20/03/2016 20:12 GMT+7

Câu chuyện hoà bình 3: Hào hùng và xúc động

V.V.TUÂN - TR.N.- Ảnh: NAM TRẦN
V.V.TUÂN - TR.N.- Ảnh: NAM TRẦN

TTO - Mặc dù 20g đêm 20-3 chương trình Câu chuyện hoà bình 3 chủ đề Ánh hòa bình tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội mới bắt đầu nhưng khán giả thủ đô có mặt từ sớm để đón xem chương trình.

Khép lại chương trình là tiết mục đồng ca Tình yêu hoà bình.
Khép lại chương trình là tiết mục đồng ca Tình yêu hoà bình. - Ảnh: Nam Trần

Tuổi Trẻ Việt Nam-Câu chuyện hòa bình là thương hiệu nghệ thuật cộng đồng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và báo Tuổi Trẻ sáng lập từ năm 2014, với sự cố vấn của ông Phạm Phú Ngọc Trai và Công ty Viet Vision sản xuất.

Đồng hành cùng chương trình Câu chuyện hòa bình số 3 là Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC, Công ty Thái Bình cùng các nhà tài trợ VietinBank, Yến Sào Khánh Hòa, Suntory Pepsico và Vietnam Airlines.

Câu chuyện hòa bình số 3-Ánh hòa bình được phát sóng lại vào 20g45 ngày 26-3 trên kênh VTV6 và 20g30 ngày 3-4 trên trên VTV9 Đài truyền hình Việt Nam.

Ca sĩ Tấn Minh với ca khúc Bài ca hy vọng
Ca sĩ Tấn Minh với ca khúc Bài ca hy vọng.

22g20: Kết thúc chương trình Câu chuyện hoà bình tại Hà Nội là ca khúc Tình yêu hoà bình do tất cả các nghệ sĩ tham gia chương trình cùng thể hiện. Bên dưới khán phòng khán giả cùng vỗ tay theo điệu nhạc.

Tiết mục Một thoáng quê hương

22g10: Tốp ca Phương Thanh, Đoan Trang, Phương Linh, Uyên Linh, Hoàng Quyên thể hiện ca khúc Một thoáng quê hương để tưởng nhớ nhạc sĩ Thanh Tùng vừa qua đời.

22g5: Bé Hồng Minh, quán quân The Voice Kids 2015 mặc áo dài bước ra sân khấu hát ca khúc Việt Nam trong tôi là (sáng tác Yến Lê) nhận được cổ vũ của khán giả.

Giọng ca nhí Hồng Minh.
Giọng ca nhí Hồng Minh với ca khúc Việt Nam trong tôi là.
MC Diễm Quỳnh giao lưu với ca sĩ Hà Anh Tuấn

22g: MC Diễm Quỳnh hỏi ca sĩ Hà Anh Tuấn: "Mục tiêu nào khiến Tuấn và nhiều người chung tay làm Câu chuyện hoà bình?".

Hà Anh Tuấn trả lời: "Ai trong chúng tôi đều muốn làm một điều gì đó. Chúng tôi luôn trăn trở: "Tuổi trẻ mình làm gì?".

"Chúng ta là những người trẻ biết yêu hòa bình", Hà Anh Tuấn chia sẻ.

Ca sĩ Tạ Quang Thắng trình diễn

21g50: MC Diễm Quỳnh nhắc lại cuộc hội thoại giữa một người cha gốc Việt với con trai tại lễ tưởng niệm các nạn nhân khủng bố sau vụ thảm sát ở Paris bên ngoài nhà hát Bataclan năm 2015 gây xúc động mạnh cho thế giới khi đó với câu nói: "Chúng nó có súng còn chúng ta có hoa".

Ca sĩ Hà Anh Tuấn thể hiện ca khúc Người. Trên sân khấu là những hình ảnh tư liệu về vụ thảm sát tại Pari, như để nhắc nhở mỗi người về ý nghĩa quan trọng của hoà bình.

Người xem không khỏi xúc động khi xem lại đoạn clip phỏng vấn hai cha con người Pháp gốc Việt. Khi cậu bé nói về nỗi sợ trước những tội ác của bọn khủng bố, thì người cha trấn an: "Chúng nó có súng nhưng chúng ta có hoa. Hoa là để chiến đấu với súng. Còn nến là để tưởng nhớ những người nằm xuống". Câu nói của người cha làm cậu bé thấy yên tâm. Còn người nghe vững tin hơn vào tình yêu thương của con người với con người sẽ chiến thắng tội ác.

Ca sĩ Ái Phương thể hiện bài hát Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

21g45: Ca sĩ Ái Phương thể hiện bài hát Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

21g35: MC Diễm Quỳnh giới thiệu bức ảnh nổi tiếng của PV ảnh Việt Nam Chu Chí Thành “Hai người lính”, về hai người lính ở hai miền Nam Bắc. Một người lính miền Bắc Việt Nam và người lính miền Nam Việt Nam cùng chụp chung tấm hình tại chiến trường Quảng Trị. Một buổi sáng, họ đã nói chuyện, hàn huyên với nhau. Họ không nghĩ bức ảnh chứa đựng thông điệp gì. Nhưng thời gian 40 năm sau, câu chuyện về hai người lính này được các PV Tuổi Trẻ đi tìm lại, trở thành câu chuyện xúc động, lay động lòng người về thông điệp hòa hợp dân tộc.

Khán phòng Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội chật kín khán giả.

Từ hàng ghế khán giả, ông Phạm Sanh Châu - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) chia sẻ: "UNESCO định nghĩa chiến tranh xuất phát từ tâm trí của con người. Bức ảnh này đối với tôi là sức mạnh của bản năng, khao khát được sống trong hoà bình, và hoà bình đó phải là hoà bình bền vững.

Một yếu tố quan trọng của hoà bình bền vững là phải có tính nhân văn và tinh thần hoà bình. Đó là thông điệp lớn và cũng là sự khao khát của tất cả chúng ta, bởi chúng ta ngày nay được chứng kiến nhiều sự bất ổn, chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Thế mới thấy, ở VN chúng ta thật là hạnh phúc".

MC Diễm Quỳnh giao lưu với nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu.

21g25: MC Diễm Quỳnh giới thiệu phần 4: Thuỷ điện Trị An. "Sau 1975, hai miền Nam Bắc thống nhất, bước vào giai đoạn kiến thiết đất nước, với những nỗ lực phi thường chúng ta xây dựng nên những công trình mang tầm vóc quốc gia.

Một trong những thành quả đáng ghi nhận đó chính là việc ra đời các nhà máy thủy điện với quy mô lớn đem ánh sáng đến với mọi nhà.

Để có được thứ ánh sáng “văn minh” ấy biết bao công sức đã đổ xuống. Âm thầm góp nhặt những nhọc nhằn, những giọt mồ hôi vất vả ấy nhạc sĩ Tôn Thất Lập viết nên ca khúc Trị An âm vang mùa xuân vào năm 1984.

Bài hát được đón nhận nhiệt tình và truyền thêm sức mạnh rất nhiều cho những người thực hiện công trình trong suốt hơn 7 năm dài".

Ca sĩ Phương Thanh thể hiện ca khúc Trị An âm vang mùa xuân do nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác bằng chất giọng khỏe và làm không khí khán phòng sôi động.

Mùa xuân làng lúa làng hoa do Đoan Trang thể hiện 

21g20: Ca sĩ Đoan Trang hát bài Mùa xuân làng lúa làng hoa

Ở sau cánh gà chờ đợi thể hiện ca khúc Trị An âm vang mùa xuân, ca sĩ Phương Thanh chia sẻ: “Đây là chương trình rất có ý nghĩa, rất hay ở chỗ là nhiều ca khúc truyền thống được các ca sĩ trẻ thể hiện với phong cách tươi mới. Lâu lắm rồi, tôi mới được gặp lại công chúng thủ đô. Hy vọng chương trình sẽ là cơ hội để tôi có được dịp biểu diễn phục vụ công chúng Hà Nội nhiều hơn”.

21g15: MC Diễm Quỳnh giới thiệu về cây lúa ma, từng được xuất hiện trong phóng sự của báo Tuổi trẻ trước đó. Tiếp đó, Trúc Nhân thể hiện ca khúc Hát về cây lúa hôm nay. 

Hát về cây lúa hôm nay do ca sĩ Trúc nhân thể hiện

Tiết mục mở màn chương trình Ánh hoà bình.
Ca sĩ Quốc Thiên thể hiện ca khúc Những ánh sao đêm
Ca sĩ Quốc Thiên thể hiện ca khúc Những ánh sao đêm

21g: MC Diễm Quỳnh giới thiệu cụm nội dung "Ánh sáng kiến thiết" với những ca khúc gắn bó với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau năm 1954.

Mở đầu là ca khúc Những ánh sao đêm do Quốc Thiên thể hiện.

20g50: Ca sĩ Tấn Minh thể hiện ca khúc Bài ca hy vọng. 

Ca khúc Hướng về Hà Nội do ca sĩ Uyên Linh thể hiện
Ca khúc Hướng về Hà Nội do ca sĩ Uyên Linh thể hiện

20g45: Màn hình phát phim tài liệu về lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 với những lời lẽ đanh thép: "Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm muốn cướp nước ta một lần nữa".

Bà Phạm Thị Nhâm, một cảm tử quân từng thề sống chết với thủ đô, thề quyết tử để tổ quốc quyết sinh năm 1946 rưng rưng kể lại cảm giác xúc động khi nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch phát đi ngày 19-12-1946, kêu gọi toàn quốc đứng lên kháng Pháp.

Ca sĩ Uyên Linh xuất hiện, thể hiện bài Hướng về Hà Nội.

Các diễn viên múa biểu diễn trong chương trình.

20g40: MC Diễm Quỳnh giới thiệu về lịch sử thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và mời khán giả xem đoạn phim tư liệu "Câu chuyện Bác Hồ, mặt trời chân lý" nói về người thanh niên Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng nhà Rồng năm 1911.

Đoạn phim có nhiều cảnh cảm động, nói về sự vất vả, cực nhọc mà chàng trai Nguyễn Ái Quốc phải chịu đựng trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cả trên đường đi và khi đã đặt chân đến nước Pháp.

Tuy vất vả cực nhọc, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn không ngừng tìm tòi đọc sách. Nguyễn Ái Quốc tham gia tán thành sự thành lập Đảng cộng sản Pháp, thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuọc địa, rồi mở ra báo Người cùng khổ để tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc, bảo vệ quyền lợi, kêu gọi sự đoàn kết của các nước thuộc địa trên thế giới.

Người cũng viết nhiều bài báo, tranh châm biếm truyền bá tư tưởng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tiếp nối đoạn phim tư liệu cảm động về Nguyễn Ái Quốc là ca khúc Dấu chân phía trước do ca sĩ trẻ Hoàng Quyên thể hiện.

Ca sĩ Hoàng Quyên thể hiện ca khúc Dấu chân phía trước
Ca sĩ Hoàng Quyên thể hiện ca khúc Dấu chân phía trước

20g30: Màn múa đầy ấn tượng dẫn dắt câu chuyện về Ánh hoà bình. Ngay sau đó, tốp ca Thanh niên làm theo lời Bác với sự tham gia thể hiện của nhóm Oplus, ca sĩ Trúc Nhân, Tạ Quang Thắng và Quốc Thiên.

Tốp ca nam thể hiện ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác

20g25: Ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc chương trình.

"Góp phần gìn giữ hòa bình, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo và chăm lo cho thế hệ trẻ là sứ mệnh mà Ban biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM nhận lãnh và kiên trì thực hiện trong nhiều năm liên tiếp vừa qua.

Báo Tuổi Trẻ TP.HCM là một tờ báo gắn liền với sự phát triển của đất nước, với đời sống, hơi thở của người dân và là bạn đồng hành thân thiết của giới trẻ khắp cả nước. Trong suốt 41 năm hình thành và phát triển của mình, bên cạnh những loạt bài sắc sảo, tạo sự đồng cảm, độ rung xã hội, báo Tuổi Trẻ TP.HCM có nhiều nỗ lực, tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, nhiều hoạt động sau mặt báo như chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” vận động đóng góp hàng trăm tỷ đồng chăm lo, góp sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; hay hàng loạt hoạt động trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo, đã trao học bổng, chăm lo cho hơn 50 ngàn học sinh, sinh viên trên cả nước với tổng kinh phí hơn 350 tỉ đồng, tiếp sức cho hàng chục ngàn sinh viên, học sinh, làm cầu nối cho các tài năng trẻ vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, rèn luyện, trưởng thành và đóng góp sức mình bảo vệ quê hương, phát triển đất nước…

Bên cạnh đó, báo Tuổi Trẻ TP.HCM cũng luôn chú trọng việc chăm lo về mặt tinh thần, cung cấp những thông tin trong sáng, hướng thượng, khơi gợi tinh thần yêu nước trong giới trẻ.

Chính vì sứ mệnh đó, hôm nay chúng ta cùng đến đây trong một chương trình âm nhạc đặc biệt với tên gọi “Tuổi trẻ Việt Nam-Câu chuyện hòa bình” số 3 2016 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ tổ chức, với mong muốn cùng gửi đi thông điệp khác khao, yêu chuộng hòa bình của tuổi trẻ Việt Nam, góp phần kết nối tinh thần đoàn kết vì một thế giới bình yên của sinh viên, thanh niên trong và ngoài nước.

Chính vì vậy chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam – Câu chuyện hòa bình” không chỉ diễn ra trong nước mà số tiếp theo - số 4 với chủ đề Cánh Hoa Hòa Bình sẽ được tổ chức vào ngày 14.4 tới đây tại Tokyo, Nhật Bản. Chúng tôi tin rằng “Câu chuyện hòa bình” sẽ tiếp tục truyền đi thông điệp mà nó hàm chứa, và nhận được sự đồng cảm của bạn bè Nhật Bản nói riêng và quốc tế nói chung.

Ông Tăng Hữu Phong- Tổng biên tập báo Tuổi trẻ phát biểu trong chương trình. - Ảnh: Nam Trần
Ông Tăng Hữu Phong- Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu trong chương trình.

Nhân dịp này, chương trình cũng dành tặng 85 suất học bổng, mỗi suất 10 triệu đồng, tổng trị giá 850 triệu đồng cho các bạn sinh viên vượt khó, học giỏi là con em cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đang sinh sống và công tác tại các vùng biên giới, biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự, vì sự bình yên, vì hòa bình của Tổ quốc.

Nguồn kinh phí này đến từ những cá nhân, đơn vị luôn đồng hành với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và báo Tuổi Trẻ TP.HCM trong những năm vừa qua và trong chương trình này, xem như một phần trách nhiệm và tình cảm của chúng tôi gửi các bạn.

Xin trân trọng cảm ơn Ngân hàng công thương Việt Nam -Viettin Bank, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến Sào Khánh Hòa, Công ty Suntory Pepsico, Công ty Thái Bình, Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, Tổng công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airline đã luôn đồng hành cùng “Tuổi trẻ Việt Nam – Câu chuyện hòa bình”. Hy vọng rằng,  bằng sự ủng hộ của các anh chị, các bạn và các nhà tài trợ, chúng ta sẽ tiếp tục có được những số tiếp theo của chương trình vào năm sau.

Cảm ơn các đại sứ của “Câu chuyện hòa bình” và các ca sĩ, nghệ sĩ đã nhiệt tình tham gia chương trình.

Trân trọng cảm ơn Công ty Việt Vision, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã phối hợp tổ chức, và ông Phạm Phú Ngọc Trai đã tư vấn cho sự kiện thật ý nghĩa này. Cảm ơn Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình và phát sóng chương trình hôm nay". 

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Ban dân vận Trung ương và ông Bùi Đặng Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội - thay mặt ban tổ chức trao học bổng Câu chuyện hòa bình đợt đầu tiên cho 17/85 sinh viên thuộc đối tượng trên ngay trên sân khấu Câu chuyện hòa bình số 3 (mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng).

20g20: MC Diễm Quỳnh giới thiệu BTC sẽ trao 85 suất quỹ học bổng Câu chuyện hoà bình. Đây là con em các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên Tổ quốc ở khắp nơi từ biên cương đến hải đảo thiêng liêng. Các bạn sinh viên trong tà áo dài trắng lên sân khấu nhận học bổng.

20g15: Clip tài liệu về chương trình Câu chuyện hoà bình được phát trên màn hình, cho biết đây là chương trình nghệ thuật chất lượng cao, thông qua âm nhạc giáo dục lòng yêu nước, yêu hoà bình cho thế hệ trẻ Việt Nam. 

20g: Đúng 20g, chương trình Câu chuyện hoà bình tại Hà Nội chính thức bắt đầu. Khán phòng chật kín hàng nghìn khán giả thủ đô, trong đó có rất nhiều các bạn trẻ, sinh viên.

Đây là năm đầu tiên Câu chuyện hoà bình đến với công chúng thủ đô và là năm đầu tiên ban tổ chức trao học bổng Câu chuyện hoà bình.

Anh Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam - phát biểu trên sân khấu nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần, trách nhiệm của người trẻ đối với đất nước. 

 
Các sinh viên chụp ảnh selfie trước khi tham dự chương trình.

19g50: Bạn Trịnh Diệu Hương, sinh viên Học viện hậu cần, một trong những sinh viên được trao tặng học bổng Câu chuyện hoà bình cho biết bạn "rất vinh dự và tự hào khi được tham dự đêm nghệ thuật và nhận học bổng của chương trình".

Còn bạn Ngô Mỹ Linh, ĐH Tài nguyên môi trường HN thì mong muốn "chương trình không chỉ tổ chức lần này mà còn nhiều lần sau tại Hà Nội".

Bạn Phạm Thị Linh, sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, lần đầu đi xem chương trình Câu chuyện hoà bình chia sẻ: “Em rất mến mộ ca sĩ Hà Anh Tuấn và được biết đến chương trình Câu chuyện hoà bình từ lâu, nhưng lần này mới được thưởng thức. Em hy vọng sẽ còn được xem nhiều lần chương trình Câu chuyện hòa bình nữa”.

Các bạn sinh viên tiêu biểu được học bổng chụp ảnh lưu niệm trước khi vào xem chương trình.

Đến Cung hữu nghị Việt Xô từ khá sớm, ca sĩ Trúc Nhân chia sẻ: 

“Trước tiên,Trúc Nhân cảm thấy rất vinh dự vì đây là lần thứ ba Trúc Nhân được tham dự chương trình Câu chuyện hoà bình. Nhưng lần này đặc biệt hơn là tham dự câu chuyện hoà bình ở ngoài Hà Nội vì nơi đây giống như một quê hương thứ hai của Trúc Nhân. 

Trúc Nhân ra đây rất nhiều và đi diễn ở đây rất nhiều, cũng có cơ hội cống hiến cho khán giả thủ đô nhiều. Nhưng buổi tối hôm nay thì lại khác, bởi Trúc Nhân biểu diễn một bài hát mà chưa bao giờ Trúc Nhân nghĩ mình sẽ diễn là Bài ca cây lúa". 

Các diễn viên trang điểm và đọc lại lời bài hát chuẩn bị cho những tiết mục đầu tiên.

*Câu chuyện hòa bình 3: những hình ảnh không quên

V.V.TUÂN - TR.N.- Ảnh: NAM TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên