Big Daddy và Justatee trình diễn ca khúc Forever alone trong The Remix ngày 3-1. Ảnh tư liệu TT. |
"Destiny là cái gì vậy con? Sao tên bài hát là tiếng Anh?" – một bạn đọc thuộc thế hệ 7x kể chuyện mẹ của anh gần 70 tuổi “khó chịu với kiểu nửa nạc nửa mỡ” khi nghe ca sĩ Việt hát những ca khúc Việt Nam nhưng tên toàn bằng tiếng Anh: Destiny, What is love?, Bad boy, Just love, My everything, Forever alone, I’m sorry baby, Daydreams, Say you do, I'm in love, Hold me tonight, Really love you... |
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng.
Bạn đọc tên Phương nhận xét: “Cháu thuộc thế hệ 9X và cháu thấy chuyện này cũng bình thường. Nhạc trẻ dành cho giới trẻ nên phải theo những gì giới trẻ bây giờ ưa chuộng. Phần lớn các bạn bây giờ khi nói cũng hay "chêm" các từ tiếng Anh. Vì vậy cháu thấy không phản cảm khi nghe các ca khúc có chen tiếng Anh vào lời.
Giai điệu của các bài hát bây giờ khác hẳn với hồi xưa. Các dòng nhạc pop, dance, electronic phổ biến hơn và nhạc cũng thị trường hơn. Tiếng Việt mình có dấu nên đôi khi khá khó để viết lời. Ngược lại, tiếng Anh không dấu và cũng ngắn gọn nên dễ đưa vào lời bài hát hơn.
Có nhiều bài hát cũng hay mà. Các cô, các chú, các bác không thích nghe thì chuyển kênh thôi. Thế hệ trước cũng có dòng nhạc riêng của mình. Các cô các chú… thích nghe đâu có nghĩa là tụi cháu cũng thích nghe. Không phải bài hát dở, chỉ là thị hiếu khác nhau thôi ạ. Bản thân cháu cũng thích Ngô Thụy Miên, Trần Tiến... nhưng không thích nhạc Trịnh vì phần lớn nhạc Trịnh quá buồn”.
Bạn đọc tên Nguyên ở Đà Lạt dẫn chứng: “Tôi thuộc thế hệ 4x, tôi không nghĩ việc xen kẽ tiếng nước ngoài vào một bài hát là đáng chê trách và cũng như đừng gán ghép "tự hào dân tộc" vào đây. Một số bài hát tiếng Việt có xen vào một số tiếng dân tộc cũng vẫn hay kia mà?
Vấn đề là tác giả chêm như thế nào và để đạt mục đích gì? Cuối năm 1965, ban nhạc The Beatles phát hành đĩa Rubber Soul, trong đó có bài Michelle mà lời bài hát (tiếng Anh) có xen lẫn tiếng Pháp: "Michelle, ma belle, these are words that go together well, my Michelle. Michelle, ma belle, sont des mots qui vont tres bien ensemble. tres bien ensemble..." Bài hát này vẫn được ưa chuộng cho đến tận bây giờ...”
Bạn đọc Trinh phân tích: “Tùy bạn nghe âm nhạc với mục đích gì? Là để người nghe có cảm giác thích thú với nhiều cung bậc cảm xúc cho các thể loại khác nhau (từ nhẹ nhàng như pop, ballad cho đến mạnh mẽ như rock và EDM). Bạn không thích nhưng người khác nghe thì có cảm giác thích. Mỗi người có gu âm nhạc riêng chứ!”.
Bạn đọc Anh Kiệt góp lời lý giải: “Tại sao bây giờ nhiều ca sĩ đặt tên bài hát theo tiếng Anh ? Vì nó ngắn gọn! Đồng thời, những chữ tiếng Anh khi xuất hiện nhiều lần trong bài hát sẽ tạo nên một điểm nhấn giúp dễ nhớ hơn.
Nghệ sĩ có quyền sáng tạo bất cứ điều gì mà họ muốn, nhưng để tồn tại họ phải được số đông khán giả chấp nhận.
Nếu các thế hệ trước cảm thấy không hợp, họ có quyền không quan tâm, nếu đòi hỏi nhạc bây giờ phải giống thập niên 70, 80, 90... thì vô tình điều đó lại trở thành sự áp đặt, cản trở sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam”.
Cùng quan điểm với bạn đọc Anh Kiệt, bạn đọc Trường Nguyễn nói: “Tôi thấy bà cụ và tác giả trong bài hơi khắt khe. Cháu của cụ bà nói đúng: "Mấy bài này dành cho giới trẻ mà". Mỗi dòng nhạc có một đối tượng khán giả riêng và lý do "ca sĩ hát trên truyền hình cho cả nước nghe mà, phải hát sao cho mọi người cùng hiểu chứ" hoàn toàn không thuyết phục.
Cũng như dòng nhạc, chương trình truyền hình cũng có đối tượng khán giả riêng, không thể có chương trình nào mà nội dung có thể phù hợp với mọi đối tương, khiến "mọi người đều hiểu cả". Nếu chương trình siêu mẫu mà trình diễn ca khúc trữ tình quê hương, thì người già gật gù, còn người trẻ, có được quyền phản đối không?”.
Bạn đọc Thanh Sơn nhận xét: “Thời nào có ca sĩ và xu hướng của thời đó, đâu thể nào bắt bà cụ 70 tuổi nghe nhạc trẻ rồi bắt bà nhận xét là hay, cũng như tác giả sinh năm 1970 thì khi nghe những ca khúc hiện đại ngày nay thì khó chịu cũng phải thôi.
Vẫn còn đó rất nhiều ca sĩ thể hiện các bài thập niên 70-80, tiết mục biểu diễn của họ cũng phát trên kênh quốc gia đàng hoàng, sao tác giả không nghe mà đi nghe mấy chương trình của giới trẻ rồi chê như vậy?
Xu hướng đặt tên tiếng Anh cho bài hát đâu phải chỉ riêng ở Việt Nam, nhiều nước cũng làm vậy làm, điển hình như Hàn Quốc chẳng hạn, nền âm nhạc của họ chẳng phải là hàng đầu châu Á sao?
Mong tác giả đừng quá khắc khe với giới trẻ. Nếu đánh giá một con cá qua việc bắt nó phải leo cây thì chẳng phải ta đã sai hoàn toàn sao...”
Bạn đọc Hoàng Văn phân tích: “Đây là điều tất yếu của toàn cầu hóa, chúng ta muốn mở cửa, tận dụng nguồn lực ngoài nước để phát triển kinh tế thì kèm theo đó là văn hóa của chúng ta sẽ ảnh hưởng ít nhiều từ một số nước phát triển.
Theo quan điểm cá nhân, mình thấy việc sáng tác bài hát có tiếng Anh rất bình thường, âm nhạc là nghệ thuật, mà nghệ thuật ắt phải sáng tạo. Những nhạc sĩ ca sĩ không đủ khả năng sáng tạo chỉ đi theo nếp cũ thì sớm bị lỗi thời và đào thải”.
Bạn đọc có ý kiến về vấn đề trên xin hãy viết ở phần Bình luận bên dưới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận