19/02/2016 09:34 GMT+7

Đừng để “hoa vàng” kêu thất thanh

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL Phú Yên, khách du xuân ở Phú Yên năm nay tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, được coi là đột biến nhất từ xưa tới nay. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đương nhiên là nguyên cớ của bất thường này!

Không chỉ là hiệu ứng vô hình, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn được trưng biển công khai để mời gọi du khách  - Ảnh: Phong Việt
Không chỉ là hiệu ứng vô hình, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn được trưng biển công khai để mời gọi du khách - Ảnh: Phong Việt

Đấy là quan điểm của nhiều người khi cho rằng du khách chọn Phú Yên làm điểm đến cho mùa xuân này vì hiệu ứng tích cực từ bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ (lấy Phú Yên làm bối cảnh chính cho toàn bộ phim).

Phí phát sinh, tiện ích chưa có

Ý thức rằng hiệu ứng từ “hoa vàng cỏ xanh” sẽ đánh thức được vùng đất đẹp dường như còn đang ngủ yên này, những người làm du lịch ở đây nhiệt tình dùng hình ảnh của “hoa vàng cỏ xanh” để quảng bá những danh thắng, điểm đến hấp dẫn của tỉnh.

Rõ nhất là trên đường vào Bãi Xép, nơi có khá nhiều cảnh quay trong phim, đã trưng một tấm bảng chỉ đường lớn với dòng chữ: “Nơi đây được làm phân cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Và du khách khi đi ngang thật khó lòng bỏ qua điểm đến này.

Nhưng Phú Yên đâu chỉ có Bãi Xép! Trước khi quyết định tham quan Phú Yên, du khách chắc hẳn cũng đã tìm hiểu nhiều điểm đến đẹp mê hồn khác như: Gành Đá Đĩa, Gành Đèn, Bãi Tiên - Mũi Điện, Vũng Rô, nhà thờ Mằng Lăng, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, biển Long Thủy...

Và để “làm du lịch”, từ ngày 1-1-2016 (nghĩa là sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã “quảng bá” xong những địa điểm này trên phim), Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên đã nhanh tay thu phí hai điểm đến được hầu hết du khách đến Phú Yên ghé qua: danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa và Bãi Tiên - Mũi Điện.

Việc thu phí chẳng có gì đáng ngại, nhất là vé vào cổng cho mỗi nơi này không quá đắt: 10.000 đồng/khách. Tuy nhiên, khi đã thu phí thì phải có những tiện ích trả lại cho du khách. Tiếc thay, việc dựng lên một cổng rào và thu phí ở hai điểm đến này không mang đến một sự thoải mái nào, trừ sự thất vọng.

Ở Gành Đá Đĩa, tiện ích duy nhất du khách có được từ việc thu phí là có thêm những tay vịn bằng ximăng giả tre dọc những bậc thang dẫn xuống gành đá!

Tại sao không phải là những tay vịn được làm từ đá hay giản dị hơn là những tay cầm bằng tre hoặc gỗ mộc?

Nếu những tay cầm được làm bởi các chất liệu từ thiên nhiên, Gành Đá Đĩa sẽ giữ được vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết đáng ngưỡng mộ của riêng mình.

Và sao lại dựng những căn nhà gỗ tạp, lắp kính, bày bán những món hàng lưu niệm không mang nhiều đặc trưng của vùng đất này?

Vài hàng ghế làm từ đá hay gỗ bên dưới những tán cây phù hợp với khí hậu nơi đây sẽ rất hữu ích cho lối vào nhiều nắng gió, vừa là chỗ nghỉ chân vừa là nơi chụp hình tuyệt đẹp. Tại sao không?

Những người làm du lịch ở Phú Yên dùng hình ảnh của “hoa vàng cỏ xanh” để PR cho những danh thắng, điểm đến hấp dẫn của tỉnh Ảnh: Phong Việt
Những người làm du lịch ở Phú Yên dùng hình ảnh của “hoa vàng cỏ xanh” để PR cho những danh thắng, điểm đến hấp dẫn của tỉnh Ảnh: Phong Việt

Cần sự đầu tư tinh tế

Rất may, Bãi Tiên - Mũi Điện chưa mọc lên những quầy hàng lưu niệm lụp xụp hay những thứ nhân tạo khác. Nhưng như vậy việc thu vé vào cổng quả là chỉ để... ngắm trời mây! Du khách sẵn sàng chi nhiều tiền nếu có được những dịch vụ vừa ý.

Những nhà nghỉ, nhà hàng, tiệm cà phê xinh xắn, hài hòa với danh thắng luôn là nơi để “hốt bạc”. Một trong những nơi đón ánh nắng đầu tiên của cực đông như Mũi Điện sẽ rất dễ “làm giàu” từ việc cho thuê lều trại để các nhóm bạn trẻ “đi bụi” nghỉ qua đêm, đón ánh ban mai đầu tiên trong ngày.

Phim ảnh, nghệ thuật rõ ràng đã mang lại cơ hội quảng bá du lịch và làm kinh tế cho nhiều địa phương. Nhưng đó chỉ là cơ hội mà nếu không khéo nắm bắt sẽ “qua cái vèo”, bởi sự yên bình cùng những cảnh đẹp tương tự cũng có ở những vùng đất khác của Việt Nam và thế giới.

Làm du lịch không thể chỉ nhăm nhăm thu tiền khách mà không có những đầu tư đáng giá và độc đáo.

Còn nhớ năm 2011, tỉnh Phú Yên đăng cai tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 như một hoạt động quảng bá cho Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên. Minh tinh, tài tử dập dìu, hơn chục bộ phim điện ảnh được chiếu miễn phí suốt một tuần cùng hàng chục hoạt động văn hóa khác vẫn không đón được lượng khách “đột biến” như cái tết vừa qua.

Tăng 35% là con số ấn tượng và con số đó còn có thể tăng nữa với một nơi nhiều tiềm năng du lịch, ẩm thực như Phú Yên, với điều kiện phải có thêm những cộng hưởng cùng chiến lược phát triển tinh tế mà những người làm dịch vụ cần thấu hiểu. Nếu không, rất dễ chỉ thấy “hoa vàng kêu thất thanh” khi đến đây...

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Đừng trôi qua như một “vụ mùa”!

Những gì Phú Yên đang có thì đã có từ rất lâu rồi, nhưng rõ ràng cách thức phát triển các loại hình khám phá du lịch của Phú Yên còn quá nhiều hạn chế. Thậm chí đôi khi có cảm giác Phú Yên thích ngủ ngon và ngủ yên thật lâu, chưa muốn thức dậy.

Đến năm 2015, có thể nói là một sự may mắn chắc “trăm năm có một” khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lấy bối cảnh chính ở đây để thực hiện. Sự thành công của một bộ phim tràn ngập cảm xúc hoài niệm những năm tháng tuổi thơ khiến những cánh đồng lúa, những vực núi chạy dài theo bờ biển, những ruộng ngô bạt ngàn, những con đường làng xanh mát bóng tre... của Phú Yên trở nên đẹp lạ lùng trong mắt những người thích du lịch trải nghiệm.

Phú Yên đang tràn ngập hi vọng trở thành một điểm đến của... “du lịch cảm xúc” trong năm 2016 này. Vấn đề quan trọng nhất còn lại là những người làm công tác quản lý du lịch địa phương có nắm bắt cơ hội, hay sẽ để trôi qua như một “vụ mùa”...

Nhà thơ PHONG VIỆT

* Sa Đéc, Hạ Long, Hà Giang... được các bộ phim đánh thức

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên