19/07/2015 11:21 GMT+7

Tô Hoài: Văn - đời ... tủm tỉm

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Nhớ về nhà văn Tô Hoài (1920-2014) sau một năm ông đi xa, thế hệ hậu sinh khi đến dự hội thảo "Tô Hoài - một đời văn" đều có chung cảm nhận: ông là một đại thụ văn chương có văn - đời... tủm tỉm!

Sinh viên Đặng Thị Thanh Hà trình bày tham luận tại hội thảo  “Tô Hoài - một đời văn” - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Sinh viên Đặng Thị Thanh Hà trình bày tham luận tại hội thảo “Tô Hoài - một đời văn” - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Đấy là hội thảo tưởng nhớ một năm ngày mất nhà văn Tô Hoài do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Công ty sách Phương Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng 18-7.

Cái lẽ lý giải về cảm nhận ấy của các nhà văn, nhà nghiên cứu sống cùng thời với Tô Hoài như nhà văn Trần Chiến, nhà thơ Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, nhà phê bình Lại Nguyên Ân... đều thể hiện qua nhận định về kho tác phẩm đồ sộ của nhà văn, trong đó phần nhiều là những câu chuyện rất dân dã, thôn quê, nho nhỏ nơi phố phường được viết bằng giọng văn đủng đỉnh, hóm hỉnh nhiều khi đến giễu cợt, khi ông 94 năm sống “trong cõi người ta” và “liền một mạch sáng tác suốt hơn bảy mươi năm về những con người ngụp lặn trong cõi người ta để gắng sống cho ra người...” theo lời đề dẫn cuộc hội thảo.

Và, Tô Hoài còn rất... tủm tỉm khi ông sống, làm báo... Đấy là lúc ông liên tục gỡ rắc rối cho báo Người Hà Nội được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã mô tả là “những cái nháy mắt tinh nghịch”: “Lần tôi chọn đăng lại bài tổng thống Goóc Ba Chốp sinh năm con dê đã in trên báo Thanh Niên của Nga và bị cho là báo Người Hà Nội nói xấu lãnh tụ nước bạn.

Tại cuộc họp báo chí cuối tuần, nhà văn Tô Hoài nói: “Các bạn vẫn nghe nói là chúng ta chỉ tắm từ vai trở xuống, còn cái đầu thì luôn hoàn hảo. Nhưng các nước phương Tây và cả ở Nga không thế đâu. Nước Mỹ thì tha hồ chế giễu, phê phán tổng thống. Ai cũng có nhược điểm. Và dân chúng biết rõ nhược điểm của lãnh đạo sẽ càng thấy gần gũi, thân thiết hơn.

Báo Thanh Niên Nga cũng khen ông Goóc Ba Chốp nhiều, chỉ chê là ông cũng... giống dê: kén ăn, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, hay đi và đôi khi... mê gái. Tôi nghĩ có sao đâu”.

Cũng chính cái sự tủm tỉm trong văn, trong đời ấy mà những con chữ của Tô Hoài vẫn tiếp tục hấp dẫn độc giả trẻ hôm nay.

Thạc sĩ Vũ Thúy Nga, Trường cao đẳng Hải Dương, đã chia sẻ rằng những trang văn của Tô Hoài là những miền cổ tích tưởng rất xưa mà chẳng xưa chút nào.

Hay như học viên cao học Phạm Thị Luyến, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, thì cảm nhận về Tô Hoài từ những trang viết của ông: “Không chỉ viết ra bởi sự am hiểu tường tận vốn văn hóa của các vùng quê dân tộc mà còn được chắt lọc từ cái tình nồng nàn mà nhà văn dành cho phong tục của quê hương”.

Riêng với Đặng Thị Thanh Hà - cô sinh viên khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM - lại khám phá Tô Hoài khi ông đáng được xem là người “giải ảo” cho lịch sử của thế hệ trẻ với những gì đã viết suốt đời mình. Đấy là, qua những Khách nợ, Chuyện để quên, Chiếc áo xường xám màu hoa anh đào, Ba người khác...

Thanh Hà cho rằng: “Đọc tác phẩm, cảm thấy Tô Hoài như đang nắm tay ta lôi tuột vào những ngóc ngách, hẻm hóc để nhìn vào cái bề sau, bề sâu của những gì mà ta ngỡ như đã biết, biết rõ.

Trước mắt ta, Tô Hoài như đang lật xới bề chìm, bề sâu đó để phơi bày một khung cảnh “khác”, một lịch sử “khác”, lịch sử trọn vẹn của những thời, những vùng ông đã đến, đã sống, đã đi qua. Những bề chìm, bề sâu ấy có khi “choảng” nhau với những điều đã trở thành chân lý, đã “hóa đá” trong suy nghĩ của nhiều thế hệ...”.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên