Điều ấy cũng có thể lý giải. Bởi Trần Quốc Huấn lúc sinh thời chọn cho mình một “con đường viết” có lẽ là riêng, hay chí ít cũng khác với nhiều người cầm bút cùng thời. Ông không ham viết nhiều, không chuộng số lượng. Mà có viết cũng là viết trong âm thầm, “tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”, không muốn công bố.
Vì thế, số người biết đến ông không nhiều, số người trở thành “độc giả trung thành” của ông cũng chưa có.
Cũng bởi thế, Người lính kèn về làng vừa mới ra mắt gần đây là tập truyện đầu tiên và duy nhất của Trần Quốc Huấn, bởi ông đã đột ngột ra đi khi mới 63 tuổi (năm 2014).
Viết ít, nhưng lại sớm tạo dấu ấn với chùm tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1987. Ba truyện ngắn Bên ấy trước có người ở, Người đi đêm không sợ ma, Vùng biển thẳm đã giống như một phát hiện của cuộc thi, khiến nhiều người kỳ vọng.
Theo nhà văn Bảo Ninh, hồi Trần Quốc Huấn được giải, ông đang học Trường viết văn Nguyễn Du. “Những truyện ngắn của Trần Quốc Huấn, nhất là sau khi được giải, là một trong những trọng tâm gây tranh cãi, gần như chia đôi tổ văn xuôi lớp chúng tôi ra thành hai nhóm khen - chê, thậm chí kịch liệt, bảo thủ - cấp tiến. Văn học cái thời đó nó như thế, chẳng phải sân chơi, chẳng phải trò đùa”.
Bây giờ, đọc lại ba truyện ngắn được giải ấy, đọc thêm bốn truyện ngắn Mùa trái rụng nhiều, Đám mây màu hồng, Lạc chuồng, Những năm sau đấy và kịch bản phim truyện Người lính kèn về làng cho người đọc hôm nay hình dung một chân dung văn chương Trần Quốc Huấn: một giọng văn đằm thắm, một người kỹ lưỡng với văn chương.
Viết ít, nhưng hiện ra trong nhiều tác phẩm của Trần Quốc Huấn là chiến tranh. Đúng hơn, là dư âm của cuộc chiến. Đó là hình ảnh một người lính trở về trong balô có một cây kèn (Người lính kèn về làng), là một người đàn ông tên Thịnh một lòng xin ra chiến trường, dù “bị hỏng một mắt, mắt bên phải, tức là mắt ngắm bắn” (Mùa trái rụng nhiều)...
Tôi thích cái cách tác giả viết về chiến tranh. Không ồn ào, không có tiếng bom rơi đạn nổ nhưng nó dễ làm người ta đau, dễ khiến người ta động lòng, thậm chí là bật khóc. Cái cách chọn cho mình một độ lùi, một “góc nhỏ” để viết về chiến tranh cũng phần nào cho thấy tâm thế của tác giả, cho thấy những quan niệm cầm bút của ông.
Hơn 220 trang sách trong tập sách này có lẽ đã gói trọn được những gì mà Trần Quốc Huấn muốn gửi gắm, muốn để lại. Có lẽ thôi, bởi sự ra đi đột ngột của ông đã để lại tiếc nuối cho nhiều người, vì nếu còn sống, hẳn là nhiều suy nghiệm của ông sẽ được viết ra, làm phong phú thêm tài sản văn chương mang tên Trần Quốc Huấn.
Nhưng, có lẽ cuốn sách này đã đủ làm nên chân dung văn học của ông, để cho người cũ thì gặp lại, người mới thì gặp gỡ thêm với những tác phẩm văn chương, dẫu ra đời từ những năm 1970, 1980, 1990 nhưng vẫn tạo ra ngân rung, đồng vọng.
Nhà văn Trần Quốc Huấn sinh ngày 26-9-1952 tại Nam Định, còn được nhiều người biết tới với tư cách biên kịch - đạo diễn phim truyện: Phần đời không muốn nhớ, Người lính kèn về làng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận