25/08/2016 00:10 GMT+7

Alexandre de Rhodes không phải là “cha đẻ” chữ quốc ngữ?

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Tại hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 24-8 ở huyện Điện Bàn, nhiều ý kiến cho rằng giáo sĩ Francisco de Pina là người đặt nền tảng cho việc ra đời của chữ quốc ngữ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trò chuyện tại hội thảo - Ảnh: Lê Trung
Nhà sử học Dương Trung Quốc trò chuyện tại hội thảo - Ảnh: Lê Trung

“Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo không cho rằng giáo sĩ de Rhodes là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ như quan điểm của nhiều học giả kỳ cựu trước đây

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn

Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học, sử học, chuyên gia trên khắp cả nước tham dự.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết những nghiên cứu của các nhà khoa học suốt gần 15 năm qua đã đưa ra những kết luận khoa học có giá trị về vai trò, công lao của Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (người Pháp) trong sáng tạo, hoàn thiện chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17.

Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, hội thảo thu hút 69 tham luận là những nghiên cứu khoa học đầy tâm huyết, giàu sức thuyết phục.

Trong đó nhiều nghiên cứu khẳng định vai trò tiên phong của giáo sĩ Francisco de Pina trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ và giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có công hoàn thiện chữ quốc ngữ thông qua việc tu chỉnh, biên soạn và xuất bản hai cuốn sách quan trọng là Từ điển Việt - Bồ - LaPhép giảng tám ngày vào năm 1651.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết có lẽ một thời gian rất dài chúng ta nhắc đến Alexandre de Rhodes có vai trò hết sức quan trọng trong sự đóng góp phát triển chữ quốc ngữ, và quan trọng là di cảo ông để lại.

Quả thật trong điều kiện tư liệu lúc đó, ông Rhodes là người đóng góp rất lớn. Nhưng sau này khi chúng ta có điều kiện nghiên cứu nhiều hơn, những công trình đã tiếp cận các nguồn tư liệu rất khó tiếp cận thì mới thấy được ông Francisco de Pina là người không những đi trước mà còn để lại nhiều dấu ấn, bằng chứng lịch sử để thấy ông là người sớm nhất, giỏi tiếng Việt nhất thời điểm ấy. Vì thế chúng ta tôn vinh một cách công bằng nhưng không phải vì thế mà hạ thấp người này, nâng cao người khác.

“Nhưng ngay chính trong sách ông Alexandre de Rhodes viết cũng nói rất rõ là viết từ điển dựa vào thành quả của những người đi trước. Điều đó cho thấy sự hình thành, phát triển chữ quốc ngữ có sự đóng góp của nhiều thế hệ, là cả một quá trình, từ chỗ ý tưởng đầu tiên đến thử nghiệm đầu tiên, rồi có cả một công trình đi vào đời sống” - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo thông tin tại hội thảo, năm 1617 giáo sĩ Francisco de Pina được cử vào xứ Đàng Trong giúp đỡ Nhật kiều công giáo ở Hội An. Sau đó giáo sĩ chú tâm nghiên cứu, sáng tạo chữ quốc ngữ. Và tại Thanh Chiêm, nơi được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn làm dinh trấn của Quảng Nam, đã ra đời trường dạy quốc ngữ đầu tiên.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên