25/02/2015 09:36 GMT+7

​Lễ hội chém lợn: không cấm ngay được

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT -  Dù dư luận lên tiếng và những nhà quản lý văn hóa khuyến cáo, sáng 24-2 (mùng 6 tháng giêng) người dân khu phố Thượng (TP Bắc Ninh) vẫn tổ chức chém hai “ông ỉn” giữa sân đình.

Người dân cho một “ông ỉn” uống nước sau khi rước đi quanh làng, nghi lễ khai đao được tiến hành sau đó - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cụ Nguyễn Đình Lợi - chi hội trưởng chi hội người cao tuổi khu phố Thượng, phó ban thường trực lễ hội chém lợn làng Ném Thượng - cho biết từ sau giải phóng, sau khoảng 20 năm giữ nghi thức chém lợn giữa sân đình, có hai năm vừa rồi (2013, 2014) người dân địa phương không chém lợn mà chỉ làm cỗ ngọc tế thánh sau đình.

Nhưng năm nay, trải qua năm cuộc họp liên tiếp trong và sau tết với sự tham gia của trưởng các dòng họ, trưởng các hội đồng niên trong khu phố, các bô lão, người dân địa phương, cuối cùng đã đi đến quyết định tiến hành nghi thức khai đao chém “ông ỉn” giữa sân đình.

Trẻ nhỏ đứng xem

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ảnh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh - cho biết sở có cử cán bộ đến khu phố Thượng, nhưng chỉ chứng kiến và vận động.

“Vì bây giờ các cụ ở khu phố Thượng đã rất quyết tâm duy trì nghi thức chém lợn như vậy thì phải làm từng bước một, không thể cấm ngay được” - ông Ảnh nói.

Đúng 12g, nghi thức chém lợn được tiến hành giữa sân đình với sự chứng kiến của hàng trăm người, từ các cụ già đến thanh niên. Riêng trẻ nhỏ được ban tổ chức khuyến cáo người lớn dẫn ra ngoài để các em không chứng kiến cảnh chém lợn.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn để các em nhỏ đứng xem. Ban tổ chức cũng luôn nhắc nhở người dân không dùng tiền quết máu lợn vì việc làm đó không mang lại sự may mắn như nhiều người vẫn nghĩ. 

Một bô lão đọc văn tế, cầu mong một năm mới bình yên, may mắn cho cả làng. Sau đó, tướng cờ thực hiện nghi thức múa cờ. Khi chiêng trống nổi lên, hai thủ đao bắt đầu khai đao chém “ông ỉn”.

Năm nay, xung quanh khu vực chém lợn đã được dựng hàng rào thép chắc chắn để tránh người xem tiến quá gần, có thể gây nguy hiểm. Sau khi chém xong, hai “ông ỉn” được đưa ngay ra phía sau đình đã được quây bạt kín để làm cỗ ngọc tế thánh.

Tuy nhiên, vì quá đông người tham dự nên sau nghi thức chém lợn, sân đình hết sức hỗn loạn, một số người vẫn bất chấp khuyến cáo của ban tổ chức để chen chân cầm tiền quết máu lợn.

Ý kiến trái chiều

Có mặt trực tiếp tại lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, ông Nguyễn Tam Thanh - cán bộ phúc lợi động vật Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) - cho biết Animals Asia vẫn giữ nguyên quan điểm như đã đưa ra trước đó: “Lễ hội này có những tác động tiêu cực đến cộng đồng và chúng tôi tiếp tục kêu gọi nhằm chấm dứt hoàn toàn lễ hội này hoặc thay thế hình thức chém lợn bằng một hình thức khác nhân văn hơn.

Đối với người lớn như tôi, khi tâm lý đã ổn định rồi mà xem những lễ hội như vậy còn thấy ghê rợn thì đối với trẻ em sẽ có những tác động mà mình khó lường trước được.

Trẻ em là đối tượng rất dễ chịu sự tác động của người lớn, nên đông trẻ em tham gia tại lễ hội là do các em bị động, đi theo người lớn, còn nếu bản thân các em được lựa chọn chưa chắc các em đã đến những nơi như vậy”.

Ông Thanh cũng bày tỏ cá nhân ông thấy thất vọng vì sau khi dư luận, cộng đồng lên tiếng phản đối nhưng người dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội này. Ông nói: “Mọi người thường mang văn hóa, truyền thống ra làm bình phong và điều này khó thay đổi, nên chúng tôi cần thời gian để thuyết phục họ”.

Ông cũng chia sẻ thêm với hoạt động chọi trâu, nếu tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn miền Bắc và cả nước thì Animals Asia sẽ kêu gọi cộng đồng vào cuộc.

“Việt Nam chưa có luật nào đưa ra nhằm bảo vệ động vật, nên vẫn chưa thể kêu gọi người dân dựa trên quy phạm nào. Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên có một quy định hoặc có luật về phúc lợi đối với động vật mà trên thế giới rất nhiều nước có rồi” - ông Nguyễn Tam Thanh đề xuất.

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, người trực tiếp tham dự và chứng kiến nghi thức chém lợn - lại cho rằng: “Những năm trước tôi không tham dự lễ hội, nhưng năm nay tôi thấy lễ hội được tổ chức rất bài bản, rất thành kính, người dân địa phương đã rất cẩn thận, làm hàng rào để tránh chen lấn, xô đẩy.

Về nghi thức hiến sinh (tức nghi thức chém lợn), không có công ước quốc tế nào ngăn cấm việc này. Lễ hội này cũng không đẩy Việt Nam vào tình trạng vi phạm các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Việt Nam chỉ cam kết công ước đa dạng văn hóa và công ước bảo vệ động vật hoang dã chứ không cam kết bảo vệ vật nuôi.

Hiến pháp nước ta cũng khẳng định luôn tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng của người dân. Lễ hội này không vi phạm pháp luật, không vi phạm Hiến pháp. Vậy nên không thể mang ý kiến về văn hóa của cộng đồng này áp đặt cho cộng đồng khác.

Các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trong chừng mực nào đó cũng phải tôn trọng ý nguyện của cộng đồng nếu ý nguyện đó không phạm pháp, không vi phạm những gì Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Tuy nhiên, tôi phản đối việc lấy tiền quết vào máu lợn. Điều này cần phải bãi bỏ”.

Ông Bền nói thêm: “Cần phải có điều tra xã hội học cụ thể từ khi phục dựng nghi thức hiến sinh này, cộng đồng địa phương đó có xảy ra bạo lực nhiều hơn trước đây hay không và những đối tượng nào thường bị ảnh hưởng (nếu có) từ lễ hội chém lợn. Còn một thời gian sau, cộng đồng địa phương thấy không phù hợp và muốn bỏ nghi thức hiến sinh đó thì mình cũng phải tôn trọng”.

Trong khi đó TS Nguyễn Quốc Tuấn, viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng nghi thức chém lợn bắt nguồn từ tục hiến sinh, dâng hiến một vật nào đó cho thần thánh và hoàn toàn có thể thay thế những động vật sống bằng các biểu tượng.

“Theo tôi, lễ hội làng Ném Thượng nên hướng đến nghi thức dùng đồ mã thay thế động vật sống. Đây đúng là phong tục của từng làng nhưng trong thế giới rộng mở, hiện đại này thì nên điều chỉnh. Nếu thay thế bằng đồ mã thì ý nghĩa cũng không có gì khác nhau” - TS Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định.

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu do C. Hensley và S. E. Tallichet thực hiện ở Mỹ, có một mối liên hệ giữa việc đối xử tàn ác với động vật và hành vi bạo lực ở người.

Một khảo sát thực hiện năm 1999 tại một nhà tù cho thấy: trong tổng số 117 tù nhân được chia thành hai nhóm: nhóm có xu hướng bạo lực và nhóm không có xu hướng bạo lực, kết quả cho thấy 63% tội phạm thuộc nhóm có xu hướng bạo lực từng có hành vi ngược đãi động vật so với tỉ lệ chỉ 11% ở nhóm không có xu hướng bạo lực.

Theo một nghiên cứu khác của Petersen và Farrington năm 1999, trong tổng số 72 phụ nữ tại các nhà tạm trú cho phụ nữ bị bạo hành gia đình: 88% số người (trong tổng số 68% số phụ nữ có nuôi vật nuôi trong nhà) cho biết có việc ngược đãi động vật trước sự chứng kiến của họ.

Trong 76% trường hợp có cả trẻ em chứng kiến những hành động đó thì 54% số trẻ em chứng kiến hành vi bạo lực lặp lại hành vi đó.

(Nguồn tài liệu do Animals Asia cung cấp)

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên