22/05/2016 11:52 GMT+7

Rùng mình về sự tàn phá cá và đại dương

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Planet ocean cảnh báo về sự tàn phá của con người với đại dương, vốn bao phủ ¾ trái đất. Hàng ngàn tàu đánh cá đang quét sạch đại dương. Phần lớn cá to đều bị đánh bắt đến tuyệt chủng vì chúng không đủ thời gian để sinh sản.

Cảnh trong Planet ocean

Mất hơn sáu năm thực hiện rất công phu với bối cảnh trải dài khắp thế giới, nhưng ba bộ phim của Yann Arthus-Bertrand đều được phát hành miễn phí trên Internet bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, với hàng chục triệu lượt người xem toàn cầu.

Đó là ba bộ phim tài liệu Home (2009), Planet ocean (2012) và Human (2015) đều của đạo diễn, nhà môi trường học người Pháp Yann Arthus-Bertrand. 

“Làm sao thế kỷ này có thể gánh nổi 9 tỉ con người nếu chúng ta không chịu trách nhiệm cho tất cả những gì chúng ta đã làm?

Phim Planet ocean

Câu nói nổi tiếng của ông: “Những lợi ích của các bộ phim này không được tính bằng đôla mà bằng số lượng khán giả xem chúng” chính là bởi thông điệp mạnh mẽ của Yann - thông qua các bộ phim về sự tàn phá môi trường trái đất và câu chuyện về những con người phải đối mặt với những vấn nạn do chính mình gây ra, đã truyền đến đông đảo người xem những lời cảnh báo nóng bỏng và chưa bao giờ cũ.

Phim Planet ocean

Planet ocean cảnh báo về sự tàn phá của con người với đại dương, vốn bao phủ ¾ trái đất. Hàng ngàn tàu đánh cá đang quét sạch đại dương. Phần lớn cá to đều bị đánh bắt đến tuyệt chủng vì chúng không đủ thời gian để sinh sản. 

Với tốc độ đánh bắt cá hiện nay, tất cả các nguồn cá đều đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Hãy tưởng tượng đến một ngày những con tàu cá bỏ hoang trên bờ vì biển không còn cá - cả hai bộ phim đều đưa ra dự báo đáng lo sợ này. Và không chỉ cá, dự báo đến năm 2050 có ¼ các loài trên trái đất có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. 

“Con người vẫn chưa hiểu được rằng họ đang rút kiệt những gì thiên nhiên ban tặng và họ phải trả giá cho những gì mình đang làm. Con người chưa bao giờ phải sống trong một bầu khí quyển như hiện nay!”. 

Sau lời cảnh báo, bộ phim đưa ra một câu hỏi đầy thách đố: “Làm sao thế kỷ này có thể gánh nổi 9 tỉ con người nếu chúng ta không chịu trách nhiệm cho tất cả những gì chúng ta đã làm?”.

Thiên nhiên tuyệt đẹp trong Planet ocean có nguy cơ bị tàn phá vĩnh viễn

Thông điệp từ những con số gây sốc

Home có lẽ là bộ phim trực diện nhất về môi trường toàn cầu với bối cảnh khổng lồ trải dài trên 50 nước của khắp năm châu.

Mất 18 tháng để thực hiện, đạo diễn Yann cùng một nhà quay phim, một viên phi công cùng vài người hỗ trợ kỹ thuật đã bay trên một chiếc trực thăng nhỏ, ghi hình từ trên cao của hơn 50 quốc gia khác nhau.

Những hình ảnh từ trên cao bao giờ cũng lộng lẫy, cho thấy sự đa dạng của cuộc sống trên trái đất này. Nhưng tất nhiên ống kính của Yann còn tiến lại gần mặt đất, qua những góc máy cận cảnh để người xem chứng kiến con người đang đe dọa sự mất cân bằng sinh thái của trái đất như thế nào bằng các hành động của họ.

Những hình ảnh tuyệt đẹp từ góc nhìn đầy duy mỹ của Yann thực chất chứa đựng bên trong rất nhiều thông điệp.

Điều đó một phần được thể hiện qua lời bình (giọng đọc trong bản tiếng Anh được ngôi sao điện ảnh từng sáu lần được đề cử Oscar Glenn Close thể hiện) với những thông tin có thể gây sốc cho người xem.

Một cảnh hồ bơi đầy người ở Thâm Quyến, Trung Quốc trong phim Human
Một cảnh hồ bơi đầy người ở Thâm Quyến, Trung Quốc trong phim Human

Sự sống nối tiếp nhau qua sự tồn tại của trái đất trên 4 tỉ năm. Con người hiện đại được cho là xuất hiện cách đây 200.000 năm, nhưng sự tàn phá của con người lên môi trường trái đất chỉ thật sự đáng cảnh báo trong chưa đầy một thế kỷ qua do sự gia tăng dân số quá nhanh.

Sự phát triển ngày càng nhanh chóng của các quốc gia khiến cơn khát năng lượng cũng tăng nhanh hơn bao giờ hết. Chỉ trong vòng vài thập niên qua, các nhà máy công nghiệp và sự tiêu thụ năng lượng của con người đã thải ra một lượng khí carbon khổng lồ làm đảo lộn sự cân bằng của khí hậu trái đất.

Dưới sự nóng lên của trái đất khắp toàn cầu, chỏm băng ở Bắc cực đã mỏng đi 40% trong vòng 40 năm qua và có thể biến mất trước năm 2030.

Tình yêu là phải đau đớn

Human là một “công trình” bằng điện ảnh tài liệu tiếp theo của Yann Arthus-Bertrand. Với bộ phim này, ông không chỉ là một đạo diễn, nhà môi trường học mà còn là một nhà nhân chủng học.

Bộ phim được sản xuất trong vòng ba năm, vừa kết hợp quay từ trên trực thăng như Home, vừa là 2.000 cuộc phỏng vấn được ghi hình với 2.000 người ở 60 quốc gia khắp thế giới. Mỗi người được phỏng vấn cùng một bảng câu hỏi 40 câu giống nhau với máy quay đặt cố định, không tiết lộ thông tin chi tiết về danh tính cũng như địa phương của họ.

Bởi đơn giản, Yann muốn lắng nghe những câu chuyện về con người và nỗi đau của con người trên trái đất này. Hầu hết các nhà phê bình đều công nhận bộ phim có quy mô chưa từng có, đặt ra những vấn đề thiết thực của mỗi con người trên khắp trái đất này như gia đình, tôn giáo, bạo lực, sự thất bại, tình dục đồng giới, chiến tranh và nạn nghèo đói.

Trong một cuộc phỏng vấn, một người đàn ông da màu chia sẻ về nỗi đau phải hứng chịu bạo lực từ bé: “Cha dượng tôi thường đánh tôi bằng dây diện, móc quần áo, thanh gỗ và bất cứ thứ gì ông tìm được. Sau khi đánh ông thường nói: tao đau còn nhiều hơn mày. Tao làm vậy vì tao thương mày.

Chuyện đó đã truyền đạt cho tôi một thông điệp sai lệch về tình yêu. Vì vậy trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng tình yêu là phải đau đớn. Tôi đã làm tổn thương tất cả những người yêu thương mình. Và tôi đo tình yêu bằng mức độ tổn thương mà một người phải chịu đựng từ mình.

Tận cho đến khi tôi vào tù, một môi trường hoàn toàn không có tình yêu, tôi mới bắt đầu có được một ít ý niệm về chuyện tình yêu thật sự là gì và không là gì”.

Cựu tổng thống Uruguay José Mujica, người vào tù vì tội tham nhũng, cũng rút ra bài học sau 10 năm tù trong phòng giam biệt lập.

“Hoặc là bạn hạnh phúc với rất ít bởi chúng không trở thành gánh nặng cho bản thân và bạn có hạnh phúc từ bên trong, hoặc bạn sẽ không đi về đâu cả.

Tôi không biện hộ cho sự nghèo túng, tôi biện hộ cho sự điều độ. Nhưng chúng ta đang sống trong xã hội tiêu dùng luôn tìm kiếm sự phát triển. Nếu không phát triển, nó sẽ trở thành thảm họa. Chúng ta đã phát minh một ngọn núi của những nhu cầu thừa thãi”.

Hàng chục câu chuyện đầy xúc động được chuyển tải trong phim mang đến cho người xem sự rung cảm vì chúng chạm được vào cảm xúc riêng tư của mỗi người.

Yann Arthus-Bertrand kết lại bộ phim của mình với một thông điệp hướng tới tương lai: “Đã đến lúc để xích lại gần nhau. Điều quan trọng là không phải những gì đã mất mà là những gì còn lại. Chúng ta biết rằng các giải pháp ở ngay trước mặt và chúng ta có sức mạnh để thay đổi”.
LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên