30/01/2015 09:45 GMT+7

Không khuyến khích lễ hội “man rợ”  như lễ hội chém lợn

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Bộ VH-TT&DL không khuyến khích những lễ hội mang tính bạo lực, dã man, man rợ như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh...

Hình ảnh tại lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, huyện Tiên Du,  Bắc Ninh - Ảnh: T.T.D.

Ông Phan Ðình Tân - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL - cho biết như vậy xung quanh sự việc Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) mới đây đã phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng ký tên kiến nghị cơ quan chức năng của Việt Nam sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 29-1, ông Phan Ðình Tân nói: “Bộ VH-TT&DL không ủng hộ những hành vi có tính chất bạo lực, man rợ tại các lễ hội như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.

Còn với trường hợp lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên Bộ VH-TT&DL tôn trọng truyền thống của người dân địa phương, nhưng bộ không khuyến khích tuyên truyền, quảng bá lễ hội này.

Ở Tây Ban Nha cũng có nhiều ý kiến đề xuất không tổ chức lễ hội đấu bò tót. Sống trong thế giới văn minh này, chúng ta nên cổ vũ những hoạt động văn minh, văn hóa, còn những hoạt động không văn minh, mang tính chất bạo lực, man rợ thì chúng ta phải hạn chế”.

Chiều cùng ngày, bà Trịnh Thị Thủy - cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), cơ quan trực tiếp quản lý chung các hoạt động lễ hội trên cả nước - cũng nêu quan điểm Cục Văn hóa cơ sở luôn khuyến cáo các địa phương có tổ chức lễ hội hằng năm, nếu những hoạt động nào gây phản cảm trong dư luận xã hội thì nên hạn chế, loại bỏ.

Tuy nhiên, bà Thủy phát biểu thận trọng: “Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh lễ hội cho đúng với tinh thần chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước là xây dựng văn hóa lễ hội lành mạnh, hướng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp. Nhưng không chỉ tại Bắc Ninh có lễ hội chém lợn mà ở nhiều vùng miền trên đất nước ta còn có các lễ hội khác tương tự như lễ hội chọi trâu, lễ hội đâm trâu.

Vì thế cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa để tìm ra nguồn gốc của lễ hội đó.

Từ đó mới có thể xác định những lễ hội nào mới ra đời, phản cảm hay không phản cảm, cần phải chấm dứt hay không. Bởi có những lễ hội tín ngưỡng, tâm linh của nhiều đồng bào các dân tộc đã có từ xa xưa rồi. Và hiện vẫn còn những ý kiến tranh luận trái chiều về những lễ hội này”.

Vì thế, bà Thủy cho rằng với từng lễ hội cụ thể, cần phải tổ chức những hội thảo nghiên cứu khoa học để những nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra căn cứ cụ thể, đồng thời phải lấy ý kiến của người dân ở các địa phương tổ chức lễ hội đó nhằm có sự nhìn nhận nhiều chiều, khách quan về các hoạt động lễ hội ở địa phương đó. 

Khuyến cáo của Tổ chức động vật châu Á

Ngày 27-1, Animals Asia đã phát đi thông điệp kêu gọi lấy chữ ký của cộng đồng để các cơ quan chức năng Việt Nam sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh. Animals Asia đưa ra quan điểm:

“Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng”.

 

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên