20/07/2016 12:07 GMT+7

Không thấy tranh thật ở triển lãm danh họa

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Phải chăng 15/17 bức tranh tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là... “không phải do chính tác giả thực hiện”?

Khách xem bức tranh Nét duyên dáng được giới thiệu là của họa sĩ Dương Bích Liên tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu - Ảnh: HỮU KHOA

Sau nhiều ý kiến tranh cãi về tính thật - giả của 17 bức tranh của các danh họa: Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Tạ Tỵ tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, sáng 19-7 Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM họp hội đồng thẩm định để nghe đánh giá về tính xác thực của những bức tranh trên.

Đây là hội đồng do bảo tàng thành lập, với mục đích tham vấn ý kiến. Tham dự cuộc họp gồm có các họa sĩ kỳ cựu như Lê Huy Tiếp, Lương Xuân Đoàn, Vi Kiến Thành, Thành Chương (Hà Nội), Quách Phong, Kim Bạch, Uyên Huy, Nguyễn Quân, Phan Gia Hương, nhà báo Nguyễn Trọng Chức. Gia đình cố họa sĩ Tạ Tỵ - người được cho là “bị” ký tên lên một bức tranh của họa sĩ Thành Chương - cũng có con gái và con rể đại diện tham dự.

Không khí cuộc họp khá “nóng”, đến 12g30 trưa mới kết thúc. Tuy biên bản kết luận cuộc họp bảo tàng thông báo là sẽ công bố sau, nhưng nhiều thành viên trong hội đồng tiết lộ rằng tuy không chính thức kết luận “tranh giả” bởi những vấn đề có tính pháp lý liên quan, hội đồng vẫn cho rằng 15/17 bức tranh tại triển lãm “không phải do chính tác giả thực hiện”.

Hai bức còn lại, ngoài bức tranh Trừu tượng ký tên Tạ Tỵ mà họa sĩ Thành Chương lên tiếng là của mình, bức Nguyễn Du câu cá của Nguyễn Sỹ Ngọc cũng bị hội đồng đánh giá là mạo danh chữ ký.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ về kết luận của hội đồng: “May mắn là bảo tàng đã mời các họa sĩ có kinh nghiệm để tham vấn. Lần này, kết luận hội đồng rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá 15/17 bức của triển lãm không phải do tác giả thực hiện. Hai bức còn lại là mạo danh chữ ký.

Họa sĩ Thành Chương xem bức Trừu tượng được ký tên Tạ Tỵ. Ông Chương nói tranh này là do ông vẽ. - Ảnh: HỮU KHOA

Riêng bức Trừu tượng, con gái họa sĩ Tạ Tỵ cho biết ông chỉ ký ở góc phải, không bao giờ ký ở góc trái như bức tranh ở triển lãm. Tôi thấy đó cũng là chi tiết rất hay”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng tỏ ra bức xúc đối với ông J.F.Hubert - người đã bán “bộ sưu tập” cho ông Vũ Xuân Chung:

“Chúng ta phải tìm hiểu trở lại nhân vật này. Chúng ta cần phải chủ động đặt câu hỏi rằng liệu có phải họ đã chủ động làm giả hay không? Chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi đó. Bởi vì họ được cho là chuyên gia của Hãng đấu giá Christie’s, bán những bức tranh có chữ ký xác nhận tranh thật... thì họ phải trả lời câu hỏi đó!".

Nói về bức tranh Trừu tượng của Thành Chương bị ký tên Tạ Tỵ, điêu khắc gia Phan Gia Hương chia sẻ:

“Chúng tôi biết đến bức tranh của Thành Chương từ rất lâu rồi, từ cái thời cả bọn hay tụ họp ở nhà Chương ăn uống và nói chuyện về tranh. Tôi rất bất ngờ khi có chuyện tranh giả rành rành được trưng bày một cách công khai như vậy”. 

M.TR. gh

Nhà phê bình Nguyễn Quân cũng chia sẻ ý kiến đó của họa sĩ Lương Xuân Đoàn:

“Tôi cũng có ý kiến đề nghị với Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là cần có thư gửi cho nhà đấu giá nước ngoài.

Họ phải cẩn thận vì những chuyên gia nước ngoài về mỹ thuật Việt Nam lại đưa tranh giả vào Việt Nam. Trường hợp này xảy ra tôi thấy rằng trách nhiệm của những người làm quản lý mỹ thuật cần nâng cao hơn nữa...!”.

Với những nhận xét về tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhà báo Nguyễn Trọng Chức cho biết hội đồng đề nghị cần tạm giữ số tranh triển lãm để phục vụ điều tra. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, họa sĩ Uyên Huy - chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - nói:

“Mỹ thuật Việt Nam đã mất uy tín quá nhiều rồi. Nếu sự việc này không làm cho sáng tỏ thì chúng ta sẽ càng mất nhiều hơn nữa. Họ sẽ tiếp tục làm giả, rồi đưa vào bảo tàng để hợp thức hóa. Nhưng vụ việc này rất cần sự vào cuộc của phía Nhà nước, vì nếu chỉ giới họa sĩ chúng tôi thì không đủ sức”.

Cũng trong ngày 19-7, báo The New York Times đã cử phóng viên Richard C. Paddock và phóng viên ảnh Quinn Mattingly đến TP.HCM gặp họa sĩ Thành Chương để tìm hiểu vụ việc liên quan đến bức tranh của ông được ký tên Tạ Tỵ, và cho biết tờ nhật báo lớn nhất nước Mỹ rất quan tâm đến những bức tranh khác trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” được dư luận báo chí trong nước nghi ngờ là tranh giả.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên