Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Phòng ngoài, mẹ chồng chị, bảy mươi tuổi, mặc chiếc áo lam, ngồi ngay ngắn, mắt nhắm, một tay cầm chuỗi hạt bồ đề, một tay cầm dùi. Tất cả nín thở chờ một âm thanh quen thuộc.
Một tiếng thét kinh hoàng, dồn dập tạo thành chuỗi âm thanh nhức tai nhức óc. Tiếng thét của con heo bị đem ra cắt tiết. Sát vách nhà chị là một lò mổ heo. Tiếng heo kêu, tiếng lục đục, tiếng chân, tiếng người, tiếng chửi thề loạn xạ. Tất cả là một đống âm thanh hỗn độn, đầy chất tạp nham của đời.
Tiếng heo thét lên cũng là lúc tiếng mõ của mẹ chồng chị gõ xuống. Mẹ chồng tụng kinh cho chúng. Bà gõ mõ liên hồi, niệm kinh theo tiếng thét của con heo xấu số.
Chồng chị cười thói quen của bà vì heo lên lò mổ xét cho cùng cũng để làm thức ăn cho người.
Bốn, năm giờ sáng, mấy bà chạy chợ lấy thịt heo chửi vang đường vang ngõ. Họ lấy thịt, chửi đổng chuyện tiền dư thiếu, te te mang thịt heo về chợ bán. Mấy bà nội trợ xách giỏ đi chợ, hồn nhiên mua thịt heo... Ai hơi sức đâu nghĩ mình ăn thịt heo là mang tội gây ra cái chết của heo. Heo sinh ra để làm thức ăn cho người mà.
Chồng chị phân tích như vậy nhưng mẹ chồng chị vẫn không thay đổi. Nghe tiếng heo thét bên lò mổ là bà niệm kinh cho chúng. Có ai đọc kinh niệm Phật cho heo bao giờ? Vậy mà bà đọc đều đặn. Không biết những con heo xấu số có được siêu thoát?
Lúc mua nhà, chị không biết sau lưng nhà có một lò mổ heo. Biết rồi muốn bán lại thì chẳng ai mua. Ít người muốn nhà mình ở sát một lò mổ. Vợ chồng chị và những nhà hàng xóm xung quanh đành sống chung với lò mổ, chịu đựng cơn ác mộng đinh tai nhức óc hằng đêm.
Thỉnh thoảng có những khách văn đến tá túc nhà chị. Khách luôn vọt lẹ sau một đêm thức trắng vì âm thanh kinh hoàng quá. Tiếng heo kêu khi bị cắt tiết làm ai cũng tưởng mình đang đi xuống âm ti. Ở đúng một đêm, khách ra ngoài mướn khách sạn.
Nhưng có một nhà thơ trẻ đã ngủ ở nhà chị suốt một tháng trời. Ba mươi lăm tuổi, bị ung thư, chàng nhà thơ kiếm được đồng nào là vào bệnh viện xạ trị. Ở tạm nhà chị, tranh thủ ghé khám bệnh và đàm đạo văn thơ. Lúc khỏe mạnh hay đau ốm, chàng vẫn yêu thơ rồ dại.
Chị tưởng anh nhà thơ cùng lắm ở được vài đêm rồi bỏ của chạy lấy người. Nhưng anh ở hết đêm này tới đêm khác, kỳ lạ, khó hiểu.
Bây giờ nhà chị có bốn người, thêm một thói quen bên cạnh ba thói quen đã quen. Ba giờ sáng, chồng chị thức dậy tìm bông gòn bịt lỗ tai, ngồi đồng trước laptop. Máy tính của chị sáng song song.
Phòng ngoài, mẹ chồng trong chiếc áo lam, tay chuỗi tay dùi, nhắm mắt, chờ nghe tiếng heo thét lên là gõ mõ. Anh chàng nhà thơ cũng thức dậy, đi lang thang trong phòng, pha cho mình một ly... gạo lứt, nhẩn nha uống.
Anh đã qua giai đoạn run sợ trước bệnh tật, giờ tới giai đoạn phớt lờ bệnh tật. Đằng nào cũng chết, thôi thì đón nhận cái chết một cách thong dong. Buồn buồn, anh còn đi mua một cái mõ giống mẹ chồng chị, tập gõ.
Mà anh này nghịch thiệt, bị bệnh mà còn nghịch vầy chứ khỏe mạnh không biết nghịch tới mức nào? Mẹ chồng chị gõ mõ để tụng kinh, anh vô thần nào biết kinh kệ gì nên gõ búa lua xua chẳng theo môn phái nào cả. Có đêm anh vừa nằm gõ vừa hát. Mõ để gõ kinh giờ chuyển theo tông nhạc. Từ nhạc sến tới nhạc nước ngoài.
Mẹ chồng chị quát anh vài lần.
“Mồ tổ cha bây, mi đọc kinh kiểu đó chừng nào Phật chứng? Có lòng thành mới hết bệnh mi ơi”.
Nghe chửi, anh nhe răng ra cười.
Biết anh nhà thơ trẻ bị ung thư, mẹ chồng chị không niệm kinh cho heo nữa mà niệm kinh cho anh. Mẹ chồng chị nói thằng nhỏ tội quá, còn trẻ, chưa vợ chưa con. Bà xúi anh lấy vợ đi, kệ, cho có người chăm, biết một lần hạnh phúc. Chồng chị gạt, sao khuyên tào lao vậy? Chết một mình không nhẹ hơn sao?
Mẹ chồng chị vậy đó, cái gì thấy thương thương là bà mong điều tốt cho cái đó, chẳng cần sâu xa này nọ. Tội mấy con heo, lúc trước lên lò mổ còn có một bà cụ niệm kinh cho. Dù gì, ít ra tiếng kêu của chúng trước cái chết còn có người thương cảm, nghe thấu. Giờ bà cụ chuyển qua niệm kinh cho người, không biết chúng có tủi thân?
Chàng nhà thơ không qua nổi bệnh tật, ung thư giai đoạn cuối. Nghe chàng trai mất, mẹ chồng chị ngã bệnh, nằm trong bệnh viện một tuần. Ở bệnh viện không có tiếng heo kêu nhưng cứ ba giờ sáng mẹ chồng chị lại thức dậy, lại khoác áo lam, không dám gõ mõ mạnh vì sợ bệnh nhân cùng phòng thức giấc, bà gõ thật khẽ, lâm râm đọc kinh.
Không biết bà niệm kinh cho ai? Cho chàng nhà thơ trẻ đã ở thế giới bên kia hay quay lại cầu cho mấy con heo ở nhà đêm nào cũng bị lên lò mổ?
Mà có khi bà niệm kinh cho... bá tánh. Ở bệnh viện, mỗi phút giây đều là sinh tử. Có khi bà cầu nguyện cho một kẻ không quen vừa mới nằm giường hôm qua, chưa kịp về nhà mà giường đã trống...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận