26/09/2015 08:47 GMT+7

Cảm xúc văn chương của người trẻ bị khô cứng?

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Cách giáo dục khuôn mẫu khiến cảm xúc văn chương thế hệ trẻ bị khô cứng. Đầu ra của sáng tác trẻ sao quá khó khăn. Hà Nội trong mắt văn trẻ không còn là những bản hùng ca năm xưa mà là "của bây giờ với biết bao đổ vỡ, cô đơn..."

Lần đầu tiên được đối thoại với thế hệ đi trước, các cây bút trẻ của Hà Nội khá thẳng thắn, cởi mở. Trong ảnh: cây bút 16 tuổi Ngô Gia Thiên An đang phát biểu - Ảnh: Đức Triết
Lần đầu tiên được đối thoại với thế hệ đi trước, các cây bút trẻ của Hà Nội khá thẳng thắn, cởi mở. Trong ảnh: cây bút 16 tuổi Ngô Gia Thiên An đang phát biểu - Ảnh: Đức Triết

Tại Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần 2 do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức trở lại sau 22 năm, các nhà văn trẻ Hà Nội đối thoại khá thẳng thắn, cởi mở... như thế.

Diễn ra từ ngày 24 đến 26-9 ở Hà Nội và Yên Bái với sự tham dự của khoảng 60 đại biểu trẻ, hội nghị đã dành nhiều thời gian để những người viết văn trẻ vừa được gặp gỡ, giao lưu, vừa được thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của người cầm bút hôm nay - nhất là tại buổi tọa đàm mang tên “Người viết trẻ vì sự phát triển của cuộc sống và văn học”.

Đậu Sỹ Nguyên, 26 tuổi, là nghiên cứu viên Đại học Y Hà Nội. Thế nhưng Nguyên đã học lớp viết văn Nguyễn Du và đã viết được hai tập thơ bản thảo. Nguyên chia sẻ rằng cả hai tập thơ ấy Nguyên đang cất kỹ trong hòm vì dù đã gửi đi rất nhiều tờ báo văn nghệ nhưng chưa khi nào nhận được một lời hồi âm.

“Sao tôi thấy con đường của những người viết trẻ cô độc quá. Sáng tác đấy mà không nhận được sẻ chia. Nhiều khi chúng tôi chỉ cần một địa chỉ email của nhà văn, nhà thơ uy tín để gửi sáng tác của mình và nhận lại một lời... chê cũng thấy vui” - Nguyên nói.

Đại biểu trẻ nhất hội nghị lần này là cô bé 16 tuổi Ngô Gia Thiên An - tác giả của tập thơ Những ngôi sao lấp lánh. Nhưng điều đó không khiến Thiên An “tự hào” mà lại thấy “buồn buồn” vì xung quanh rất nhiều các cô, các chú cũng đại biểu trẻ như mình nhưng gần xấp xỉ tuổi 40.

Không quá than phiền về con đường sáng tác của mình, điều Thiên An muốn bày tỏ lại là câu chuyện giáo dục văn chương trong nhà trường.

“Rất nhiều bạn trong lớp con (Thiên An xưng hô như thế) cũng có khả năng viết văn, nhưng giờ thì không ai thích viết nữa. Cũng vì khi học văn trong nhà trường, chúng con phải học theo khuôn mẫu, không được tự do viết theo cách hiểu của mình... Với cách giáo dục như thế thì ngày càng thiếu vắng người đến với văn chương là chuyện dễ hiểu” - Thiên An nói.

Trước câu hỏi của nhà phê bình Lại Nguyên Ân về sự nổi trội của các cây bút trẻ phương Nam trong vài năm trở lại đây mà ở Hà Nội dường như lâu rồi không ai tạo được điều gì nổi bật cả, Nhật Phi - một đại diện của văn xuôi (giải nhất Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 5) - bày tỏ rằng với bạn, Hà Nội được ghi lại bắt đầu từ năm 1995 trở lại đây.

Chia sẻ này cũng tương đồng với trao đổi của Cao Nguyệt Nguyên: “Với thế hệ trước, Hà Nội là huyền thoại, còn với chúng tôi, Hà Nội không hẳn là chất gây nghiện nữa mà do mỗi cá nhân tự viết những tiểu tự sự nên bị tẩu tán li ti trong Hà Nội mênh mông. Mà chúng tôi băn khoăn sao người đi trước cứ áp đặt phải viết về cái nọ cái kia trong khi chúng tôi có câu chuyện của riêng mình - đấy là sự đổ vỡ và cô đơn”. 

Tâm sự chân thành ấy của Nguyên lại phải “đối thoại” với một câu hỏi của nhà văn Lê Phương Liên: “Với dòng văn học thiếu nhi sao mấy chục năm qua không tác phẩm của cây bút trẻ nào xông vào để đến giờ NXB Kim Đồng vẫn tiếp tục tái bản những tác phẩm của các nhà văn đã sống gần trọn thế kỷ như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Vũ Hùng...?”.

Là người nổi chìm với văn chương suốt cuộc đời, về dự hội nghị nhà văn trẻ, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh năm nay đã ngoài 80, thủ thỉ:

“Sao ngày càng ít người trẻ đến với văn chương thế? Hồi chúng tôi dự hội nghị người viết văn trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn VN đông đến vài trăm người. Nhưng thôi, hội nghị thế này cũng là một việc tốt để kích thích anh em nhưng sau đó còn cần những buổi trao đổi kinh nghiệm, tọa đàm... sâu hơn nữa cho văn, cho thơ.

Không ai dạy ai viết văn được cả, nhưng xã hội cần có nhiều cách để kích thích người viết mạnh dạn hơn, sáng tạo hơn, dấn thân hơn”.

Chưa làm được gì nhiều cho người viết trẻ!

Vui mừng khi kể đến những cây bút rất trẻ về tuổi đời của Hà Nội như Đỗ Nhật Nam, Ngô Gia Thiên An, Đan Thi xuất hiện trong những năm qua, để rồi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - thừa nhận:

“Hội Nhà văn Hà Nội chưa làm được gì nhiều cho những người viết trẻ thủ đô. Chưa có một cuộc hội thảo, tọa đàm nào riêng cho văn trẻ. Chưa có một cuộc bàn luận nào về tác phẩm của văn trẻ.

Ngay giải thưởng dành cho nhà văn trẻ trong hệ thống giải thưởng hằng năm của hội cũng chỉ mới trao được một lần. Đấy không phải chỉ vì anh chị em viết văn trẻ không có tác phẩm xứng đáng.

Nhưng cũng phải nói ngay là còn ít những tác phẩm của người trẻ có sự bứt phá bất ngờ thú vị, thu hút được sự chú ý của dư luận và giới làm nghề. Giải trẻ trao năm 2014 là trao cho phê bình và dịch thuật, chưa có sáng tác.

Mặt khác, dẫu biết rằng việc sáng tạo rất cần sự kích thích từ nhiều phía, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự thân của các bạn trẻ khi họ thật sự đam mê và phải biết dấn thân, nhập cuộc...”.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên