Thiếu nữ bên hoa huệ - tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân bị sao chép rất nhiều - Ảnh tư liệu |
Thật ra, nạn tranh giả ở Việt Nam là căn bệnh “trầm kha” và bác sĩ đã “bó tay” từ 30 năm nay. Dù vậy, bệnh cứ thỉnh thoảng lại bùng phát, mang đến nỗi nhức nhối cho những người chuyên môn và sự ngao ngán từ công luận.
Theo vài người trong nghề, trong đó có họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) thì tranh giả - tranh nhái bắt đầu phổ biến từ khi nhà sưu tập mẫu mực Đức Minh - Bùi Đình Thản (1920 - 1983) qua đời.
Bộ sưu tập hơn 2.000 tác phẩm của ông bị chia năm xẻ bảy, trong các “điểm giao thoa mờ” về sở hữu, tranh giả - tranh nhái xuất hiện.
Có một thời xuất hiện những tranh cãi xem tác phẩm của ai sở hữu từ bộ sưu tập này là tranh thật, ai là tranh giả - tranh nhái.
Một câu chuyện dài
Nhìn lại lịch sử, câu chuyện tranh giả - tranh nhái xa hơn cột mốc giữa thập niên 1980 khá lâu. Trong một trả lời trên báo cách đây chừng 10 năm, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, từng là nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào năm 1966, cho biết do Mỹ ném bom miền Bắc nên bảo tàng phải làm các bản sao chép để trưng bày, bản chính mang đi sơ tán.
Thế nhưng đến tháng 4-2009, họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) tái xác nhận trên báo tình trạng treo tranh chép tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn... diễn ra khá phổ biến.
Tô Ngọc Vân nổi tiếng với tác phẩm Thuyền trên sông Hương. Bức ảnh trên in trong các sách tại Việt Nam, rõ nét thời gian hơn. Bức ảnh dưới xuất hiện tại nhà đấu giá Christie's Hong Kong cuối tháng 5/2016, nhìn khá tươi mới. |
“Vua” chép tranh lụa là họa sĩ Ngô Minh Cầu kể rằng từ khoảng 1960 đến 1975 ông đã được các bảo tàng thuê chép vô số tác giả, nhớ không hết tên. Nhưng thường xuyên nhất là tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung, Tôn Thất Đào…; mà nguyên tắc là phải từ 4 tấm trở lên ông mới làm, vậy mới bõ công.
“Tôi thường chép 1 bức ra 4, hoặc ra 8, ra 16. Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, tôi sao chép theo kiểu dây chuyền, rất nhanh và cũng dễ đạt, vì 1 bức thì không thể quen tay bằng nhiều bức. Có những bức làm nhiều lần đến mức thuộc lòng, nhìn sơ qua là làm được ngay” - Ngô Minh Cầu trả lời trên báo Thể thao & Văn hóa tháng 6-2009.
Mục đích chính của việc chép tranh, theo ông Cầu, là để phục vụ cho các phái đoàn ngoại giao làm quà tặng các nước. Ông kể mình từng gặp nhiều tranh Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Lân do ông chép và chế tác nhưng được cộng đồng Việt kiều cho là tranh thật.
Phần lớn các họa sĩ thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trước Đổi mới tại Hà Nội (khoảng 1986) thường làm tranh chép hoặc tranh phái sinh. Khi vẽ được một tác phẩm ưng ý, có người chủ động chuyển chất liệu (như Dương Bích Liên làm với sơn mài), có người vẽ thêm một số bức để bán cho giới sưu tập, để tặng bạn bè, người thân (như Bùi Xuân Phái), có người một cái từ làm hàng loạt (như Nguyễn Tư Nghiêm làm với điệu múa cổ)…
Ví dụ như Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh, Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân hiện nay có mấy bức được xem là chính thức, chẳng thể trả lời, 3-4 bức cũng được, mà 8-9 bức cũng không sai. Thời đó, do quan niệm về phiên bản và bản quyền khá khác bây giờ, giá bán lại chưa đáng kể, nên việc làm này khá phổ biến.
Trên đây là những lý do đầu tiên của nguồn gốc tranh giả - tranh nhái tại Việt Nam. Các lý do tiếp theo là do con cháu, học trò, người thân, các nhà môi giới, các phòng tranh chủ động làm giả làm nhái. Mục đích của điều này khá tầm thường và rõ ràng vì lợi ích. Đôi khi cũng vì danh.
Nói vì danh là có người biết tình trạng tranh giả - tranh nhái tùm lum, ví dụ như Jean-François Hubert, nên ngụy tạo tác phẩm hoặc chứng nhận tác phẩm để nhằm “lộng giả thành chân”.
Cũng có những trường hợp nhà sưu tập A muốn làm giả một danh tác nào đó để cho giống với sở hữu của nhà sưu tập B, thậm chí giống với sưu tập trong các bảo tàng.
Thậm chí khi đến Hà Nội gần đây, Jean-François Hubert còn nói trước nhiều người rằng nhiều tác phẩm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là tranh giả - tranh nhái, còn của mình mới là đồ thật.
>> Kỳ 2: Trong sáng và đen tối
>> Kỳ 3: Không rõ thì đừng mua
>> Kỳ cuối: Lờ các bậc thầy đi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận