15/03/2016 13:40 GMT+7

Vĩnh biệt Thanh Tùng: trái tim đã ngủ yên

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Các nghệ sĩ và đồng nghiệp bày tỏ lời thương tiếc trước sự ra đi của Thanh Tùng - người nhạc sĩ tài hoa mà nói như một bạn đọc Tuổi trẻ Online: "Đã có một khoảng thời gian âm nhạc của ông là nguồn sống, là động lực lớn cho tôi...".

Mỹ Linh - Bằng Kiều nổi tiếng một thời với bản song ca Trái tim không ngủ yên của Thanh Tùng. - Ảnh tư liệu TT.

*Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời: "Sớm mai chợt thấy hư vô trong đời"

Trên trang mạng xã hội cá nhân, nhạc sĩ Quốc Trung thổ lộ anh và Thanh Lam đã không kịp làm một đêm nhạc cho "thầy Thanh Tùng". Nhạc sĩ Quốc Trung viết: "Điều tôi ngưỡng mộ nhất ở ông chính là tình yêu dành cho gia đình và con cái. Lối cũ ta về... R.I.P thầy Tùng của tôi".

Đang trên đường đến Đường sách TP.HCM để chia vui cùng một người bạn vừa phát hành sách mới thì nhạc sĩ Huy Tuấn hay tin nhạc sĩ Thanh Tùng mất. Anh trầm giọng chia sẻ:

Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng, lễ viếng và truy điệu được tổ chức từ 8g đến 10g30 ngày 22-3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

An táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

"Dù biết nhạc sĩ Thanh Tùng bệnh đã lâu nhưng tôi không khỏi tiếc nuối. Thế hệ của chúng tôi dường như ai cũng nghe và thích nhạc Thanh Tùng. Đơn giản chỉ vì nhạc của ông ở thời điểm đó rất khác với các nhạc sĩ cùng trang lứa.

Ca từ đẹp, chất nhạc văn minh, giai điệu hay với nhiều biến hóa. Cũng là tình ca, cũng có những nỗi niềm nhưng các sáng tác của ông lại luôn sáng lên tinh thần lạc quan.

Vì những điều đó mà nhạc ông không bao giờ cũ, đến giờ nghe vẫn rất thích và vẫn được không ít thế hệ trẻ sau này tìm nghe và hát lại. Riêng điều này thì rất ít nhạc sĩ đương thời có được".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ca sĩ Bằng Kiều nói: "Năm 90, 91, tôi tham gia cuộc thi Ban nhạc quốc tế tại Đà Nẵng và bố Thanh Tùng là thành viên ban giám khảo. Cuộc đó, thành tích chúng tôi đạt được chỉ là giải Ban nhạc trẻ tuổi nhất. Nhưng khi về bố Tùng có đến vỗ vai tôi và nói vui: "Thằng ku" này sau này sẽ là một ca sĩ nổi tiếng".

Tôi khi đó mới mười mấy tuổi, lại đang học nhạc cụ chứ không học thanh nhạc, nên cứ nhớ mãi lời nói như một lời khích lệ rất lớn mà bố dành cho tôi. Duyên may tôi lại song ca cùng Mỹ Linh Trái tim không ngủ yên của bố.

Đó là ca khúc mới nhất của bố ở thời điểm đó và khi vừa ra mắt được công chúng hưởng ứng "ghê gớm". Có thể nói, Trái tim không ngủ yên chính là ca khúc đã đưa tên tuổi tôi trở nên phổ biến, được biết đến khắp cả nước.

Cũng từ đó, chúng tôi có nhiều cơ hội gặp nhau hơn. Mỗi lần có dịp ra Hà Nội bố đều gọi tôi để cùng đi uống, cà phê, trò chuyện... và ngược lại. Dù đáng tuổi cha chú của tôi nhưng tâm hồn nhạc sĩ Thanh Tùng rất trẻ trung. Ông thích chơi với người trẻ, có nhiều bạn nhỏ tuổi mà tôi, anh Quốc Trung, Thanh Lam hay Mỹ Linh là những người bạn đó.

Bố rất lãng tử, chỉn chu đến mức điệu đà nên không bao giờ muốn người ngoài thấy mình xuống phong độ. Vì vậy tôi đã rất phân vân và chưa dám đến thăm bố dù biết tin bố ốm nặng.

Xin ơn trên che chở linh hồn Bố được an lạc... Những bài hát của Bố đã sống và sẽ sống với nhiều thế hệ nữa Bố ạ".

*Xem Bằng Kiều - Mỹ Linh song ca Trái tim không ngủ yên:

(Nguồn: Youtube)

Ca sĩ Hà Anh Tuấn bày tỏ sự tiếc nuối vì công ty Viet Vision của anh đã lên kế hoạch thực hiện một đêm nhạc Thanh Tùng trong năm 2016 nhằm tri ân những ca khúc của ông để lại cho đời sống nghệ thuật nhưng chưa kịp thực hiện thì nhạc sĩ đã ra đi.

"Tôi nghĩ thời sinh viên của mình và rất nhiều người đã yêu đương lãng mạn bằng những bài hát của ông. Nhạc của Thanh Tùng gắn liền với sự trong sáng, lạc quan, đẹp sâu và không bao giờ cũ", Hà Anh Tuấn nhận xét.

"Vẫn biết là sức khoẻ bác đã yếu nhiều năm nay, nhưng sự ra đi vẫn mang lại cảm giác hụt hẫng và nhiều ký ức. Mong bác ra đi thanh thản, và âm nhạc thì ở lại lâu dài với những tâm hồn yêu nhau", ca sĩ từng hát ca khúc Một mình của Thanh Tùng ngậm ngùi nói.

*Nghe ca khúc Một mình do Hà Anh Tuấn hát:

(Nguồn: Youtube)

Ca sĩ Trần Thu Hà hoài niệm: "Có thể nói thế hệ nghệ sĩ nhạc nhẹ khai mở ở Hà Nội những năm 80-90 chịu nhiều ảnh hưởng âm nhạc Thanh Tùng, yêu nhạc Thanh Tùng. Tôi là một trong số đó, tuy không có duyên được giao lưu nhiều với chú, cũng không hát nhiều bài của chú.

Tôi chỉ nhớ hồi bé mê đắm ngắm chị Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh hát nhạc chú trên tivi. Rồi đến chị Thanh Lam, Cẩm Vân, Lệ Quyên, Ái Vân giành các giải thưởng ca hát lớn với nhạc Thanh Tùng, chị Hồng Nhung răng khểnh duyên dáng tạo dấu ấn riêng với Lời tỏ tình của mùa xuân...

Âm nhạc chú đi vào đời sống tuổi trẻ tươi mới, tích cực. Theo tôi chú là một trong những "hình mẫu" của nhạc nhẹ thời ấy.

Cuối thập niên 90 đầu 2000, tôi có nhiều dịp hát nhạc chú hơn. Tuy tôi ít gặp chú nhưng những lần giao tiếp ngắn ngủi tôi nhiều ấn tượng tốt về người nhạc sĩ sắc sảo ngôn ngữ, rõ ràng thái độ, sống rất phong lưu, tay chơi, nhưng cũng rất nghĩa hiệp.

Gia thế và danh tiếng lẫy lừng là thế, nhưng vẻ như chú Tùng luôn gác cuộc sống xã hội ngoài cánh cửa nhà mình, nơi chú dành tình nghĩa, chung thủy và cả những bài hát ân cần cho vợ con.

Con cháu trong nghề sẽ luôn trân quý gia sản âm nhạc của chú. Và hình ảnh người nghệ sĩ một đời tài hoa, một đời phong lưu Thanh Tùng sẽ luôn gợi cảm hứng sống cho nhiều người, tôi tin thế.

Một người không thân ra đi mà lòng mình thấy mất mát, hẳn nhiên chú đã sống trọn, sống đẹp một cuộc đời nghệ sĩ rồi".

"Nhạc sĩ của thập niên 90"

Một thời gian dài cứ lên xe là nghe Thanh Tùng. Đôi khi để cả tháng không thay. Đĩa nhạc của... người cũ để lại, thôi coi như "di sản tinh thần" của một cuộc tình đã qua. Những giọng ca đẹp nhất của Thanh Lam, Trần Thu Hà, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Thu Phương... vang lên như thủ thỉ bên tai dọc đường về.

Thanh Tùng như nhạc sĩ của thập niên 90. Cái thập niên của những hồn nhiên trong trẻo, của lãng mạn đã biến mất vĩnh viễn. Cái thập niên của "một ngày tình cờ trên đường phố tôi có bàn chân em".

Cái vẻ đẹp nuối tiếc của "con đường quen chưa quên tên bàn chân. Bàn chân đã lãng quên con đường nhỏ". Cái vẻ đẹp hoài niệm của "tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi"...

Ông đã biến cái sến thành cái sang, cái ủy mị thành những điều day dứt, sự cô đơn thành hoài niệm ngọt ngào.

Sẽ không có ai nói được cảm xúc của những kẻ trưởng thành trong thập niên 90 ấy đẹp như Thanh Tùng. Người sứ giả tinh thần của cả một thế hệ ấy chắc chắn sẽ còn được nghe mãi mà không nhàm chán, không lỗi thời.

Để mỗi lần nghe ông, lại ước mơ những điều viễn vông, lại mong nhớ những điều hư không. Và hóa thành mênh mông. (Nhà báo Lê Hồng Lâm)

*Xem clip các ca khúc được yêu thích nhất của nhạc sĩ Thanh Tùng

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên