29/04/2016 11:54 GMT+7

Các hãng phim nhà nước cổ phần hóa ra sao?

C.KHUÊ ghi
C.KHUÊ ghi

TTO - Đại diện các Công ty CP phim Giải Phóng, Công ty CP Phim truyện 1, Công ty TNHH MTV Hãng Phim hoạt hình VN thông tin về hoạt động cổ phần hóa.

Phim Mỹ nhân - một bộ phim được sản xuất năm 2015 của ông ty CP phim Giải Phóng.

*Bán rẻ Hãng Phim truyện VN?

* Ông Nguyễn Tiến Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP phim Giải Phóng): 

Công ty CP phim Giải Phóng với 61 CB-CNV đang tiếp tục tiến hành cổ phần hóa theo quy định của Nhà nước. Năm 2014 chúng tôi đã thực hiện cổ phần nhưng do giá trị doanh nghiệp thời điểm đó được đánh giá quá cao (trên 200 tỷ đồng) nên việc cổ phần hóa chưa hoàn thành vì chưa mời được cổ đông chiến lược.

Hiện tại mới chỉ có chưa đến 1% giá trị cổ phần được bán cho CB - CNV. Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện lần thứ hai công việc này. Chúng tôi cũng sẽ tìm cổ đông chiến lược để bán theo quy định nhà nước là tối thiểu 65%. 

Phim Giải Phóng chủ yếu thực hiện việc làm phim theo đặt hàng của nhà nước nên chúng tôi không có con số báo lỗ… 

Mục đích cổ phần hóa phải đi cùng mục đích phát triển điện ảnh. Đối với một hãng phim nhà nước có lịch sử lâu đời với thương hiệu lớn, việc tìm đối tác chiến lược phải cân nhắc yếu tố đó. Bất kỳ đơn vị nào muốn trở thành cổ đông chiến lược thì chúng tôi sẽ cân nhắc, nhưng bán hay không bán lại phụ thuộc đơn vị chủ quản của chúng tôi là Bộ VH-TT&DL.

*  Ông Trần Như Hưng (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP Phim truyện 1):

Công ty CP Phim truyện 1 đã thực hiện việc cổ phần tương tự như Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện VN từ cuối năm 2010, chúng tôi không có lợi thế gì nên không có được cổ đông chiến lược khi cổ phần.

Sau hơn 5 năm cổ phần hóa, chúng tôi vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất phim. Tôi cho rằng sự chuyển đổi Hãng Phim truyện VN thành công ty cổ phần là xu thế tất yếu, còn tương lai như thế nào phải chờ phụ thuộc vào tâm hướng của nhà đầu tư chiến lược và anh chị em văn nghệ sĩ đang còn ở lại công ty.

Nhưng trong tình hình hiện nay, để giữ được các thiết chế văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có nền điện ảnh cách mạng truyền thống, nhà nước cần có chủ trương, chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù của ngành điện ảnh và cụ thể là các hãng phim sau cổ phần hóa. 

* Bà Lương Thị Minh Phương (tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng Phim hoạt hình VN):

Công ty TNHH MTV Hãng Phim hoạt hình VN đang trong quá trình thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Nhà nước, do đặc thù là đơn vị công ích sản xuất phim hoạt hình phục vụ nhiệm vụ định hướng giáo dục sự hình thành nhân cách cho trẻ em nên Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối là 51%; còn lại 49%, trong đó 2,03% bán cho CB-CNV của hãng, 10,97% rao bán rộng rãi và 36% bán cho cổ đông chiến lược. Ngày 27-4, chúng tôi đã tổ chức bán đấu giá 10,97% này và đã bán hết 100%.

Về nhà đầu tư chiến lược: các yêu cầu của chúng tôi về cổ đông chiến lược phải đáp ứng một số điểm, trong đó phải cam kết tiếp tục duy trì, đẩy mạnh thực hiện hoạt động sản xuất, phát hành phim hoạt hình, đảm bảo kế hoạch sản xuất phim hoạt hình tối thiểu 100 phút nội dung phim/năm...

Có lẽ chính vì những yêu cầu khắt khe đối với một nhà làm kinh tế đơn thuần nên mới chỉ có một nhà đầu tư đăng ký nhưng hồ sơ của họ lại không đủ tiêu chuẩn, vì thế hiện nay chúng tôi vẫn chưa có cổ đông chiến lược.

C.KHUÊ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên