12/04/2016 08:49 GMT+7

Phát hiện khảo cổ An Khê: niềm tự hào Đông Nam Á

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - “Những phát hiện khảo cổ học tại An Khê (tỉnh Gia Lai) thật sự đem lại niềm vui lớn cho giới khảo cổ học VN. Những phát hiện này có ý nghĩa bản lề trong việc nhận thức sự tồn tại của một thời đại đồ đá cũ ở Đông Nam Á.

Những hiện vật tìm thấy tại khu di tích An Khê được trưng bày ở buổi họp báo - Ảnh: V.V.Tuân
Những hiện vật tìm thấy tại khu di tích An Khê được trưng bày ở buổi họp báo - Ảnh: V.V.Tuân

Việc phát hiện khảo cổ học tại An Khê không chỉ có ý nghĩa trong một quốc gia nữa, mà đó là niềm tự hào của cả khu vực Đông Nam Á. Việc phát hiện một nhóm các di tích sơ kỳ đồ đá cũ có một tầng văn hóa ổn định là cơ sở để chúng tôi tin rằng gần 1 triệu năm về trước, loài người có mặt ở khu vực Đông Nam Á, trên lãnh thổ VN ngày nay” - những lời xúc động của PGS.TS Nguyễn Giang Hải, viện trưởng Viện Khảo cổ học, như nói thay cảm xúc của nhiều nhà khoa học tham dự buổi họp báo thông báo kết quả ban đầu về phát hiện di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại đồ đá cũ ở VN, do Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức ngày 11-4 tại Hà Nội.

Ông cũng nói thêm Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN sẽ kiến nghị Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Bộ VH-TT&DL xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ đồ đá cũ ở An Khê là di tích quốc gia đặc biệt.

“Các di tích ở An Khê cần phải được bảo vệ bằng mọi giá vì đây là di sản của loài người, chứ không chỉ đơn thuần là di sản của một quốc gia” - ông Hải khẳng định.

TS Nguyễn Gia Đối - phó viện trưởng Viện Khảo cổ học - sau khi nêu những phát hiện khảo cổ học tại di tích An Khê (Tuổi Trẻ ngày 2-4) nhấn mạnh:

“Các phát hiện di tích sơ kỳ đồ đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây trên dưới 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ VN.

Phát hiện này bổ sung vào bản đồ thế giới sự xuất hiện và tiến hóa của loài người, trong đó có VN. Phát hiện này cũng bác bỏ một số quan niệm của một số học giả phương Tây trước đây cho rằng chỉ có phương Tây mới có rìu tay, còn phương Đông thì rìu đá thô (chopper).

Những phát hiện khảo cổ học ở An Khê, VN góp phần minh chứng rằng không có sự đối lập một cách tuyệt đối trong văn hóa kỹ nghệ đá giữa phương Tây và phương Đông”.

Ông cũng cho biết trong năm nay hoặc đầu năm sau, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN dự định tổ chức hội nghị quốc tế về các di tích khảo cổ học An Khê, với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu về thời đồ đá cũ hàng đầu thế giới.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên