15/03/2016 08:52 GMT+7

Nhớ Lý Chánh Trung: một trí thức đồng hành cùng dân tộc

PHẠM QUANG NGHỊ (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội)
PHẠM QUANG NGHỊ (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội)

TT - Hằng ngày, từ sáng sớm, tôi luôn đọc báo để cập nhật những thông tin thời sự. Và tôi sững người dừng lại trước dòng tin trên tờ Tuổi Trẻ: “Vĩnh biệt một nhân sĩ dấn thân”, kèm theo là tấm hình giáo sư Lý Chánh Trung.

Các nhà lãnh đạo văn học nghệ thuật miền Bắc gặp gỡ giới trí thức và sinh viên Sài Gòn tại Hà Nội vào tháng 9-1975. Trong ảnh (từ trái qua): giáo sư Lý Chánh Trung, nhà thơ Tố Hữu, các anh Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, nhà văn Nguyễn Đình Thi - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Các nhà lãnh đạo văn học nghệ thuật miền Bắc gặp gỡ giới trí thức và sinh viên Sài Gòn tại Hà Nội vào tháng 9-1975. Trong ảnh (từ trái qua): giáo sư Lý Chánh Trung, nhà thơ Tố Hữu, các anh Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, nhà văn Nguyễn Đình Thi - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ.

Một chân dung, một con người mà từ hơn nửa thế kỷ qua đã quen biết với bao người, nhất là trong làng báo nước ta.

Tên tuổi, uy tín của ông đã vượt qua thời gian và tuổi tác. Mặc dù đã khá lâu tôi ít thấy bút danh của ông xuất hiện trên mặt báo hằng ngày, với những bình luận vốn không chỉ sắc sảo về nghề mà còn nóng bỏng, tâm huyết với cuộc sống, với đất nước và dân tộc.

Đã từ mấy chục năm qua, những dòng viết của ông luôn trào dâng tình cảm yêu nước, niềm hi vọng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.

Trong chiến tranh, ông là một trí thức tiêu biểu cho sự dấn thân, không sợ hiểm nguy và bất chấp mọi răn đe của chế độ Sài Gòn cũ, cùng sinh viên xuống đường đấu tranh cho công lý, hòa bình và thống nhất đất nước.

Lớp thanh niên miền Bắc trước khi đi B đã tốt nghiệp đại học như tôi, vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút. Và xin được nói thêm, vừa cầm những trang báo do cơ sở bí mật từ nội đô chuyển vào căn cứ Trung ương Cục “R”.

Những tờ báo Tin Sáng, Tia Sáng... ngày ấy chúng tôi cần đọc, thích đọc cùng những tên tuổi các nhà báo, những người cầm bút sống giữa thành phố Sài Gòn ngày ấy mà chúng tôi thường bắt gặp, là các ông Vũ Hạnh, Sơn Nam, Lý Chánh Trung, Lý Quí Chung, Ngô Công Đức, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan... cùng nhiều tên tuổi khác.

Những ngày sống trong rừng, chờ những trận đánh sẽ bắt đầu khi mùa khô tới, nằm trên võng mắc dưới tán cây hay ngủ dưới hầm sâu, qua đài phát thanh phát đi từ Hà Nội và những bài báo của các trí thức yêu nước sống giữa Sài Gòn, chúng tôi không chỉ có được những thông tin thời sự, mà quan trọng hơn là hiểu được phong trào đấu tranh đang diễn ra nơi đô thị, cảm nhận được cội nguồn sâu xa sức mạnh từ lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; của học sinh, sinh viên, trí thức, những người tuy sống trong lòng địch nhưng tấm lòng luôn hướng về cách mạng.

Nói theo cách của các ông, cái nổi lên tuy là bọt biển nhưng sức mạnh dữ dội chiều sâu là của những đợt sóng ngầm.

Hôm nay, trái tim luôn thổn thức của ông đã ngừng đập. Mà trái tim ai chẳng đến ngày ngừng đập. Nhưng với ông, cho đến phút cuối cuộc đời, những dòng máu từ con tim ông - dù mạch đập đã yếu đi so với những năm tháng hào hùng của cuộc chiến, khi nước nhà còn chia cắt - vẫn luôn đỏ thắm ngọn lửa dấn thân, đồng hành cùng nhân dân và đất nước.

Đó cũng chính là tình cảm, là niềm tin mà ông luôn nung nấu, được ông viết ra trên hàng trăm tác phẩm báo chí và trong cuốn sách Tìm về dân tộc.

Hôm nay, ông đã chia tay người thân, bạn đọc gần xa mãi mãi. Xin gửi tới gia quyến giáo sư Lý Chánh Trung lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc. Và xin nhờ bạn bè thắp giúp nén nhang vĩnh biệt ông!

PHẠM QUANG NGHỊ (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên