06/03/2016 16:08 GMT+7

​Nhận diện mình giữa thói tật đám đông

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi ra mắt sách mới của nhà văn Võ Diệu Thanh được chuyển tải bằng hình thức tọa đàm với chủ đề Nhận diện chính mình giữa thói tật đám đông được đông đảo sinh viên hưởng ứng.

PGS. TS Bùi Thanh Truyền (bìa phải) nhiệt tình giới thiệu Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm với các sinh viên Sư Phạm - Ảnh: L.Điền
PGS. TS Bùi Thanh Truyền (bìa phải) nhiệt tình giới thiệu Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm với các sinh viên Sư Phạm - Ảnh: L.Điền

Thay vì tổ chức tại Đường sách TP.HCM - nơi đang thu hút các cuộc ra mắt sách mới, nhà văn Võ Diệu Thanh đề nghị buổi ra mắt quyển Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm vào sáng 6-3 diễn ra tại giảng đường Đại học Sư Phạm TPHCM.

Lý do chính là vì nội dung cuộc trao đổi gắn liền với công việc “trồng người” đầy cam go mà các sinh viên sư phạm sẽ phải cáng đáng sau khi tốt nghiệp.

Ứng xử giữa đám đông

Và với sự dẫn dắt khéo léo của cả cặp đôi MC Hạ Tuyên, Minh Triều cùng khách mời là PGS. TS. Bùi Thanh Truyền, chủ đề nhận diện mình giữa thói tật đám đông được hưởng ứng nhiệt tình đến mức không khí giảng đường khoa Văn của ĐH Sư phạm nóng dần lên bởi hàng loạt ý kiến.

Câu chuyện cậu bé Dưa Leo phát hiện ra xứ sở Bồ Câu treo bảng đỏ không cho cư dân xứ Bìm Bìm vào khu vườn trái đỏ đầy quyến rũ là điều bức xúc quen thuộc trong vô vàn thói tật đáng kể của xứ Bìm Bìm. Chúng ta ứng xử như thế nào giữa một đám đông có nhiều thói tật xấu?

Vấn đề không đơn giản là chọn một lối tư duy tích cực, một hướng tiếp cận sáng suốt để tự mình thoát khỏi đám đông kia, mà câu chuyện giữa hai xứ sở Bìm Bìm và Bồ Câu như cách đặt vấn đề của nhà văn Võ Diệu Thanh đã đẩy cử tọa hình dung đến những vấn đề lớn hơn, như thể diện quốc gia trong bối cảnh đất nước đang hội nhập, và ý thức cá nhân sẽ đóng vai trò gì trong quá trình xây dựng cộng đồng ngày một hoàn thiện hơn.

Ngay cả việc “thoát khỏi đám đông” cũng là một ý tưởng không dễ được đồng thuận. TS Bùi Thanh Truyền ghi nhận rằng người ta thường có xu hướng không muốn tự “làm nổi” mình giữa đám đông. Trong khi đó thì đám đông nhiều khi cũng có những tích cực nhất định  như đi trong đám đông thì có cảm giác an toàn hơn, cho nên thường thì các cá nhân ít tự mình thoát khỏi đám đông.

Ở đây có vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhận ra mình đang ở phía nào của đám đông? Nhà văn Võ Diệu Thanh thừa nhận quả là khó nhận ra mình ở phía nào của đám đông, cô dẫn lại trường hợp đám đông công chúng góp tiền động viên giúp đỡ một bé trai ở Cà Mau bị ngược đãi được nhiều báo đài nhắc đến. Đám đông hành động có lý do, nhưng nếu có ai đó  biết cách “thoát khỏi đám đông” thì trong trường hợp giúp đỡ em bé cụ thể ấy, họ sẽ có cách khác với hiệu quả khác.

“Thoát khỏi đám đông không nhất thiết phải là đi ngược lại đám đông, nhưng có tư duy riêng để hành động khác với đám đông, đặc biệt là mang lại hiệu quả hơn” - Võ Diệu Thanh nhấn mạnh.

 Nhà văn Võ Diệu Thanh tặng chữ ký cho các bạn sinh viên - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Võ Diệu Thanh tặng chữ ký cho các bạn sinh viên - Ảnh: L.Điền

 

Tự vấn lại mình

Trong đám đông học sinh lớp tám với mình, cậu bé Dưa Leo là học sinh kém nhất. Thế nhưng trong đám đông lớn hơn là cộng đồng cư dân xứ Bìm Bìm, cậu ta và con Mèo Ma Văn Vẻ lại là hai cá thể tiến bộ với tầm nhận thức văn minh hơn cả.

Tại sao rất nhiều người lớn xem việc xứ Bồ Câu treo bảng đỏ cấm cư dân Bìm Bìm vào vườn là bình thường, và họ vẫn vô tư vào vườn, ăn cắp, bất chấp hành động của họ mỗi lúc một minh chứng thêm cho việc treo bảng đỏ kia là đúng và cần thiết?

Câu nói của Mèo Ma thật quen và đau xót, “Cái nhục dễ chịu nhất là nhiều người cùng nhục. Nó thành ra bình thường”. Không ai chia sẻ được với nỗi niềm của người treo bảng - ông già râu đỏ - rằng sâu thẳm trong lối hành xử mang tính “cực đoan” ấy, là ông mong muốn cư dân xứ Bìm Bìm sẽ tự ái, tự trọng, tự vấn lại mình và thay đổi cách sống, bỏ đi những thói hư tật xấu trong một bối cảnh giao lưu văn hóa ngày một cởi mở.

Chỉ có cậu Dưa Leo và con Mèo Ma - hai cá thể lẻ loi thấp bé ấy lại là hai đốm thiện lương thắp sáng niềm hy vọng trong ông già râu đỏ. Nhưng đám đông xứ Bìm Bìm thì ngược lại, họ không đếm xỉa đến các nỗ lực của Dưa Leo liên tục vận động mọi người hãy bỏ đi thói ăn cắp để tấm bảng đỏ đáng xấu hổ kia được dỡ bỏ.

Lần lượt, cô ca sĩ có nhiều fan hâm mộ, ông thị trưởng có nhiều quyền uy, tay nhà buôn có nhiều thế lực… tất cả đều không quan tâm đến việc phải làm sao để xứ Bồ Câu không còn tấm bảng bêu xấu dân Bìm Bìm.

Chính nội dung này gợi lên nhiều ý kiến của các sinh viên khoa Văn về việc phải hành động như thế nào trong một đám đông “có vấn đề”. Nhiều sinh viên đưa tay phát biểu rằng mình sẽ rất nhức nhối nếu đi nước ngoài bắt gặp trường hợp “bảng đỏ” cấm cư dân Việt Nam như vậy, và rằng “mình sẽ cảnh báo cho cộng đồng mình biết, đồng thời nỗ lực kêu gọi mọi người hãy thay đổi cách sống, xây dựng một hình ảnh khác, tiến bộ hơn trong thực tế, rồi sau đó truyền bá, lan tỏa các giá trị của mình ra bên ngoài”.

Ở phạm vi hẹp hơn và cũng thực tế hơn, nhà văn Võ Diệu Thanh chia sẻ rằng đến khi các bạn sinh viên ra trường và làm giáo viên, mỗi bạn sẽ làm việc với một đám đông học sinh, ở đó có những cá nhân tích cực lẻ loi như Dưa Leo và có cả những đám đông biết sử dụng số đông làm áp lực lên người khác.

Câu chuyện của Võ Diệu Thanh dừng lại ở chỗ cô mong sao cho cả xứ Bìm Bìm đều chia sẻ được những điều mà cậu bé Dưa Leo nhận ra.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Trí bày tỏ hy vọng rằng những bạn đọc của Võ Diệu Thanh hôm nay sẽ là một nhân tố tích cực trong mai sau để dỡ bỏ “cái bảng đỏ” vẫn treo đâu đó trên những thói tật của đám đông chúng ta.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên