Bà Mai đánh trống chầu. Ảnh cắt từ clip. |
Ra Giêng, mùa lễ hội cầu ngư của ngư dân diễn ra khắp vùng từ miền Trung đến miền Nam. Trong mùa lễ hội cầu ngư. Một nghi thức không thể thiếu ở các làng biển là mời những gánh hát tuồng về hát. Trong những đêm hát tuồng, không thể thiếu người đánh trống chầu.
Người đàn bà đánh trống chầu ở mùa lễ hội cầu ngư ở Sông Cầu (Phú Yên) đầu tháng 3 năm nay là bà Nguyễn Thị Mai, một chủ trại tôm ở vịnh Xuân Đài (Sông Cầu, Phú Yên). Clip do nhà báo Dương Thanh Xuân quay lại và đưa lên mạng xã hội.
Khi đoàn tuồng Phước Hưng (Bình Định) được mời vô Sông Cầu diễn tuồng Ngũ Sắc Châu, bà Mai là người cầm trống chầu. Cách đánh trống chầu của bà được khen ngợi:
“Bà đánh trống chầu quá hay, quá điêu luyện. Bà đánh bằng cả hai tay. Đánh trống mà như múa. Cầm chầu phải biết lượn theo lời hát của diễn viên mà đánh trống. Đánh sai, diễn viên hát không được, mà người xem thấy chói tai là họ mắng ngay”.
Hình ảnh người phụ nữ cầm trống chầu cũng gây thích thú cho người xem. Bởi lẽ, vị trí cầm trống chầu thường giành cho đàn ông, cho người có vai vế, có tiền bạc trong vùng (vì đánh trống chầu phải có tiền để thưởng).
Tuy nhiên, bà Mai cùng ngồi với các bậc mày râu mà đánh trống một cách "oai phong" giữa đám đông, góp phần vào màn trình diễn của các nghệ sĩ trên sân khấu.
Ảnh cắt từ clip. |
Để rõ hơn sự thể về cái mệnh danh là “đệ tứ ngu” cầm chầu, một cư dân mạng là Đoàn Ngọc Thành góp lời: “Có biết tại sao người đánh trống chầu bị xếp vào một trong bốn hạng người ngu không? Chắc có người biết người không. Chưa bàn tới ba cái ngu trước, tôi góp một lời nói chơi cho rõ ràng nghen!
Đánh trống chầu là cái thú của người mê hát bội và điệu nghệ. Người giữ chầu phải đánh sao cho hay, nhịp nhàng, trúng nhịp. Khi nghe đào kép nhả một câu hay, đi điệu múa giỏi thì phải quăng thẻ lên sân khấu để thưởng.
Mỗi thẻ tre được quăng lên tương ứng với một khoản tiền được quy định trước. Khi bị say bởi điệu múa lời ca, người giữ trống có thể hốt cả nắm quăng lên sân khấu hoặc hốt quăng bất kể. Cuối buổi hát, cứ căn cứ số thẻ nhân lên rồi tính tiền.
Vậy là người giữ trống chầu đã mỏi tay mệt người lại còn tốn nhiều tiền. Ngồi chầu mà không quăng thẻ thì ai cho ngồi. Hà tiện, quăng thẻ ít thì bị chửi là keo kiệt. Nếu vì sĩ diện, quăng quá nhiều thẻ thì tiền nào chịu thấu.
Tiền ít bị chửi, tiền nhiều thì quá hao. Đánh trống thì phải trúng nhịp, sai nhịp đào kép hát không được cũng bị chửi.
Trò chơi này vừa mệt vừa tốn tiền vừa dễ bị chửi nhưng vì đam mê mà lao vào, xin ngồi chầu cho được. Đằng nào cũng bị chửi như chơi nên người ta mới nói là ngu”.
Trong video clip ở mỗi đoạn đào kép hát hay, ra bộ giỏi thì người xem thấy bà Mai hoặc người khác quăng dùi trống hoặc đống thẻ lên sân khấu để tán thưởng là vậy.
Nhà báo Dương Thanh Xuân cho hay cách quăng thẻ thì mỗi nơi mỗi khác. Có nơi để thẻ và tiền lên khay cho lịch sự, nhưng cũng có nơi để thẻ là một đống trên sân khấu như ở Sông Cầu.
Thay vì tính tiền theo thẻ như trước, giờ đây nơi mời đoàn hát có thể trả tiền gọn luôn một lần, còn việc quăng thẻ lên sân khấu chỉ còn mang ý nghĩa tán thưởng, khích lệ.
Trong một đêm cầm chầu như vậy, nhà báo Dương Thanh Xuân cho biết bà Mai thưởng hết 3,5 triệu đồng.
*Xem clip (nguồn: Facebook Dương Thanh Xuân)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận