Các bạn trẻ đến dự The Book Talk và hào hứng đặt câu hỏi - Ảnh: L.Điền |
Ảnh: L.Điền |
Dịch giả, nhà văn Trần Tiễn Cao Ðăng (ảnh) - người khởi xướng ý tưởng The Book Talk - vừa có cuộc trò chuyện với Thế giới sách.
* Một đơn vị làm sách và phát hành có ý tưởng giao lưu với bạn đọc theo từng chủ đề sách như vậy là muốn nghe những gì từ bạn đọc, hay có gì cần nói thêm với bạn đọc ngoài những quyển sách mà họ đã mua?
- Trong thời gian vừa qua, đời sống văn học của ta mặc dù có các nhà văn viết và các nhà xuất bản cho ra đời tác phẩm, nhưng thiếu hẳn các diễn đàn, các câu lạc bộ, salon văn học. Như TP.HCM lớn thế này, người viết văn không ít, người đọc sách không ít, nhưng thiếu những điểm sinh hoạt văn học có tính thường trực, định kỳ.
Có như vậy thì đời sống văn học có thể sôi nổi hơn, có thêm hoạt động thực tiễn ở bề nổi của đời sống văn học chứ không chỉ là nhà văn viết rồi người đọc tiếp nhận tác phẩm trong lặng lẽ. Bề nổi hay là phương diện hội hè của văn chương cũng rất cần.
Trước khi khởi động The Book Talk, chúng tôi hình dung đây sẽ là một trong những kênh tốt nhất để chúng tôi, với tư cách người làm sách, có thể biết được người đọc đang quan tâm những gì, họ chờ đợi từ chúng tôi những gì, họ có thể gợi cho chúng tôi những ý tưởng nào...
Nay, khi The Book Talk đã qua được ba buổi, có vẻ thực tế diễn ra như những gì chúng tôi đã hình dung.
TS Trần Lê Hoa Tranh - cố vấn của chương trình - chia sẻ: “Book Talk là nơi mà văn chương còn có giá trị, một nơi mà tiếng nói của cử tọa và của diễn giả được chú ý như nhau, nơi mà mình cảm thấy những gì nói ra và những gì thu lượm được rất có ích cho bản thân cũng như đối tượng... chứ không phải là một nơi khoe kiến thức, nơi mà cử tọa hay diễn giả giống như những ly nước đã đầy, không thể rót thêm vào được nữa”. |
* Qua ba kỳ Book Talk diễn ra tại Nhã Nam thư quán (TP.HCM), anh thấy điều gì sẽ làm nên chất lượng cho các cuộc trò chuyện như vậy?
- Cách làm của chúng tôi là dành hầu hết thời lượng buổi tọa đàm cho sự tương tác giữa cử tọa và diễn giả.
Chúng tôi khích lệ, kỳ vọng, thậm chí có thể nói là đòi hỏi mọi người có mặt cất lên tiếng nói của mình, góp phần mình vào những đối thoại có thực chất, khơi gợi sự tư duy tích cực và độc lập, chứ không phải để nhằm tới hay dựa trên những câu trả lời có sẵn.
Có thể trong ba buổi vừa qua chúng tôi chưa hoàn toàn đạt được điều ấy, song chúng tôi luôn nỗ lực để đạt được điều ấy.
* Nói về ích lợi của văn chương, nói về đam mê sách và phim, nói về du ký, liệu Book Talk có chuẩn bị những đề tài gai góc hơn cho năm 2015 này?
- Chúng tôi chưa thể nói gì về các đề tài gai góc. Nhưng cùng với tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh trong vai trò cố vấn cho The Book Talk, dự kiến chúng ta sẽ có một số chủ đề thú vị trong thời gian tới như văn học trinh thám - phản trinh thám, văn học và ẩm thực, văn học mạng có phải là văn học, trẻ em ngày nay đọc gì?...
* Có vẻ như Book Talk chưa được chú trọng quảng bá trên các phương tiện truyền thông. anh muốn duy trì chương trình này như một sân chơi hẹp dành riêng cho giới mê sách, hay có dự định sẽ mở rộng không gian giao lưu hơn?
- Chúng tôi sẽ có những chủ đề dành cho một bộ phận công chúng “hẹp” gồm những người mê sách “thứ thiệt” (hardcore book lover), và những chủ đề dành cho đối tượng rộng hơn. Sách, nói cụ thể hơn là văn chương, cũng như mọi lĩnh vực khác trong đời sống, sẽ tự suy hoại nếu như khép kín thay vì mở rộng ra, giao hòa với tất cả những gì khác nó song có liên quan đến nó.
Và ban tổ chức cũng có chủ ý sẽ linh hoạt trong lựa chọn chủ đề, có thể dự kiến trước một vài chương trình kiểu như kỷ niệm ngày sinh ngày mất nhà văn nào đó, hoặc nhân sự kiện nhà văn nổi tiếng nào đến VN thì Book Talk tổ chức với sự góp mặt của nhà văn đó.
Cũng có thể bám theo thời sự văn học nhân một tác phẩm lớn vừa được dịch, hoặc giới thiệu một tác giả lớn lần đầu xuất hiện ở VN...
[poll width="400px" height="174px"]117[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận