25/12/2015 11:10 GMT+7

​Dân Sài Gòn vẫn khoái cải lương, đờn ca tài tử

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Có đôi lúc người ta tưởng người dân Sài Gòn choáng ngợp với các loại hình giải trí hiện đại khác mà đã quên cải lương, quên đờn ca tài tử...

Nguyễn Thị Trường An (Đồng Tháp) trình diễn bài ca Về quê ngoại trong đêm chung kết Giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng tối 23-12 - Ảnh: Quang Định
Nguyễn Thị Trường An (Đồng Tháp) trình diễn bài ca Về quê ngoại trong đêm chung kết Giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng tối 23-12 - Ảnh: Quang Định

Tối 23-12, tại Nhà hát TP.HCM, Đài Tiếng nói nhân dân (TNND) TP.HCM tổ chức buổi chung kết xếp hạng và trao giải cuộc thi “Giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng” lần 11-2015. 

Ra đời từ năm 1993, đây có thể xem là một trong những giải thưởng lâu đời ở TP.HCM...

Cứ hai năm giải Bông lúa vàng diễn ra một lần. Lần nào cũng thu hút khoảng 300-500 thí sinh đăng ký tham dự, phạm vi mở rộng ra toàn quốc.

Từ cuộc thi này, nhiều giọng ca hay được phát hiện cho làn sóng phát thanh và sân khấu cải lương. Nhiều nghệ sĩ trẻ được khán giả yêu thích hiện nay, trong đó có không ít bạn đoạt giải Chuông vàng vọng cổ, đã trưởng thành từ cuộc thi này như Lê Tứ, Tuyết Ngân, Ngọc Trinh, Đào Vũ Thanh, Lê Văn Mẹo, Minh Trường, Hà Như...

Trong khoảng thời gian hai năm cho một lần tổ chức, Đài TNND TP.HCM lại có thêm sân chơi “Tuyển chọn Giọng ca cải lương hằng tuần”.

Những giọng ca xuất sắc của Giọng ca cải lương hằng tuần sẽ là những thí sinh, những hạt nhân chọn lọc cho từng kỳ giải Bông lúa vàng. Hai cuộc thi đan cài, bổ trợ nhau đã tạo thành sân chơi đờn ca tài tử, cải lương định kỳ vào chiều thứ bảy hằng tuần tại hội trường Đài TNND.

Không rầm rộ về mặt truyền thông nhưng những ai từng một lần đến xem trực tiếp chương trình tại hội trường của đài sẽ cảm nhận được sức nóng mà chương trình đem tới. Sân khấu cho các thí sinh dự thi hết sức đơn giản, bên trái cánh gà là chỗ cho các thầy đờn, cảnh trí trên sân khấu chỉ là bụi chuối, lu nước... Nói chung về mặt thị giác là... thua!

Thế nhưng buổi thi nào khán phòng hơn 400 chỗ cũng đều chật kín khán giả, ai tới trễ thì xác định phải đứng coi suốt gần hai giờ! Nghĩa là khán giả đến đây chỉ có nhu cầu nghe hát chứ gần như không cần xem.

Ông Lê Công Đồng - giám đốc đài - hào hứng chia sẻ:

“Các buổi thi chúng tôi đều trực tiếp trên sóng AM 610Khz và các trang mạng trực tuyến, lần nào cũng gặp tình trạng quá tải. Mỗi buổi thi không chỉ có ba, bốn giám khảo chuyên môn chấm mà thực tế có tới hơn... 400 vị giám khảo là khán giả.

Họ theo dõi rất chăm chú, chỉ cần thí sinh hát chênh phô, rớt nhịp là cả hội trường ồ lên. Chúng tôi ngồi trên này mà nghe khán giả lao xao ở dưới là biết có chuyện rồi. Sau mỗi buổi thi phản ứng của khán giả thường là trùng khớp với đánh giá của ban giám khảo.

Cũng bởi khán giả đến xem chương trình là những người thật sự mê và rất rành về cải lương, đờn ca tài tử!”.

Hơn 20 năm là chặng đường dài nhưng sân chơi cải lương tài tử này không chỉ có khán giả thân thiết mà còn có những người đồng hành rất... chung tình! Như Công ty phân bón Bình Điền tài trợ hơn 20 năm qua.

MC Hữu Luân đồng hành từ những số đầu tiên đến nay, anh cười vui vẻ: “Có ông lấy vợ vài năm là thấy chán rồi, còn tôi dẫn chương trình này mười mấy năm mà không thấy ngán là biết tôi mê chương trình này, mê cải lương tài tử tới mức nào!”.

Chủ tịch hội đồng giám khảo - soạn giả Ngô Hồng Khanh - cũng là một trong những giám khảo “chung tình” của sân chơi.

Ông nói: “Tôi rất mừng là qua từng năm sân chơi này vẫn giữ vững được tình cảm của khán giả Sài Gòn. Mỗi năm lại có một sự tiến bộ. Chẳng hạn, trước khi Unesco công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì đài đã có chủ trương mở rộng bài bản, đưa những viên ngọc quý của 20 bài bản tổ, đúng chất bài bản tổ của đờn ca tài tử vào nội dung thi.

Đó là hành động thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy loại hình đờn ca tài tử. Thời gian đầu có nhiều thí sinh bỡ ngỡ vì đã quen nghe và ca các bài bản theo kiểu cải lương, nhưng trong mùa thi lần này rất mừng là có nhiều thí sinh đã ca tốt, thể hiện nhiều điệu oán rất hay.

Điệu oán luyện giọng lên xuống bổng trầm, luyến láy ngân nga sẽ giúp ca vọng cổ và các bài bản khác hay hơn”.

Có đôi lúc người ta tưởng người dân Sài Gòn choáng ngợp với các loại hình giải trí hiện đại khác mà đã quên cải lương, quên đờn ca tài tử. Nhưng đến với sân chơi này mới thấy mạch ngầm vẫn đang chảy, trong thẳm sâu tâm hồn, cải lương, đờn ca tài tử vẫn làm người ta xốn xang mỗi khi nghe tiếng rao đờn...

Nguyễn Thị Trường An đoạt huy chương vàng

Trải qua hai vòng thi khá căng thẳng, thí sinh Nguyễn Thị Trường An (sinh năm 1988) đến từ Đồng Tháp đã giành được HCV trị giá 25 triệu đồng của cuộc thi Giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng lần 11-2015. Trường An chinh phục ban giám khảo với hai tiết mục: bài vọng cổ Về quê ngoại và bài Tình cha con (Tứ đại - lớp hồi thủ).

Cô cũng đoạt luôn giải phụ “Thí sinh ca bài bản hay nhất”. Huy chương bạc được trao cho thí sinh Phạm Thị Diệu (Bến Tre), huy chương đồng thuộc về thí sinh Trần Phước Trung (Đồng Tháp). Ngoài ra, ban tổ chức còn trao giải khuyến khích và một số giải phụ.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên