23/02/2016 10:42 GMT+7

Lễ hội hỗn loạn vì “mù tín ngưỡng”, cầu lợi hời hợt

V.V.TUÂN - NGUYỄN KHÁNH - ĐÌNH TRỌNG
V.V.TUÂN - NGUYỄN KHÁNH - ĐÌNH TRỌNG

TT - Dù được ban tổ chức huy động tối đa lực lượng với hơn 2.000 công an, cảnh sát cơ động túc trực trong và ngoài đền, với năm lớp hàng rào sắt được dựng lên, nhưng lễ khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) đêm 14 tháng giêng (tức ngày 21-2) vẫn diễn ra trong sự tranh cướp lộc hỗn loạn.

Chen chúc nhau lấy tro trong chùa Bà để cầu may - Ảnh: Đình Trọng
Chen chúc nhau lấy tro trong chùa Bà (Bình Dương) để cầu may - Ảnh: Đình Trọng

*Xem Infographic: Khai ấn đền Trần năm nào cũng... loạn

Trước lễ dâng hương và rước kiệu ngọc, nhiều người đeo thẻ đại biểu tranh giành nhau vào trong đền, cũng bởi số lượng đại biểu được phát thẻ vàng lên đến hàng nghìn người.

Nhiều tiếng la ó gay gắt đã xảy ra khi những người nghiêm chỉnh chấp hành sự điều hành của lực lượng chức năng phải chờ đợi vào sau.

Tình trạng nhốn nháo còn xảy ra khi các lực lượng chức năng ở cổng đền phát hiện nhiều người dùng thẻ đại biểu giả, hoặc không có thẻ nhưng trà trộn vào với những người có thẻ.

Thậm chí nhiều người dùng lại thẻ dự lễ khai ấn từ những năm trước. Còn trong sân đền, có nhiều tiếng kêu la: “Đừng chen vào nữa! Chết mất thôi! Giãn ra một chút...”. Khi đoàn rước kiệu ấn vào sân, một cơn mưa tiền lẻ vo tròn được các đại biểu hai bên ném vào kiệu ấn.

Khoảng 23g, ngay sau lễ khai ấn kết thúc, biển người đã lấp kín sân Thiên Trường. Rất nhiều thanh nhiên quá khích, bất chấp sự an toàn của những người xung quanh đã đồng loạt trèo qua hàng rào sắt để vào trong đền.

Còn phía dưới sân đền, giữa dòng người chen nhau là những tiếng la ó, cướp, giật lộc từ các kiệu ấn, bàn thờ. Tình trạng hỗn loạn, mất kiểm soát diễn ra trong khoảng 15 phút sau lễ khai ấn.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh cướp lộc hỗn loạn năm nào cũng xảy ra tại đền Trần (Nam Định), trong đó nguyên nhân quan trọng là nhận thức về mặt tâm linh của người dân đi lễ còn hời hợt dẫn đến sự cầu lợi, mong muốn được thần thánh phù hộ trực tiếp qua những nhu cầu về vật chất mà không hiểu thấu đáo về giáo lý, niềm tin.

“Thánh thần không cần vật chất mà cần cái tâm của mỗi con người. Nhiều người Việt đi lễ nhưng lại thiếu kiến thức nền tảng, gốc gác để hiểu được bản chất của các hoạt động tín ngưỡng đó.

Vì thế, để giải quyết lâu dài những vấn đề nhức nhối như ở đền Trần (Nam Định) nhiều năm qua thì phải “xóa mù tín ngưỡng”, để người dân hiểu được bản chất của các hoạt động tín ngưỡng của mình”.

Ông cũng cho rằng đối với những người quá khích, gây mất an toàn cho những người xung quanh trong lễ hội thì phải trừng trị nghiêm minh theo những quy định của pháp luật, bởi hành vi trèo rào, cướp lộc, cướp đồ trên hương án... là quá khích có thể coi như hành vi phá hoại trật tự nơi công cộng.

* Chiều 15 tháng giêng (22-2), hàng chục ngàn người từ khắp nơi đã đổ về chùa Bà tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) để tham gia lễ rước kiệu Bà. Mặc dù ban tổ chức đã tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động, giao thông để giữ trật tự nhưng do lượng người quá đông nên vẫn xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy nhau.

Đặc biệt là ở khu vực chùa, nhiều người chen lấn, giành giật nhau để bốc tro trong bát hương với quan niệm mang về nhà nhằm cầu may.

Theo ghi nhận, hàng ngàn người nối đuôi nhau đi theo kiệu Bà bắt đầu xuất phát từ chùa Bà Thiên Hậu, cùng với hàng chục đoàn lân sư rồng đi qua các đường trung tâm của TP Thủ Dầu Một.

Hàng ngàn người đứng hai bên các đoạn đường, bày sẵn bàn, hương hoa để nghinh đón. Nhiều người bất chấp nguy hiểm trèo lên tường cao để được trông thấy kiệu Bà.

Lợi dụng cảnh đông đúc, một số kẻ xấu sàm sỡ phụ nữ đi chùa.

* Xem clip chen lấn, hỗn loạn tại lễ khai ấn đền Trần nhiều năm

V.V.TUÂN - NGUYỄN KHÁNH - ĐÌNH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên