10/01/2017 23:10 GMT+7

Từ chuyện quét vôi Văn Miếu, di tích là phải mốc rêu, bám bụi?

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO -  "Tôi đi Hàn, Nhật, Trung là ba nước đồng văn với Việt Nam thì chả ai để rêu mọc trên di tích, màu sắc xuống cấp dù những di tích đó đa phần lâu đời hơn những di tích ở VN" - một bạn đọc Tuổi Trẻ khẳng định.

 

Văn Miếu sau khi quét vôi đã bị phản ứng - Ảnh: NAM TRẦN
Văn Miếu sau khi quét vôi đã bị phản ứng - Ảnh: NAM TRẦN

PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội di sản văn hoá Việt Nam cũng nêu quan điểm của mình về những luồng ý kiến khác nhau của dư luận về việc Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) được quét vôi mới: "“Chúng ta không nên quan niệm cứ phải rêu phong phủ lên mới là những giá trị cổ kính của di tích”.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Trụ, không có cái gì có thể trường tồn mãi với thời gian được mà sẽ xuống cấp, hư hỏng. Nên việc trùng tu, sửa sang là điều tất yếu đối với bất cứ di tích nào. Nếu để di tích bị rêu, mốc bám thì sẽ phản cảm.

“Chúng ta không nên quan niệm cứ phải rêu phong phủ lên mới là những giá trị cổ kính của di tích. Trùng tu di tích là công việc khoa học, đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan như chất liệu, màu sắc, hoa văn, cấu kiện…

Phải nghiên cứu xem quy trình việc trùng tu như thế nào, phương pháp làm ra sao, thực thi trên thực địa có đúng quy trình không...

Dư luận cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin sự việc trước khi đưa ra những quan điểm của mình. Nhiều người khi xem hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám được quét vôi mới thì thấy ngỡ ngàng, hoặc cảm thấy di tích này mất đi vẻ đẹp cổ kính của nó. Thậm chí có người còn cho rằng Văn Miếu không còn là Văn Miếu nữa. Nhưng tôi không rõ từ lâu nay, họ có thường qua Văn Miếu để biết được hình ảnh từ trước khi quét vôi lại hay không?” ông Trụ bày tỏ.

Ông nói tiếp: “Di tích cũng như ngôi nhà mà chúng ta ở, qua thời gian, khi bị rêu mốc, bụi bẩn bám thì chúng ta phải vệ sinh, quét sơn, quét vôi lại để sạch sẽ hơn. Và khi quét lại vôi mới thì không thể đòi hỏi màu sắc công trình phải y nguyên như trước đây được”.

Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng tải bài viết Choáng với Văn Miếu quét vôi mới: hoá ra không cần ầm ĩ cùng hình ảnh đối chiếu giữa Văn Miếu trước và sau khi quét vôi mới, đã có nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm không phải cứ rêu mốc, bụi bám mới là vẻ đẹp cổ kính của di tích.

Một bạn đọc bình luận, sự việc quét vôi mới ở văn miếu lùm xùm lên là bởi “tư duy của chúng ta cứ nghĩ là phải mái ngói rêu phong cổ kính, nhuốm màu thời gian thì mới có hồn”.

Bạn Hoàng Nguyễn cũng đồng tình: “Di tích lịch sử đẹp là do nguồn gốc, do kiến trúc và do các vật liệu xây dựng đời xưa chứ đâu phải đẹp do rong rêu?!”

Nptthanh cho rằng, việc bảo vệ di tích không phải là bảo vệ rong rêu: “Rong rêu không phải là một phần của di tích thì tại sao lại phải giữ gìn nó. Bạn sợ người khác không thấy rong rêu cũ kĩ thì không phải là di tích à? Người ta xem kiến trúc chứ không ai xem bức tường đó rong rêu thế nào, mục rữa ra làm sao đâu”.

Bạn Nguyễn Quốc Thịnh lấy thêm dẫn chứng: “Mấy ngày nghe báo chí lẫn dân mạng bàn tán về vụ sơn mới tu bổ Văn miếu, Quốc Tử Giám (Hà Nội), bia Quốc học (Huế). Thiệt là...

Tôi từng đi Hàn, Nhật, Trung là ba nước đồng văn với Việt Nam thì ngoài Việt Nam ra chả ai lại ủng hộ việc để rêu mọc trên di tích, màu sắc xuống cấp để cho nó lên màu cổ kính uy nghiêm, dù những di tích đó đa phần lâu đời hơn những di tích ở VN.

Nhìn sang Cố cung của Trung Hoa, chùa Todaiji ở Nhật Bản hay điện Cần Chánh (Gyeongbokgung) của Hàn Quốc xem lúc nào cũng tươi mới cả. Thử để rêu mốc thêm vài chục năm nữa xem nó thành phế tích chứ di tích cái gì”.

* Ý kiến của bạn thế nào về việc bảo tồn các kiến trúc cổ xưa: thường xuyên chăm sóc, vệ sinh, làm mới bằng những nguyên vật liệu cha ông sử dụng khi xây dựng hay cứ để nguyên trạng xưa cũ theo thời gian?

Thân mời bạn có ý kiến ở phần bình luận dưới bài?

 

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên