1 Lâu nay chứng kiến không ít lễ hội ở Tây nguyên, điều làm người ta dễ bị dị ứng nhất là sự hỗn tạp, nửa làng nửa phố trong trang phục, những nghi thức lễ hội truyền thống được tái hiện sống sượng và có phần khiên cưỡng, không giống với những gì có thật vốn nằm sẵn trong đời sống người dân các dân tộc.
Thế nhưng chứng kiến những hình ảnh tại Kon Tum, nhiều người đã phải ngỡ ngàng: hóa ra nghệ thuật nguyên bản của Tây nguyên vẫn chưa mất đi, mà chỉ chưa có người biết khơi dậy “mỏ vàng” đó ra cho công chúng.
Không chọn cách tiếp cận với công chúng bằng những hình ảnh rực rỡ, đại cảnh hoành tráng, Sở VH-TT&DL Kon Tum đã chọn cách bài trí lễ hội, tạo dựng những hình ảnh đặc trưng mang hơi hướng của cộng đồng các buôn làng Xê Đăng, Ba Na suốt những ngày diễn ra liên hoan.
Đi dọc trên các tuyến phố của TP Kon Tum từ những ngày đầu tháng 3, hình ảnh những panô, apphich giới thiệu về Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian Tây nguyên được bài trí bằng những bông hoa cà phê, lá rừng dễ gây chú ý.
Hình ảnh người con gái Ba Na cam chịu, kết trên đầu đóa hoa rừng, mang sau lưng gùi nước đi về làng là hình ảnh thường ngày, có thể bắt gặp ở bất kỳ ngôi làng Ba Na, Xê Đăng ở rẻo cao nhưng để lại một ấn tượng lớn, làm người ta dễ có cảm giác nhớ da diết khi trở về từ ngôi làng ấy.
Bà Phạm Thị Trung - giám đốc Sở VH-TT&DL Kon Tum - là người con sinh ra từ làng, thuộc dân tộc Giẻ Triêng, một nhánh của cộng đồng người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh huyền thoại. Bà chính là Y Trung - cô giáo vùng cao trong bút ký Sáu linh hồn của người Xteng của nhà văn Nguyên Ngọc.
Khi được giao nhiệm vụ tái hiện một lễ hội đặc trưng của Tây nguyên, bà Trung nói rằng nguyện vọng tha thiết của bà là “làm sao bê được hình ảnh cái làng bằng xương bằng thịt của Tây nguyên về tới TP để mọi người thấy “cái làng” đó sinh động, thân thương và đáng yêu đến thế nào”.
2 Trong đêm khai mạc liên hoan vào chiều 20-3, các đoàn nghệ thuật của các dân tộc Tây nguyên đã có một cuộc “xuống đường” đầy màu sắc, mang nhiều nét hoang sơ, kỳ bí của núi rừng để trình diễn cho du khách.
Nhiều người chứng kiến hàng trăm lễ hội của Tây nguyên, nhưng khi được tận mắt xem đoàn nghệ nhân “pram” nhí mang trên mình bộ trang phục bằng vỏ cây, đầu đội những hình nhân, mặt nạ kỳ dị thì phải thốt lên: “Đẹp và Tây nguyên quá!”.
Những hình ảnh đầy sắc màu, lạ lẫm của các dân tộc Tây nguyên được công diễn trên các trục đường phố tại Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian Tây nguyên - Ảnh: B.D. |
Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc Tây nguyên có sự góp mặt của 15 đoàn nghệ nhân các dân tộc năm tỉnh Tây nguyên. Có hàng chục hoạt động chính được tổ chức như tạc tượng gỗ, trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, lễ hội đường phố, thi các trò chơi dân gian...
Các hoạt động này đã có ở nhiều lễ hội của Tây nguyên, nhưng cách chọn nghệ nhân, cách bài trí và bố trí hoạt động nhà tổ chức khiến nhiều người tham dự thật sự thích thú.
Không rầm rộ, hào nhoáng mà lặng lẽ, thâm trầm, mang nét hoang dã, thần bí vốn có của Tây nguyên.
Đặc biệt, lần đầu tiên trò chơi “leo cột mỡ” - trò chơi của người M’nông từng được viết trong cuốn sách Chúng tôi ăn rừng của nhà văn Pháp Codominas - được phục dựng và trình diễn tại một lễ hội của người Tây nguyên.
Liên hoan dù chỉ là một lễ hội cấp tỉnh, không mấy được quảng bá rầm rộ nhưng là một đợt trình diễn đẹp của văn hóa Tây nguyên nguyên bản.
Những hình ảnh đầy sắc màu, lạ lẫm của các dân tộc Tây nguyên được công diễn trên các trục đường phố tại Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian Tây nguyên - Ảnh: B.D. |
“Người dân cảm nhận được dân tộc mình ở trong đó” Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ - trưởng phòng di sản Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai, Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian Tây nguyên là một trong ít lễ hội mà người dân Tây nguyên cảm thấy thật sự Tây nguyên gần gũi, mộc mạc. “Xem tất cả hoạt động, mọi người dễ cảm nhận đơn vị tổ chức đã có hiểu biết về văn hóa bản địa và thật sự tâm huyết với những gì mình sẽ trình diễn. Quan trọng hơn, nghệ nhân, người Tây nguyên tham gia đều nói rằng họ thấy hình ảnh của dân tộc mình, văn hóa buôn làng mình ở trong đó” - ông Tuệ nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận