24/12/2015 12:37 GMT+7

​Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl: Chàng lãng tử du hành năm châu

LÊ VĂN NUÔI (nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)
LÊ VĂN NUÔI (nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

TT - Những chuyến du hành trải dài và nối tiếp dường như không ngơi nghỉ đến nhiều nơi chốn nóng bỏng ở khắp các châu lục của nhà báo Trung Nghĩa được tác giả tường trình qua 300 trang phóng sự quốc tế Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl.

Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl
Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl (NXB Trẻ ấn hành).

Đó là những chuyến hành trình ở khắp các châu lục Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương gian nan, thử thách với phong cách dấn thân vào hiểm nguy để tác nghiệp, săn tin, săn ảnh như một phóng viên chiến trường thực thụ ở những quốc gia đã hoặc đang xảy ra xung đột vũ trang, khủng bố, thảm họa hạt nhân, hay về vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất lịch sử nhân loại MH370.

Những điểm nóng thế giới in dấu chân Trung Nghĩa (biên tập viên tòa soạn Tuổi Trẻ) từ Bàn Môn Điếm - giới tuyến phân ly Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (trên lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh); “vùng đất chết” Chernobyl (Ukraine) - nơi xảy ra thảm họa hạt nhân do nhà máy điện nguyên tử nổ tung năm 1986. Trung Nghĩa còn tìm đến những vùng xa xôi hẻo lánh miền nam Thái Lan - nơi đã và đang diễn ra khủng bố kéo dài, hay cuộc thám hiểm rừng thiêng Amazon (Brazil)...

Trung Nghĩa không chỉ lặn lội tìm đến tận nơi xảy ra sự kiện nóng, để chạm tay vào sự thật, để tận mắt chứng kiến hoặc tham gia sự kiện, mà trong văn phong của anh, con người luôn là hình ảnh trung tâm. Số phận, niềm vui, nỗi đau của con người luôn là nỗi ưu tư, day dứt của cây viết này.

Một mảng đề tài khác mà Trung Nghĩa chủ ý theo đuổi khá kỳ công là tìm hiểu về các cộng đồng người Việt định cư, sinh sống ở rất nhiều nước trên thế giới. Tác giả phản ánh được cả nỗi nhọc nhằn mưu sinh lẫn sự thành đạt đáng tự hào của người Việt nơi xứ người - một bộ phận không thể tách rời với nguồn cội đất mẹ Việt Nam.

Tác giả Trung Nghĩa trong buổi giao lưu ra mắt sách ngày 22-12 - Ảnh: H.Khoa
Tác giả Trung Nghĩa trong buổi giao lưu ra mắt sách ngày 22-12 - Ảnh: Hữu Khoa

Trung Nghĩa còn ghi nhận, cảm thụ về những chuyến đi đến nhiều kỳ quan, thắng cảnh thế giới như một chàng lãng tử yêu thích khám phá đó đây.

Khi đang còn ở lứa tuổi hoa niên sung sức, ta hãy đi nhiều, đi đến mọi miền đất nước để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của giang sơn hùng vĩ và con người Việt Nam, đi đến những thắng cảnh, kỳ quan thế giới để ngả mũ trước những công trình sáng tạo phong phú của loài người, chứng kiến những sự kiện lịch sử mỗi khi có cơ hội.

Đi để thấy và tự hào người dân Việt Nam ta được sống trong hòa bình và may mắn hơn rất nhiều dân tộc khác còn đang chìm đắm trong bom đạn chiến tranh, thù hằn sắc tộc.

Đi để so sánh, ưu tư nước ta đang ở đâu trên đường phát triển thành một quốc gia thịnh vượng, vì sao Việt Nam vẫn còn khoảng cách tụt hậu về kinh tế, mức sống, quản lý xã hội... so với các nước phát triển.

Đi để quan sát cuộc sống cư dân toàn cầu, liên tưởng, chuyển hóa vào tim óc ta thành những hạt mầm ý tưởng sáng tạo. Đi để chiêm nghiệm về lẽ sống, lẽ phải, điều hay, về hạnh phúc và lòng tốt đẹp ở đời.

LÊ VĂN NUÔI (nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên