06/04/2016 09:06 GMT+7

Chung tay với Kết nối yêu thương 3 Nước cho vùng hạn, mặn

MẬU TRƯỜNG (mautruong@tuoitre.com.vn)
MẬU TRƯỜNG (mautruong@tuoitre.com.vn)

TTO - Mời bạn chung tay tham gia chương trình Kết nối yêu thương 3 - Nước cho vùng hạn, mặn với các nội dung quyên góp, ủng hộ đồng bào bị hạn và mặn ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình nghệ thuật Nước cho vùng hạn mặn diễn ra vào 18g ngày 8-4 tại sân khấu Sen Hồng, công viên 23-9 (Q.1, TP.HCM).

“Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”, câu ca dao ngàn đời nói lên sự vất vả của người nông dân khi làm ra hạt thóc. Với người nông dân Bến Tre trong mùa hạn mặn 2016, sự nhọc nhằn, những giọt mồ hôi, thậm chí là cả nước mắt đã đổ ra nhưng cũng không thể thu về hạt thóc vàng. Nhiều nông dân đã “gục ngã” trên mảnh đất ngàn đời của cha ông để lại.

Những ngày đầu tháng 4 nắng gay gắt, khắp các cánh đồng trên huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cây cối nhuốm màu vàng vọt, rũ rượi. Nông dân lòng dạ cũng héo hắt, không buồn nói chuyện với khách lạ. 

“Từ đầu năm đến giờ, bao nhiêu đoàn công tác đến đây rồi đi, không một lời hứa hẹn. Còn chúng tôi ngày đêm như ngồi trên đống lửa, chỉ biết chờ trời mưa” - một nông dân xã An Hiệp rầu rĩ nói khi gặp chúng tôi.

Ông Hồ Hữu Dương, ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, bên ruộng lúa nhiễm mặn của mình - 
 Ảnh: Mậu Trường
Ông Hồ Hữu Dương, ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, bên ruộng lúa nhiễm mặn của mình - Ảnh: Mậu Trường

Lúa mất trắng, bò thiếu rơm, cá mắm cũng không còn

Gặp lại ông Hồ Hữu Dương (ngụ ấp 7, xã An Hiệp) trong những ngày tháng 4-2016, ông cho biết sau hơn một tháng nỗ lực cứu lúa, với 25.000m2 ruộng gieo sạ, giờ còn lại đúng 2 công (2.000m2). “2 công được dưỡng với chế độ đặc biệt, chi phí phân, nước, tính ra nếu năng suất đạt thì cũng huề vốn, đằng này...”.

Bỏ lửng câu nói, ông Dương cầm bông lúa thẳng đứng, cháy nắng lên cho chúng tôi xem, bông lúa chỉ lưa thưa vài hạt chắc, phần lớn còn lại là hạt lép. Với 2 công lúa còn lại, ông Dương cho biết chỉ thuê máy tuốt tới để làm rơm mềm ra cho bò ăn chứ không lấy hạt được. Coi như 25 công lúa bị mất trắng.

Vụ lúa bị mất trắng, gia đình ông Dương bị tổn thất gần 100 triệu đồng. Ngoài ra còn dẫn đến hệ lụy khác là ảnh hưởng tới đàn bò 17 con của ông vì không có rơm ăn. Ông Dương cho biết đã bán rẻ ba con, mỗi con mất gần 10 triệu đồng để lấy tiền chống chọi với tình hình hạn mặn hiện nay như mua lúa giống, mua nước ngọt, mua rơm cho những con bò còn lại để cầm cự qua mùa hạn mặn.

Những gia đình mướn ruộng để trồng lúa như nhà bà Lê Thị Tuyết Phượng (43 tuổi, ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri) năm nay rơi vào cảnh nợ nần ngập đầu. Bà Phượng cho biết gia đình có 3 công ruộng, những năm trước làm thấy có lãi nên hai vợ chồng ráng vay mượn để làm thêm.

Vụ đông xuân 2015 - 2016, gia đình bà Phượng mướn thêm 33 công ruộng, tổng cộng 36 công để trồng lúa. “Vừa sạ được một thời gian thì hay tin nước mặn tràn vào ruộng, hai vợ chồng tôi suy sụp luôn. Nhìn những cây lúa cứ héo hắt rồi chết lụi dần mà tôi như chết điếng. Chắt bóp bao nhiêu năm, năm nay bung vốn ra, vay mượn thêm để làm ăn nhưng ông trời không thương...” - bà Phượng nức nở nói.

36 công ruộng của nhà bà Phượng hiện nay đã bị mất trắng, tổng thiệt hại tính nhẩm khoảng 150 triệu đồng. Trong khi tiền nợ mướn ruộng chưa trả hết thì tiền nợ lúa giống, phân bón cũng tới kỳ phải trả nhưng trong nhà không còn đồng nào, gạo ăn còn phải chạy từng bữa.

Buổi trưa tranh thủ chút thời gian rảnh, ông Phan Văn Tạc, chồng bà Phượng, cầm tay lưới ra mương nước trước nhà để lưới cá cho bữa cơm chiều.

Từ ngày lúa bị mất trắng, gia đình ông hầu như không biết đến những món ăn thường ngày mua ở chợ như thịt, cá biển. Nhưng do mương nước nhiễm mặn, cá mắm cũng đi nên chỉ được vài ba con cá nhỏ.

Theo ông Tạc, hiện giờ nguồn sống duy nhất của gia đình là dựa vào đàn bò gần 10 con nhưng khó khăn chồng chất bởi nguồn nước uống cho bò cũng đã bị nhiễm mặn. “Có lúc thấy bò uống nước mặn bị tiêu chảy mà lo, lỡ có chuyện gì thì xem như trắng tay luôn” - ông Tạc lo lắng nói.

Chị Lê Thị Dung (35 tuổi, ngụ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) không còn ai thuê làm mướn bởi hạn mặn xâm nhập, ai cũng khó khăn - Ảnh: Mậu Trường
Chị Lê Thị Dung (35 tuổi, ngụ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) không còn ai thuê làm mướn bởi hạn mặn xâm nhập, ai cũng khó khăn - Ảnh: Mậu Trường

 

Chạy ăn từng bữa

Hạn mặn, mất mùa, không những ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất mà cuộc sống của những người làm công cũng bấp bênh hơn bao giờ hết.

Trong căn nhà tình thương do bà nội để lại, chị Dung đang cố gắng dỗ đứa con út ngủ dưới cái nóng hầm hập. Khi đứa con út đã ngủ, chị Dung với tay lấy mấy con khô chiên giòn rồi xúc những bát gạo cuối cùng trong thùng để nấu cơm chiều.

“Độ này không ai mướn, gạo chỉ còn lại được khoảng ba ngày nữa rồi cũng hết. Sáu miệng ăn rồi không biết tính sao” - chị Dung nói.

Hai vợ chồng nhà chị Dung đều làm mướn. Ai mướn gì làm nấy. Mỗi ngày công được 100.000 - 200.000 đồng, tạm đủ sống qua ngày. Nhưng từ tết tới nay rất ít người mướn do hạn, mặn không ai sản xuất nên cuộc sống vợ chồng cùng bốn đứa con cũng vì đó mà lây lất, sống nhờ vào lòng thương của hàng xóm.

“Mình sức dài vai rộng làm gì cũng được miễn công việc lương thiện và có tiền. Nhưng ngặt nỗi nhà không có đất, việc ít người nhiều, không ai mướn nên phải sống nhờ gạo chùa và nhà hảo tâm, thức ăn từ lòng thương của bà con lối xóm” - chị Dung rớm nước mắt nói.

Đứa con lớn của gia đình chị Dung mới 15 tuổi nhưng đã nghỉ học từ lớp 7 và có nhiều năm làm mướn kiếm tiền. Hỏi lý do sao không cho con tiếp tục học, chị cúi gằm mặt tủi thân nói: “Nó thuộc diện hộ nghèo, học thì được miễn học phí nhưng mọi thứ còn lại mình phải tự lo nên cho nghỉ”.

Bốn đứa con, ngoại trừ đứa nhỏ nhất gần 3 tuổi, còn lại đã đến tuổi đến trường nhưng không có đứa nào còn đi học.

Trong câu chuyện nửa đùa nửa thật với chúng tôi, người hàng xóm của chị Dung nhắc nhiều đến chuyện cho bớt một đứa con. Chị Dung chỉ im lặng, còn đứa con gái út gần 3 tuổi cứ ngặt nghẹo đòi ở với mẹ.

Mỗi tin nhắn ủng hộ 1m3 nước

Những ngày qua, thông tin về Tây nguyên, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện hạn hán và nhiễm mặn khốc liệt được truyền tải liên tục làm lay động lòng người.

Không ai có thể cầm lòng trước hình ảnh người dân miền Tây vốn là vùng sông nước lại phải vét từng giọt nước ngọt, hàng ngàn ruộng lúa, ao cá, đìa tôm, vườn cây ăn trái héo khô trong nhiễm mặn.

Cuộc sống của người nông dân vùng đồng bằng đang lâm vào một sự đổi thay cùng cực, trắng tay. Trong khi đó, Tây nguyên và một số tỉnh miền Trung đang khát trong cơn hạn hán lịch sử kéo dài.

Nước mắt của biết bao người nông dân đã rơi trên ruộng nương nứt nẻ, gia súc gia cầm phơi trong nắng lửa...

Với tinh thần sẻ chia kịp thời với đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Tây nguyên, một số tỉnh ở miền Trung và bị nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Kết nối yêu thương 3 - Nước cho vùng hạn, mặn, gồm các nội dung: tổ chức đêm nhạc quyên góp, ủng hộ đồng bào bị hạn và mặn.

Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ cũng phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, VTC và Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức chiến dịch nhắn tin: Mỗi tin nhắn - Một hành động tiếp sức đồng bào vùng hạn, mặn. Chương trình sẽ bắt đầu từ 0g ngày 7-4 đến 24g ngày 5-6-2016 với cú pháp: NC và gửi đến 1407, ủng hộ 14.000 đồng (tương đương 1m3 nước) sẻ chia với đồng bào.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong quý bạn đọc cùng đồng hành góp thêm giọt nước nghĩa tình gửi đến đồng bào trong cơn hạn hán và nhiễm mặn. Quà tặng có thể là tiền mặt, gạo, mì gói, đường, sữa, con giống; trang thiết bị chống hạn mặn, thùng chứa nước sạch... Tất cả đều là sự sẻ chia vô cùng quý báu. Toàn bộ số tiền, hiện vật quyên góp được sẽ ủng hộ cho đồng bào vùng hạn và mặn có hoàn cảnh khó khăn.

Trân trọng.

TUỔI TRẺ

Đã có hơn 270 triệu đồng ủng hộ Nước cho vùng hạn, mặn

Ngay sau bài Kết nối yêu thương 3 - Nước cho vùng hạn, mặn đăng trên Tuổi Trẻ ngày 5-4, tập thể CBCNV và người lao động Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM đã ủng hộ 140 triệu đồng (tương đương 10.000m3 nước), CBNV Công ty Thiên Ngân (Galaxy) ủng hộ 120 triệu đồng (tương đương 10 tấn gạo) cho tỉnh Ninh Thuận, sinh viên khóa 6 Trường cao đẳng Phật học ủng hộ 11 triệu đồng...

Phương Mỹ Chi
Phương Mỹ Chi tham gia trình diễn trong đêm nhạc Kết nối yêu thương 3. -Ảnh tư liệu.

Bạn đọc có thể góp thêm những giọt nước nghĩa tình gửi đến đồng bào trong cơn hạn hán và nhiễm mặn qua chương trình Nước cho vùng hạn, mặn tại phòng tiếp bạn đọc (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cùng các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trên cả nước; hoặc chuyển khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM, nội dung: ủng hộ chương trình Nước cho vùng hạn, mặn.

Bạn đọc cũng có thể đóng góp trực tiếp tại đêm nhạc Kết nối yêu thương 3 diễn ra từ 18g đến 22g30 ngày 8-4 tại sân khấu Sen Hồng, công viên 23-9, Q.1, TP.HCM.

T.O.

MẬU TRƯỜNG (mautruong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên