15/07/2016 11:43 GMT+7

Thành Chương nói tranh Tạ Tỵ là tranh của mình

DIÊN VỸ
DIÊN VỸ

TTO - Họa sĩ Thành Chương nói ông... dựng tóc gáy, không thể tưởng tượng nổi khi thấy bức tranh của mình được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với chữ ký tác giả là Tạ Tỵ.

Bức Trừu tượng được xóa tên Thành Chương, ký tên Tạ Tỵ - Ảnh: HỮU KHOA
Bức Trừu tượng ký tên Tạ Tỵ đang được trưng bày tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu - Ảnh: HỮU KHOA

Sáng 14-7, khi đến xem triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu trong sưu tập của ông Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Thành Chương hết sức kinh ngạc khi đứng trước bức tranh sơn dầu có tên Trừu tượng, khổ 47 x 56cm, với chữ ký “Tạ Tỵ 52” ở góc trái.

Bởi theo họa sĩ Thành Chương, đó chính là tranh do ông vẽ vào khoảng năm 1970 - 1971, thể hiện chân dung một người bạn thân của ông - nữ họa sĩ Kim Anh, hiện đang sống tại TP.HCM - bằng ngôn ngữ hội họa lập thể.

Cũng theo Thành Chương, bức chân dung này sau đó có thể được bán tại một cửa hàng mỹ thuật của Xunhasaba tại Hà Nội.

Họa sĩ Thành Chương nói: “Khi thấy bức tranh của mình tôi đã... dựng tóc gáy, không thể tưởng tượng nổi bằng con đường nào để rồi cuối cùng nó được trưng bày ở phòng tranh này với chữ ký tác giả là Tạ Tỵ, lại được vẽ từ năm 1952!”.

"Tôi khẳng định bức tranh Trừu tượng (ký Tạ Tỵ 52) trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là của tôi. Họa sĩ Thành Chương chính là tác giả bức tranh đó. Tôi vẽ bức tranh đó vào khoảng năm 1970-1971".

Ngay sau đó, ông yêu cầu được gặp giới chức có trách nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với mong muốn được làm cho ra lẽ, vì sao có một sự đổi trắng thay đen kinh khủng như thế.

Đã có một cuộc làm việc giữa họa sĩ Thành Chương với bảo tàng, theo đó, ngoài việc ghi hình, ghi phát biểu của ông, có một biên bản được lập với chữ ký của họa sĩ Thành Chương, khẳng định ông chính là tác giả thật sự của bức tranh được cho là của Tạ Tỵ và được đặt tên là Trừu tượng.

*** Error ***
Họa sĩ Thành Chương với tờ chứng nhận về chuyên môn đối với bức tranh được cho là của Tạ Tỵ - Ảnh: DIÊN VỸ

Họa sĩ Thành Chương còn cho biết cụ thể ông vẽ chân dung người bạn gái với ảnh hưởng của Cézanne về màu sắc và Georges Braque về ngôn ngữ tạo hình lập thể. Do đó là một nữ họa sĩ nên phía sau có hình ảnh giá vẽ và tấm toan hẳn hoi (xem tranh).

Còn tờ giấy chứng nhận về chuyên môn với chữ ký của ông Jean François Hubert đối với bức tranh được cho là của Tạ Tỵ, thật ra không có giá trị về mặt pháp lý mà chỉ là chứng nhận của cá nhân ông, dưới danh nghĩa “tư vấn cấp cao” của Hãng đấu giá Christie’s tại Hong Kong.

Theo một nguồn tin có thẩm quyền từ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu sẽ tiếp tục mở cửa đến ngày 21-7, sau đó dự kiến tổ chức một cuộc họp báo với sự tham dự của các chuyên gia mỹ thuật và các họa sĩ có uy tín xung quanh các nghi vấn liên quan đến phòng tranh, được nêu trên các phương tiện truyền thông đại chúng những ngày qua.

Chiều 14-7, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - cho biết cục đã yêu cầu bảo tàng phải lập hội đồng giám định tranh để sớm trả lời công luận.

DIÊN VỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên