉ là những hậu duệ của các chúa Nguyễn ở cố đô Phú Xuân hay đất phát tích Thanh Hóa, mà còn là hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở khắp VN, ở nước ngoài cũng về quê tham dự ngày trọng đại này - Ảnh: Việt Dũng
Toàn cảnh hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN” tại Thanh Hóa sáng 18-10-2008. Không chỉ có các nhà khoa học mà còn có các nhà chính trị: nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu, phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng... Và không chỉ là những hậu duệ của các chúa Nguyễn ở cố đô Phú Xuân hay đất phát tích Thanh Hóa, mà còn là hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở khắp VN, ở nước ngoài cũng về quê tham dự ngày trọng đại này - Ảnh: Việt Dũng

Và những nhà nghiên cứu sử học cũng hết sức quan tâm đến nội dung bài viết này. TTO xin được giới thiệu:

* Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC:

Nhìn thẳng để hòa giải với quá khứ

Tôi cho rằng thời điểm này rất phù hợp để nói ra những khoảng trống lịch sử trước đây, vì chúng ta đang chuẩn bị bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai, nên phải tôn trọng, không né tránh những khoảng khuất lịch sử.

Nếu không mạnh dạn nhìn vào đó để phân tích một cách khoa học, càng để lâu càng tạo ra sự lãng quên mà sự lãng quên ấy sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch. Trong mọi thực thể hoặc mọi chính thể đều có cái đúng, cái sai nhưng quan trọng là ý thức muốn vươn lên.

Tôi rất hi vọng lần này là cơ hội để giới sử học có thể đề cập nhiều vấn đề sử học mà không có “vùng cấm” nữa, đồng thời đưa ra những quan điểm khác nhau. Tất nhiên việc này đặt trên nền tảng là trách nhiệm với dân tộc.

Tôi luôn quan niệm lịch sử là phải nói sự thật, nhưng đôi khi có sự thật chưa thể nói ra được thì quyết không nói sai sự thật. Có những vấn đề chưa chín muồi, chưa đầy đủ nhận thức khoa học, có thể gác lại chưa nói, nhưng đã nói ra thì không được nói sai.

Chẳng hạn từ 10 năm trước, tạp chí Xưa và Nay đã nêu vấn đề là tại sao trong một bài viết của Nguyễn Ái Quốc gần một thế kỷ trước có đánh giá cao vua Gia Long. Dù đánh giá về vua Gia Long có thể cần phải phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhưng về khoa học phải trung thực, nhất quán.

Vua Gia Long - Ảnh tu liệu
Nhà vua yêu nước Duy Tân khi lên ngôi năm 7 tuổi (1907) - Ảnh tư liệu

 

Nếu chúng ta dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật sẽ có những bài học tích cực, có tác dụng cả về khoa học và nhận thức xã hội hơn là che giấu, né tránh và nói sai sự thật lịch sử.

Hơn nữa những đánh giá của người làm sử hay người làm chính trị mỗi thời rồi sẽ được xã hội điều chỉnh theo hướng ngày càng tiếp cận với chân lý hơn.

Như câu chuyện cải cách ruộng đất, bao nhiêu người bị oan khuất nhưng chúng ta chỉ nói là Đảng nhìn nhận sai lầm. Tuy nhiên sai như thế nào, mức độ sai ra sao, trách nhiệm đến đâu, lý do vì sao sai… để chúng ta không lặp lại những bài học cay đắng như thế nữa thì chưa thấy nói. Phải dám nhìn vào sự thật chứ không phải chỉ nhắc lại một hai câu trong nghị quyết là xong.

Tất nhiên, không phải khơi lại những chuyện đó để tạo ra những nỗi bức xúc, nhưng nhìn thẳng vào sự thật lịch sử là cách hòa giải với quá khứ. Các cụ từng nói “dĩ bất biến ứng vạn biến” thì sự thật lịch sử chính là cái bất biến.

* PGS.TS BỬU NAM (giảng viên khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế):

Phải đánh giá lại một cách công bằng đối với triều Nguyễn

Nhân việc GS Phan Huy Lê đề nghị “xác lập quan điểm mới” trong việc viết lịch sử Việt Nam, tôi xin có mấy ý kiến đề xuất như sau:

Đánh giá lại một cách khách quan và công bằng vai trò của triều Nguyễn và vua Gia Long, sự cống hiến của họ cho lịch sử dân tộc; viết lại lịch sử các dân tộc khác đã và đang cùng sinh sống trên lãnh thổ nước Việt Nam hiện nay một cách khách quan, công bằng.

Tương tự, lịch sử miền Trung phải trải qua vương triều Chămpa; lịch sử miền Nam phải trải qua các vương triều Phù Nam, Chân Lạp; lịch sử Tây nguyên vốn là không gian sinh tồn của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, M’Nông, K’Ho... trước khi người Pháp đến khai phá và người Kinh di cư đến.

Viết lại lịch sử chế độ Pháp thuộc và những đóng góp của họ trong việc hình thành xã hội Việt Nam hiện đại. Rồi nước Việt Nam giai đoạn 1954-1975 ngoài chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc, còn có Việt Nam cộng hòa ở miền Nam với những diễn biến rất quan trọng mà sách sử quốc gia không thể không ghi.

Bộ quốc sử nước Việt phải được viết với một nguyên tắc của khoa học lịch sử, đó là: khách quan, trung thực, công bằng; có so sánh với lịch sử các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Đồng thời, cần vận dụng các phương pháp tiếp cận mới của khoa học lịch sử thế giới hiện nay.

V.V.TUÂN - M.TỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên