08/09/2015 07:43 GMT+7

Chân trời mới cho những cây cọ trẻ

MINH HUYỀN
MINH HUYỀN

TT - Mô hình gây quỹ cộng đồng để xuất bản truyện tranh đang trở thành hướng đi mới cho các tác giả trẻ trong việc làm sống dậy nền truyện tranh nước nhà.

Nhóm tác giả Long thần tướng ký tặng độc giả trong dịp ra mắt tập 2 của tác phẩm tại Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2015 (6-9 ở Hà Nội) - ngày hội được coi là một buổi biểu dương lực lượng của nền truyện tranh Việt Nam còn non trẻ và mới mẻ - Ảnh: HỒNG UYÊN
Nhóm tác giả Long thần tướng ký tặng độc giả trong dịp ra mắt tập 2 của tác phẩm tại Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2015 (6-9 ở Hà Nội) - ngày hội được coi là một buổi biểu dương lực lượng của nền truyện tranh Việt Nam còn non trẻ và mới mẻ - Ảnh: Hồng Uyên

Ngày 30-8 và 6-9 vừa qua, lần đầu tiên Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2015 được tổ chức dành riêng cho người Việt yêu thích truyện tranh Việt ở cả TP.HCM và Hà Nội, thu hút hơn 2.000 lượt độc giả mỗi ngày. Tập 2 của Long thần tướng - tác phẩm truyện tranh đầu tiên gây quỹ cộng đồng và đã trở thành dự án gây quỹ cộng đồng lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay - cũng ra mắt tại ngày hội.

Sau Long thần tướng tập 1 ra mắt vào tháng 11-2014, tính tới hiện nay có khoảng 10 tác phẩm (hầu hết là truyện tranh) được gây quỹ cộng đồng đã và sẽ xuất bản: Tuyệt đỉnh sinh vật Artbook, Truyện cực ngắn, Mật ngọt chết mèo, Giáo trình dạy vẽ truyện tranh “Tôi vẽ 2015”, Quan trọng là phải đẹp trai, Project icon, Truyện bựa của Thành Trí, Thành Kỳ Ý Bad luck (xuất bản online).

Vừa là cơ hội, vừa là thử thách

Crowdfunding (gây quỹ cộng đồng) là mô hình phát triển trên thế giới hiện nay. Nó giúp các nghệ sĩ trẻ có thêm điều kiện mang tác phẩm của mình đến với công chúng một cách độc lập. Không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, hội thảo chuyên đề hay cứu trợ xã hội cũng đều có thể gây quỹ nếu nó mang ý nghĩa nhân văn trong xã hội.

Với thế giới truyện tranh, độc giả trực tiếp ủng hộ kinh phí cho tác giả và tác phẩm họ yêu thích. Mô hình này kéo gần hơn khoảng cách giữa công chúng và người sáng tạo. Nó cho phép chính bạn đọc trở thành đồng tác giả xây dựng dự án ngay từ đầu bằng việc góp ý từ nội dung đến hình thức.

Kinh phí bạn đọc ủng hộ cho mỗi dự án bao gồm: kinh phí xin giấy phép phát hành và in sách, quảng cáo, vận chuyển, in ấn và sản xuất quà tặng kèm cho độc giả.

Về cơ bản, hình thức này giúp người họa sĩ trẻ không phụ thuộc kinh tế. Từ đó, họ có thể tự do phát huy khả năng sáng tạo một cách tối đa. Tuy nhiên, để có thể gây quỹ, tác giả phải có một lượng bạn đọc lớn trên mạng xã hội. Có nghĩa là thời gian đầu họa sĩ đó phải liên tục giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm đặc sắc để gây ấn tượng.

Tác giả cần phải nắm bắt những vấn đề nổi bật trong xã hội hoặc những câu chuyện đơn giản về ý nghĩa cuộc sống để thể hiện bằng tranh. Nghiên cứu xu hướng, phong cách như thế nào vừa phù hợp với nội dung cần thể hiện, vừa hợp với gu của người đọc và quan trọng là phải có dấu ấn cá nhân.

Khi sự yêu thích và niềm tin đủ đầy, đó là lúc tác giả có thể tỏa sáng. Mỗi trang truyện độc giả chỉ đọc trong 1 - 2 phút, tác giả phải mất nhiều ngày để vẽ, chỉnh sửa và làm hậu kỳ. Yêu cầu thị giác là điều kiện tiên quyết trong truyện tranh. Vậy nên, việc phát hiện góc nhìn độc đáo trong một vấn đề và tô vẽ cho ra một thông điệp lại càng khó.

Sống bằng niềm tin của độc giả

Theo Đặng Ngọc Minh Trang (sinh năm 1986) - tác giả vừa xuất bản thành công tập truyện tranh Mật ngọt chết mèo, việc xuất bản sách từ quỹ của bạn đọc giúp tác giả trẻ học hỏi thêm kinh nghiệm về quản lý thời gian, kế hoạch, “chăm sóc khách hàng”... Nó làm cho những dự án truyện được đầu tư tỉ mỉ, công phu. Chính vì thế, tác giả phải luôn thành tâm chăm sóc tác phẩm cẩn thận nhất có thể.

Tác giả Bùi Đình Thăng (Thăng Fly, sinh năm 1988, với dự án Độc thân hạnh phúc) chia sẻ: “Lần này không phải là việc kiếm tiền đơn thuần. Số tiền mình nhận được là niềm tin, sự ủng hộ của độc giả. Nó tạo sự phấn khích, niềm tin rằng các bạn trẻ thật sự yêu quý tác phẩm.

Họ tin tưởng vào một hình thức văn minh, không phải ai cũng thích miễn phí hay đọc sách lậu. Khi có cơ hội để đóng góp họ vẫn sẵn lòng. Khi nhận được đóng góp xong thì mình lại bị cảm giác áp lực, làm sao để không phụ lòng mọi người.

Thương hiệu của một họa sĩ tự do là miếng cơm manh áo, mình sống với nghề này là sống bằng niềm tin, sự ủng hộ của độc giả. Mình sẽ hết sức nghiêm túc với dự án”.

Nhiều người hoài nghi về việc ủng hộ. Minh Trang cho biết nguyên tắc của những dự án này rất chặt chẽ. Tất cả các bạn ủng hộ đều sẽ nhận được email xác nhận từ hệ thống, cung cấp những thông tin như mã đơn hàng, gói ủng hộ, số tiền đã chi...

Những bạn chọn hình thức thanh toán tại nhà sẽ nhận được biên lai xác nhận đã ủng hộ cho dự án. Mọi thứ đều rất minh bạch và rõ ràng.

Để họa sĩ truyện tranh có thể sống được với nghề

Theo Nguyễn Khánh Dương - một trong những người sáng lập ra Công ty cổ phần Comicola, một trong những website đăng tải truyện tranh có bản quyền và kêu gọi cho các dự án cộng đồng được chú ý nhất trong thời điểm này - chia sẻ: “Chúng tôi hướng tới một hệ sinh thái truyện tranh, nơi mà họa sĩ có thể sống được với nghề vẽ truyện tranh.

Cuốn truyện tranh là sản phẩm trung tâm, đi kèm là các dự án như mô hình, quà tặng, áo phông, móc chìa khoá, thậm chí là hoạt hình, phim điện ảnh. Bên cạnh đó, công ty đang hướng tới mô hình nhà văn kết hợp với họa sĩ để ra mắt nhiều tác phẩm có chất lượng, chiều sâu hơn”.

Kỳ vọng của mô hình gây quỹ cộng đồng trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh là đến một lúc nào đó người trẻ, đặc biệt là trẻ em Việt, sẽ say mê những bộ truyện tranh Việt của tác giả Việt.

Họa sĩ truyện tranh có thể sống được với nghề. Văn hóa Việt Nam nhờ truyện tranh mà được tôn vinh trong thế giới màu sắc và đường nét.

M.HUYỀN

Người trẻ ủng hộ người trẻ

Rất dễ để thực hiện crowdfunding nhưng để thành công, dự án kêu gọi hoặc phải có một ý tưởng thú vị, đột phá hoặc phải có một lượng fan hùng hậu, say mê và sẵn sàng bỏ tiền để “đầu tư” biến giấc mơ thành sự thật.

Truyện tranh là một trường hợp đặc biệt khi cùng lúc sở hữu được cả hai điều trên. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa cứ truyện tranh đưa lên kêu gọi vốn là chắc chắn thành công.

Nhìn vào sự thành công của những dự án crowdfunding ít ỏi kêu gọi được hiện nay ở Việt Nam có thể thấy: đó đều là những dự án hoặc phải khơi dậy được lòng tự hào, dấu ấn riêng của dân tộc Việt, được đầu tư nghiêm túc, công phu (dự án Hào kiệt dùng hàng Việt với sản phẩm áo thun kể với cảm hứng từ câu chuyện Hai Bà Trưng - Thánh Gióng - Mai An Tiêm, dự án truyện tranh Long thần tướng kể câu chuyện về một nhân vật hư cấu nhưng dựa trên những dữ liệu lịch sử có thật được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng), hoặc phải độc đáo như cuốn truyện tranh hài thuần Việt mang tên Truyện cực ngắn (tác giả Đào Quang Huy, kêu gọi ủng hộ 150 triệu để xuất bản, thu được gần 207 triệu, đạt 138% kế hoạch), Mật ngọt chết mèo của tác giả Đặng Ngọc Minh Trang (ra mắt độc giả online từ tháng 7-2014 trên Internet, kêu gọi 100 triệu thu được gần 120 triệu, đạt 120%).

Do đặc điểm về crowdfunding là hình thức quyên góp quỹ điện tử, vậy nên những người tham gia hầu hết đều là những người trẻ tuổi, hoặc phải am hiểu về thế giới Internet, do vậy các sản phẩm văn hóa dành cho người trẻ vẫn là những món dễ gây được sự chú ý và có sức lan tỏa mạnh nhất khi quyết định crowdfunding.

MINH TRANG

MINH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên